Dương Bích Liên - sống và cống hiến thầm lặng

Họa sĩ Dương Bích Liên được tôn vinh là một trong 'tứ trụ' của nghệ thuật hiện đại Việt Nam, cùng với Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái. Tuy ông vẽ không nhiều, nhưng đã tạo dấu ấn, khẳng định bản sắc riêng trong nền hội họa nước nhà.

Từ tác phẩm là Bảo vật quốc gia

“Nhiều lần được tiếp đón nguyên thủ các quốc gia có dịp đến thăm Bảo tàng, tôi đã giới thiệu tác phẩm Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc - Bảo vật quốc gia. Một lần tôi hỏi Phó Tổng thống Singapore về nhân vật trong tranh: Ngài có biết đây là ai không? Ông lắc đầu. Tôi nói thêm: Ngài có thể hỏi bất kỳ người Việt Nam nào trong căn phòng này, ai cũng biết. Ông rất ngạc nhiên, quay lại hỏi người phiên dịch và được trả lời ngay rằng, đó là Bác Hồ” - TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam kể lại một kỷ niệm về tác phẩm của danh họa Dương Bích Liên đang lưu giữ tại Bảo tàng.

Tác phẩm “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc”. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tác phẩm “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc”. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện lưu giữ 8 tác phẩm của họa sĩ Dương Bích Liên. Số lượng tác phẩm không nhiều, nhưng theo TS. Nguyễn Anh Minh, đó là những tác phẩm đỉnh cao của họa sĩ cũng như của mỹ thuật Việt Nam. Trong đó, tác phẩm sơn mài Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, với bút pháp phóng khoáng, dạt dào cảm xúc, họa sĩ đã dựng lên một không gian núi rừng, trời nước bao la. Ngựa đóng yên, người áo nâu túi vải, bình tĩnh chuẩn bị vượt qua dòng lũ cuộn chảy với dáng vẻ thật ung dung. Tuy không vẽ trực diện nhưng chỉ cần nhìn bóng người trong tranh đã biết đó là Bác Hồ. Điều này để lại ấn tượng cho người thưởng lãm.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Dương Bích Liên trở thành lớp họa sĩ cách mạng đầu tiên của mỹ thuật Việt Nam. Cuối mùa xuân năm 1952, đang công tác ở Thái Nguyên, họa sĩ được cử lên Việt Bắc để vẽ vị Chủ tịch đầu tiên của đất nước. Theo ghi chép của ông Nguyễn Hào Hải - người bạn thân thiết của Dương Bích Liên - trong cuộc nói chuyện với họa sĩ những ngày cuối cùng trước khi ông mất, đó là kỷ niệm họa sĩ không bao giờ quên. “Tôi được tổ chức giao một trọng trách: vẽ Bác. Tôi phải tìm hiểu, phải phát hiện tính cách, cố gắng thuộc mẫu ngay trong những giây phút đầu tiên tiếp cận với Bác. Tôi được biết Bác rất bận. Và chính Bác trong lúc trò chuyện với tôi cũng nói trước rằng: Bác nhiều công việc, không có thời gian ngồi làm mẫu, muốn vẽ Bác, cháu phải tìm cách thức nào đấy để tiện lợi cho cháu cũng như cho Bác”.

Trong suốt thời gian ở cạnh Bác, họa sĩ chỉ vẽ ký họa làm tài liệu. Gần 30 năm sau kể từ khi chia tay Bác Hồ ở Việt Bắc, Dương Bích Liên mới bắt tay vẽ một tác phẩm thực sự về Bác. Và bức Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc đã được tặng giải Nhất trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980.

Chính nhờ sự tiếp xúc gần gũi với Bác mà họa sĩ Dương Bích Liên đã tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật mang nhiều cảm xúc, tình yêu với lãnh tụ, cách mạng, với cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc và tuổi trẻ Việt Nam. Tác phẩm giàu chất hiện thực lãng mạn, thể hiện được vẻ đẹp của con người, thiên nhiên Việt Nam bằng bút pháp tinh tế.

“Gạch nối” mỹ thuật đương đại Việt Nam

Năm 1954, họa sĩ Dương Bích Liên cùng những đoàn quân chiến thắng trở về Hà Nội, nơi ông sinh ra và lớn lên, cũng là nơi ông đã sống và lặng lẽ làm việc cho đến ngày qua đời. Ông được biên chế vào tổ sáng tác cùng các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm. Đây cũng là bộ tứ nổi tiếng của hội họa Việt Nam.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê - nguyên Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (nay là Hội Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ, từng có 11 năm được gần gũi tiếp xúc với cả bộ tứ huyền thoại trong tổ sáng tác của Hội thời đó, nên bà có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, đặc biệt là với Dương Bích Liên. Theo bà, đó là người khiêm nhường, ẩn dật và nhẫn nhịn trong đời sống, dồn hết năng lượng và nhiệt huyết cho nghệ thuật. Ở những thời điểm quan trọng của lịch sử, ông đã cho ra đời những tác phẩm mang tầm tư tưởng cao, như "Hào", “Ngày mùa”, “Đi học đêm”, “Hành quân đêm”, “Thiếu nữ áo trắng”, “Chiều vàng”…

Họa sĩ Đặng Thị Khuê nhận định: “Có thể nói Dương Bích Liên là một hiện tượng điển hình nhất của giao thoa văn hóa, ở cả tinh thần nghệ thuật lẫn bút pháp. Pha trộn lối tả thực đơn giản với bút pháp Ấn tượng nhẹ nhàng, tranh của ông là cảm hứng lãng mạn trữ tình của một phong vị điển hình cho tâm hồn con người Việt Nam đầu thế kỷ. Và ông giữ mãi cái nhìn ấy dẫu hiện thực đổi thay, lịch sử biến thiên - điều ấy khiến ông là một biệt lệ trong bộ tứ huyền thoại”.

Giới yêu mỹ thuật vẫn thường nói “Phố Phái, gái Liên”, ý chỉ hai trường phái vẽ nổi bật bấy giờ - Bùi Xuân Phái vẽ phố Hà Nội, còn Dương Bích Liên vẽ phụ nữ Hà Thành. Ông vẽ nhiều tranh chân dung thiếu nữ. Đề tài này luôn được ông ưu ái và cũng là những tác phẩm đầy cảm xúc…

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, là bộ tứ nối tiếp Trí - Vân - Lân - Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn), các họa sĩ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái) đã tạo nên nền móng của nghệ thuật hiện đại Việt Nam đến nay đã gần một thế kỷ.

“Nền mỹ thuật hiện đại của Việt Nam may mắn có được tứ trụ cuối cùng kết thúc thế hệ vàng của mỹ thuật Đông Dương. Họ là gạch nối cho xu thế ngày càng đa dạng của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Trong bộ tứ này, họa sĩ Dương Bích Liên là một người sống và cống hiến thầm lặng, nhưng đã có những sáng tạo nghệ thuật đóng góp lớn cho mỹ thuật nước nhà” - họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/duong-bich-lien-song-va-cong-hien-tham-lang-i380617/