Đường BT 'méo mó', chính quyền làm ngơ?

Sự quản lý lỏng lẻo, thậm chí có phần làm ngơ của một số cơ quan chức năng đã khiến các dự án BT tại Hà Nội bị 'méo mó', đại diện Hiệp hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội nhận định.

Dự án BT trục đường phía Nam vừa thi công chậm, vừa chưa có kết nối với đường giao thông ở điểm cuối. Ảnh: Anh Trọng

Dự án BT trục đường phía Nam vừa thi công chậm, vừa chưa có kết nối với đường giao thông ở điểm cuối. Ảnh: Anh Trọng

PGS.TS Nguyễn Quang Đạo, Hội Cầu đường Việt Nam, cho biết, với các tuyến đường hướng tâm, vành đai ngoài chỉ giới đỏ (diện tích sử dụng cho giao thông), các nhà quy hoạch, xây dựng còn bố trí quỹ đất làm hành lang an toàn hay còn gọi là “khoảng lùi” rộng từ 9 đến 17 mét. Với tuyến đường Lê Văn Lương vừa được làm mới, xây dựng trên địa hình không giải phóng mặt bằng nhưng lòng đường chỉ có 3 làn xe, vỉa hè nhiều đoạn chỉ rộng 1 - 2 mét/chiều là quá hẹp và bất cập.

Theo ông Đạo, tình trạng này dẫn đến khi một làn tuyến đường này được bố trí dành cho xe buýt BRT, cộng với cao ốc, nhà cao hàng chục tầng xây mọc lên như nấm ngay sát vỉa hè, đã khiến tuyến đường trở nên nhỏ bé, chật chội và bị “nuốt chửng” bởi nhà cao tầng.

Thạc sỹ Vũ Đình Hiền, nguyên Phó trưởng Bộ môn Đường bộ, Đại học GTVT, cho biết, trên các tuyến đường vành đai Hà Nội như Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3…, ngoài diện tích dành cho giao thông (khoảng 6 đến 12 làn xe), tại đây còn được bố trí quỹ đất dự phòng nằm ở 2 bên ven đường hoặc dải phân cách giữa. Việc này ngoài ngăn ngừa sự xâm lấn đến chỉ giới đường đỏ, còn giúp cơ quan chức năng có không gian, diện tích khi cần mở rộng hoặc thay đổi cách tổ chức giao thông.

Tuy nhiên, với các tuyến đường BT tại Hà Nội, tuy mới được xây dựng nhưng với nhiều tuyến đường, quỹ đất dự phòng làm “khoảng lùi” đô thị không có. Hầu hết các nhà đầu tư chỉ tính cho việc sử dụng trước mắt, không bố trí quỹ đất dự phòng, thậm chí tại nhiều dự án, diện tích dành cho vỉa hè còn bị lấn chiếm.

Để xảy ra tình trạng này, ông Hiền cho rằng, trách nhiệm đầu tiên là các sở chuyên ngành, cụ thể là Sở QH&KT, Thanh tra Xây dựng (Sở Xây dựng) và các đơn vị được giao quản lý dự án. Với Sở QH&KT, ông Hiền phân tích, không những chỉ giới đường đỏ các tuyến đường mà chính các tòa nhà cao tầng xây hai bên đường BT, phạm vi, chỉ giới xây dựng ra sao cũng do Sở QH&KT thẩm định, chấp thuận. “Do vậy, việc các tòa nhà cao tầng xây không trừ khoảng lùi an toàn, xây sát chỉ giới đỏ, thậm chí lấn chiếm vỉa hè… không thể các đơn vị chức năng của Sở QH&KT không biết”, ông Hiền nhận định.

Đại diện Hiệp hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, do một thời gian được triển khai vội vã, ồ ạt và được thực hiện theo cơ chế đặc thù, bỏ qua nhiều quy định của Nhà nước nên khi nhận được dự án, nhiều nhà đầu tư BT chỉ mau chóng làm thành hình hài con đường, sau đó để lấy đất đối ứng, rồi xây nhà để bán.

Sự quản lý lỏng lẻo, thậm chí có phần làm ngơ của một số cơ quan chức năng đã khiến các dự án BT tại Hà Nội bị “méo mó”. Với trục giao thông hướng tâm như Lê Văn Lương - Tố Hữu, trục đường phía Nam, đường Vành đai 2 trên cao… Nhà nước bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng (bằng đất đối ứng) nhưng thu về tuyến đường vừa đưa vào đã quá tải, nhiều bất cập về thiết kế. Đặc biệt, một số tuyến đường, dự án chỉ có thiết kế chạy qua các khu đô thị, chung cư nơi có nhiều khu nhà cao tầng, dự án bất động sản ở hai bên đường dự án, sau đó, tuyến đường đi tiếp đến đâu, kết nối ra sao không được quan tâm.

Anh Trọng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/duong-bt-meo-mo-chinh-quyen-lam-ngo-1757514.tpo