Đường cao tốc Bắc - Nam: Bộ GTVT cần tính toán các phương án thoát lũ
Ngày 13/3, tại TP Đồng Hới, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị Bàn giao hồ sơ thiết kế GPMB đợt 1, cao tốc Bắc - Nam đoạn qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.
Đoạn cao tốc này có 5 dự án thành phần gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi; Hàm Nghi - Vũng Áng; Vũng Áng - Bùng; Bùng Vạn Ninh; Vạn Ninh - Cam Lộ có tổng chiều dài 267km, quy mô giai đoạn 1 có 4 làn xe, vận tốc thiết kế từ 80 đến 120k/h, tổng mức đầu tư gần 50 tỉ đồng, dự kiến đưa vào khai thác đầu năm 2026.
Hiện cả 3 tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, hội đồng GPMB đường cao tốc Bắc - Nam từ tỉnh xuống huyện và xem đây là công việc quan trọng hàng đầu.
Tại hội nghị, đại diện tỉnh Quảng Trị cho rằng: Dự án đường Cao tốc Bắc – Nam có khối lượng GPMB lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều luật gây ra chồng chéo, thậm chí là đá nhau. Nên chăng Chính phủ và Bộ GTVT nên xem GPMB như một hạng mục thi công khác của dự án. Như vậy đẩy nhanh được tiến độ, đáp ứng yêu cầu cấp bách của dự án.
Đối với Hà Tình, đến thời điểm hiện nay đã thống kê được có khoảng 700 hộ dân và hơn 1.000 ngôi mộ phải di dời để phục vụ dự án. Quan điểm của tỉnh Hà Tĩnh là phối hợp tối đa với Bộ GTVT và các ban QLDA để sớm hoạn thành đường Cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa phương này.
Ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị: Dự án cần có cơ chế đặc thù cho GPMB, nếu không rút bớt các thủ tục thì rất khó để hoàn thành đúng tiến độ. “Hiện nay thu hồi đất nông nghiệp, đất rừng nếu diện tích lớn phải thông qua HĐND tỉnh, sau đó trình Chính phủ mới chuyển đổi được mục đích sử dụng đất. Nếu các trình tự này vẫn giữ nguyên thì rất mất thời gian, khó đạt tiến độ”
Đặc biệt, các đơn vị tư vấn, thiết kế cần tính toán phương án thoát lũ đối với dự án, đặc biệt đoạn qua sông Gianh và sông Son. Rút kinh nghiệm từ đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, sau khi đưa vào sử dụng, nhiều đoạn thoát lũ kém gây ngập lũ nghiêm trọng ở một số địa bàn… ông Phong đề xuất.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá cao sự vào cuộc của các tỉnh. Tuy nhiên, hiện một số địa phương vẫn xem đây là công trình của trung ương nên sự phối hợp chưa nhịp nhàng, thậm chí là có những yêu cầu, mà đáng ra trách nhiệm đó là của địa phương.
Cao tốc Bắc – Nam là công trình trọng điểm quốc gia, do trung ương thực hiện. Dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng chung của toàn quốc, nhưng các địa phương cũng hưởng lợi rất lớn từ dự án này. Đề nghị các tỉnh cần cộng đồng trách nhiệm, để dự án hoàn thành đúng tiến độ mà Chính phủ đã đề ra.