Đuông đất ở Trà Vinh thành món đặc sản nhà giàu cũng muốn ăn
Khoảng tháng 10 âm lịch, du khách đến Trà Vinh sẽ được thưởng thức món đuông đất đặc sản bên cạnh các món chù ụ rang muối, cốm dẹp Ba So, bánh tét Trà Cuôn...
Khi mùa mưa qua, bà con vùng đất giồng cát chuẩn bị vào vụ thu hoạch bắp, khoai, đậu phộng, mía.
Đây cũng là thời điểm bắt đuông đất. Đuông đất thường ở những thửa đất giồng cát lớn và đuông chỉ ở cách mặt đất tầm hơn 1 gang tay. Đất giồng nên rất dễ cuốc lật gốc cây lên để bắt đuông. Nhiều khi, chỉ hơn nửa tiếng, có thể bắt hơn trăm con đuông.
Cái khó ở đây là nhìn ra được ổ đuông, anh Kim Sa Mét, ở xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, chia sẻ: "Thường đuông đất sống dưới rễ cây hoặc bụi rậm, nơi ẩm ướt, có nhiều lá mục.
Tuy nhiên, đuông ngon nhất lại sống dưới luống khoai, luống bắp, mía. Vì vậy, lúc thu hoạch khoai, bắp, mía cũng là lúc bà con đào đuông. Nhưng đuông càng mập thì bà con càng rầu vì nông sản sẽ bị ảnh hưởng. Một bí quyết khi bắt đuông là phải đem theo xô nước để bỏ đuông vào ngâm. Sau khi làm sạch đuông cũng phải ngâm nước lạnh để giữ cho đuông tươi, giòn và không dai".
Cách làm đuông đất cũng không khó, chỉ cần bỏ phần ruột chứa cát và rễ cây, sau đó rửa sạch, để ráo. Đuông đất làm ra được nhiều món ngon, tùy thuộc vào sở thích của người dùng, như: chiên giòn, đặc biệt nếu chiên với mỡ sẽ cho mùi vị hấp dẫn hơn chiên với dầu ăn; dồn đậu phộng vào thân đuông, rồi ướp với bột năn chiên giòn; rang mặn.
Đuông đất trước đây có giá khá rẻ, bán theo lộ, nhưng giờ được ưa chuộng nên có giá hơn, cứ 1 con là 1 nghìn đồng. Chị Thạch Thị Ngọc, ở xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, nói: "Cứ mỗi mùa có đuông , tôi mở sạp bán tại nhà, cũng được hơn chục năm rồi. Nhiều khách ở xa, cứ đến khoảng tháng 10 âm lịch là chạy xe hơi đi mua đuông và đã thành mối quen của tôi. Mỗi lần khách như thế đến, tôi không đủ đuông để bán".
Chị Ngọc còn cho biết, với khách mới, cứ mỗi lần bán đuông, chị phải dặn dò thêm cho du khách cách chế biến. Đó là tuyệt đối không dùng các loại đũa để xào vì đuông sẽ rất dai, thân đuông bị kéo dài và có vị khó ăn. Chủ yếu là phải dùng tay cầm quai chảo để xốc đều. Có vậy, đuông sẽ giòn và co tròn lại nhìn rất bắt mắt.
Trong không khí se lạnh, nhâm nhi ly rượu Xuân Thạnh và thưởng thức vị béo bùi của dĩa đuông nóng hổi sẽ làm du khách không thể quên vùng đất giồng cát Trà Vinh.
(Theo Báo Cần Thơ)