Đường đến hạnh phúc của các cặp vợ chồng trẻ

Đâu là nguyên nhân khiến số vụ ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ chiếm tỷ lệ cao? Vợ chồng trẻ, trong đó có gia đình quân nhân cần làm gì và tránh những gì để cùng nhau chèo lái con thuyền hôn nhân đến bến bờ hạnh phúc? Nhân dịp Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), trang 'Ý kiến chiến sĩ' trao đổi với Thạc sĩ Đàm Thị Vân Anh, giảng viên môn Giáo dục gia đình, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội về nội dung này.

Phóng viên (PV): Chị có thể cho biết tỷ lệ ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ trong những năm gần đây và nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này?

Thạc sĩ Đàm Thị Vân Anh: Theo báo cáo mới đây của ngành tòa án, trung bình hằng năm nước ta có 600.000 vụ ly hôn, trong đó 70% là các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 30, 60% ly hôn sau từ 1 đến 5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày. Đây là con số khá lớn và đáng báo động khi nó có nguy cơ gia tăng ở các năm tiếp theo.

Gia đình Thượng úy QNCN Đào Quang Vinh, nhân viên lái xe thuộc Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Phòng không 283, Quân khu 4. Ảnh: GIANG ĐÌNH

Gia đình Thượng úy QNCN Đào Quang Vinh, nhân viên lái xe thuộc Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Phòng không 283, Quân khu 4. Ảnh: GIANG ĐÌNH

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do các cặp vợ chồng trẻ chưa chuẩn bị đầy đủ hành trang cho hôn nhân. Họ suy nghĩ khá đơn giản và cho rằng hôn nhân chỉ toàn màu hồng. Họ thiếu kiến thức và cả những kỹ năng sống cần thiết cho cuộc sống hôn nhân. Tôi có cảm giác như họ “tìm thấy nhau” nhưng chưa kịp hiểu nhau thì đã vội vàng kết hôn, dẫn đến sự vỡ mộng khi biết những tính xấu của nhau, rồi không thể chấp nhận nhau, không cố gắng thay đổi vì nhau do cái tôi quá lớn.

Và kết quả là dễ dàng đưa ra quyết định ly hôn. Ngoài ra cũng có thể có một số nguyên nhân khác như sự khác biệt về quan điểm sống; không coi trọng giá trị gia đình; vấn đề kinh tế...

PV: Từ những nguyên nhân trên thì theo chị, các cặp vợ chồng trẻ cần làm gì để tránh đổ vỡ trong hôn nhân?

Thạc sĩ Đàm Thị Vân Anh: Theo tôi, các bạn trẻ cần chuẩn bị thật kỹ về mọi mặt: Dành thời gian tìm hiểu kỹ người bạn đời tương lai (về tính cách, quan điểm sống, các mối quan hệ cá nhân, hoàn cảnh gia đình...); trang bị những kiến thức về cuộc sống hôn nhân, cách chăm sóc, nuôi dạy con cái; có các kỹ năng sống như giao tiếp, kiểm soát cảm xúc, xử lý mâu thuẫn...; tạo dựng công việc và thu nhập ổn định... Các bạn cũng nên hình dung trước những khó khăn mà mình có thể gặp phải trong cuộc sống hôn nhân và cách thức mình sẽ đối mặt, giải quyết chúng như thế nào. Khi bạn tự tin với sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, với tâm thế sẵn sàng thì hãy quyết định kết hôn và có trách nhiệm với quyết định đó. Ngoài ra, chúng ta cũng nên có thêm các khóa học tiền hôn nhân cho các bạn trẻ trong độ tuổi kết hôn.

PV: Đối với những cặp vợ chồng do điều kiện công việc mà ít được gần nhau, quan tâm, chăm sóc nhau, chẳng hạn như quân nhân, thì có thể bù đắp sự xa cách như thế nào để xây đắp hạnh phúc dài lâu?

Thạc sĩ Đàm Thị Vân Anh: Tôi rất chia sẻ với những gia đình có vợ hoặc chồng là quân nhân, nhất là những thiếu thốn về mặt tình cảm vợ chồng, thiếu sự sẻ chia, hỗ trợ, yêu thương từ người bạn đời. Có thể thấy rằng bộ đội thời bình mà không khác thời chiến là mấy, đâu đó vẫn có những “hòn vọng phu” vò võ đợi chồng. Tuy nhiên, hiện nay với sự hỗ trợ của internet và các thiết bị công nghệ hiện đại thì những tin nhắn, các cuộc gọi video hằng ngày sẽ giúp các cặp vợ chồng thấy gần nhau hơn. Dù có bận đến mấy thì cũng đừng quên gửi cho nhau những lời yêu thương, quan tâm thăm hỏi, động viên.

Ngoài ra, hãy tận dụng tối đa những khoảng thời gian rỗi, những ngày nghỉ phép để bù đắp cho nhau, cùng nhau hẹn hò hâm nóng tình cảm, cùng lắng nghe những tâm sự của nhau, cùng nhau nấu ăn, cùng thưởng thức bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương. Trong những ngày kỷ niệm, ngày có ý nghĩa đặc biệt đối với vợ chồng, con cái thì cố gắng thu xếp công việc, xin nghỉ phép để đồng hành với nhau. Và trên hết, theo tôi, quan trọng nhất vẫn là tình yêu, sự tin tưởng mà họ dành cho nhau, sức mạnh ấy cùng sự thấu hiểu, cảm thông sẽ giúp họ cùng nắm chắc tay nhau vượt qua tất cả khó khăn, cám dỗ của cuộc đời để mãi hạnh phúc bên nhau.

PV: Theo chị, điều cốt lõi để gìn giữ hôn nhân, hạnh phúc là gì khi mà mặt trái kinh tế thị trường gây tác động rất lớn về mọi mặt?

Thạc sĩ Đàm Thị Vân Anh: Theo tôi, đó chính là việc đề cao và coi trọng những giá trị trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình như tình nghĩa thủy chung vợ chồng, lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ, tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ đối với con cái, anh chị em đoàn kết đùm bọc nhau; đó là tình yêu thương, sự tôn trọng, niềm tin, sự gắn kết, sẻ chia và hỗ trợ nhau.

Hay nói cách khác, các giá trị gia đình, giá trị của tình thân sẽ là bức tường thành vững chắc giúp cho gia đình có thể đứng vững trước những tác động trái chiều của cuộc sống. Khi mỗi cá nhân có được những điều đó thì không gì có thể phá vỡ được hạnh phúc gia đình họ.

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, tôi xin kính chúc tất cả các gia đình luôn ngập tràn tiếng cười và hạnh phúc bền lâu!

PV: Trân trọng cảm ơn chị!

ĐỨC TUẤN (thực hiện)

----------------------------------------------------------------

Tạo điều kiện để quân nhân chăm lo hạnh phúc gia đình

Lữ đoàn Phòng không 283, Quân khu 4 là đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Hiện nay, toàn Lữ đoàn có 45 cặp vợ chồng trẻ (dưới 35 tuổi). Đa số các cặp vợ chồng trẻ có hoàn cảnh gia đình và kinh tế còn khó khăn, nhiều đồng chí chưa có nhà ở, phải đi thuê hoặc ở chung với bố mẹ. Trong đó, có khoảng 65% cặp vợ chồng trẻ có vợ hoặc chồng công việc chưa ổn định, thu nhập thấp; một số cặp vợ chồng hiếm muộn, có con bị dị tật bẩm sinh; khoảng 45% cặp vợ chồng trẻ có nhà ở xa đơn vị đóng quân, ít có thời gian dành cho gia đình...

Bên cạnh đó, đơn vị đóng quân trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An)-một trung tâm kinh tế, chính trị của khu vực Bắc Trung Bộ-nên mặt trái nền kinh tế thị trường cũng phần nào tác động đến cuộc sống của các gia đình... Nắm bắt thực tế, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã có nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo chăm lo cuộc sống gia đình của các cặp vợ chồng trẻ, giúp mỗi quân nhân hiểu đúng, nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, đơn vị thông qua nhiều hình thức, như: Tọa đàm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trẻ; tọa đàm về bình đẳng giới; diễn đàn, các đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng về nâng cao nhận thức, trách nhiệm với gia đình, bản thân, đơn vị...

Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Lữ đoàn luôn sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống gia đình của các quân nhân trẻ. Thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của quân nhân, thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội; cùng với cấp trên hỗ trợ, xây dựng “Nhà đồng đội” tặng 6 cặp vợ chồng trẻ.

Hằng năm, đơn vị trích quỹ vốn tặng quà, thăm hỏi các cặp vợ chồng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đề nghị cấp trên hỗ trợ các cặp vợ chồng hiếm muộn. Quan tâm, chăm lo chế độ nghỉ phép, tranh thủ, nghỉ bù, tạo điều kiện tốt nhất có thể để các cặp vợ chồng trẻ có thời gian chăm sóc gia đình, làm tròn bổn phận người chồng, người vợ, người con.

Đặc biệt, vào các dịp ngày lễ, kỷ niệm, đơn vị tổ chức gặp gỡ, giao lưu giữa đơn vị và gia đình quân nhân, thông qua đó để vợ (chồng) hiểu hơn, chia sẻ những khó khăn, vất vả của đơn vị và yêu cầu nhiệm vụ của quân nhân, tạo mối quan hệ gắn bó giữa đơn vị với gia đình quân nhân. Từ đó xây dựng được niềm tin, truyền cảm hứng, cổ vũ, khích lệ quân nhân nêu cao tinh thần, trách nhiệm, yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị.

Đại tá VÕ XUÂN SƠN (Chính ủy Lữ đoàn Phòng không 283, Quân khu 4)

------------------------------------------------------------------

Giải quyết mâu thuẫn trên quan điểm tôn trọng lẫn nhau

Trước khi kết hôn, vợ chồng tôi đều nghĩ sẽ có nhiều thời gian dành cho nhau và gia đình, mơ về rất nhiều điều lãng mạn. Nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, tôi có rất ít thời gian dành cho gia đình. Xa nhà, lại làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu nên hầu hết các ngày lễ, tết tôi đều trực ở đơn vị.

Vậy nên cưới nhau được gần 5 năm nhưng tôi chưa có cơ hội đón Tết cùng vợ tại gia đình, cũng chưa có điều kiện đưa vợ đi chơi đâu đó trong các ngày nghỉ lễ. Những lúc con ốm cũng chỉ có một mình vợ tôi lo toan... Tôi thường gọi điện động viên, chia sẻ với vợ, cô ấy đều nói không sao và thấu hiểu công việc của tôi, dù trong ánh mắt đôi khi ẩn chứa nỗi buồn.

Đại úy Vũ Tuấn Anh cùng vợ và con trai. Ảnh: PHẠM QUYẾT

Đại úy Vũ Tuấn Anh cùng vợ và con trai. Ảnh: PHẠM QUYẾT

Tôi nghĩ, cuộc sống gia đình của ai cũng đều có những lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Gia đình tôi cũng vậy, nhiều lúc không phải vì vấn đề kinh tế hay khoảng cách địa lý xa nhau mà chỉ xuất phát từ những lý do đơn giản như tính cách tôi còn nóng nảy; khi được nghỉ phép về nhà, tôi chăm con không được khéo như vợ...

Mặc dù vậy, chúng tôi luôn giải quyết mâu thuẫn trên quan điểm tôn trọng lẫn nhau, tuân theo những "quy tắc" như: Mỗi lần giận nhau không được kéo dài quá 3 ngày; có vấn đề gì khúc mắc đều phải chia sẻ để hiểu và thông cảm cho nhau. Là đàn ông, tôi cũng luôn chủ động giảng hòa với vợ để góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc...

Đại úy VŨ TUẤN ANH (Chính trị viên phó Đại đội 1, Tiểu đoàn Đặc công, Bộ Tham mưu Quân khu 3)

-----------------------------------

Hạnh phúc từ trong gian khó

Chồng tôi là Thượng úy Lê Văn Sơn, Trợ lý Tuyên huấn, Ban Chính trị Trung đoàn 3, Sư đoàn 330 (Quân khu 9). Vợ chồng tôi quen nhau qua sự giới thiệu của một đồng nghiệp. Sau thời gian tìm hiểu, chúng tôi kết hôn vào tháng 12-2022, cùng sinh sống ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

 Chị Trương Thị Thúy Vi hạnh phúc bên chồng dịp sinh nhật. Ảnh do nhân vật cung cấp

Chị Trương Thị Thúy Vi hạnh phúc bên chồng dịp sinh nhật. Ảnh do nhân vật cung cấp

Khi mới cưới, do chồng thường xuyên công tác xa nhà, gia đình hai bên đều có chung hoàn cảnh bố mất sớm, mẹ ở một mình; mẹ chồng lớn tuổi, sức khỏe không tốt nên tôi thường chia đôi quỹ thời gian: Một nửa dành cho bên nội, một nửa dành cho bên ngoại. Cuối tuần, tôi vượt hơn 80km lên đơn vị thăm chồng ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Chúng tôi cũng có lần bất đồng quan điểm về nơi ở khi tôi muốn chuyển lên ở gần đơn vị của anh, nhưng anh không nhất trí vì lý do hai mẹ lớn tuổi, lại sống một mình nên muốn tôi ở nhà chăm sóc để anh yên tâm công tác.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì tình yêu mà anh cũng như gia đình dành cho tôi. Ngoài thời gian đi dạy học, tôi dành hết tâm sức cho gia đình. Buổi tối vợ chồng tôi thường gọi điện thoại tâm sự, chia sẻ công việc, hỏi thăm, động viên nhau. Dịp cuối tuần, nếu anh phải trực ở đơn vị thì tôi lên thăm. Mỗi khi về tranh thủ, anh luôn chăm chỉ làm việc nhà, nấu những món ăn mà tôi thích như để bù lại khoảng thời gian anh không ở cạnh bên. Ngoài ra, anh còn hay tặng tôi những món quà nhỏ, khi là cuốn sách, là bó hoa, chiếc cặp sách, bộ quần áo mới... khiến cuộc sống vợ chồng ngày càng thêm gắn kết và vượt qua được mọi khó khăn trong cuộc sống.

TRƯƠNG THỊ THÚY VI (giáo viên Trường Mẫu giáo Họa Mi, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/duong-den-hanh-phuc-cua-cac-cap-vo-chong-tre-782369