Đường khó đã có... internet!

Thanh niên vùng cao khởi nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, khi đường giao thông không thuận lợi, khả năng tiếp cận thị trường bị ảnh hưởng… Nhưng giờ, mọi chuyện đã được hóa giải, khi nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã biết tận dụng lợi ích của internet làm cầu nối để sản phẩm của mình đến với thị trường.

Homestay Tài Ngào của Hợp tác xã thanh niên Thượng Lâm (Lâm Bình) đón khách từ tháng 4-2019.

Homestay Tài Ngào của Hợp tác xã thanh niên Thượng Lâm (Lâm Bình) đón khách từ tháng 4-2019.

Sức mạnh của internet

Homestay Tài Ngào ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm của Hợp tác xã thanh niên Thượng Lâm (Lâm Bình) đi vào hoạt động từ 4-2019 sau gần 1 năm “thai nghén”. Anh Hoàng Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, 6 thành viên trong hợp tác xã đều là người dân tộc Tày, cùng chung lý tưởng, chung mong muốn đóng góp sức mình cho quê hương. Giải thích về ý nghĩa tên homestay, Hoàng Văn Minh bảo, đối với mỗi người con Lâm Bình, Tài Ngào là biểu tượng của sự chăm chỉ, chịu khó, thật thà và hiếu thảo. Đây cũng là chàng trai gắn liền với hình ảnh Cọc vài - tức cọc buộc trâu - được coi là biểu tượng du lịch của huyện Lâm Bình. Đặt tên homestay Tài Ngào, anh em trong hợp tác xã đều mong muốn các thành viên hãy lao động, làm việc như chàng trai khổng lồ Tài Ngào để hình ảnh du lịch Lâm Bình đến được với bạn bè khắp năm châu.

Ước mơ này không phải là viển vông, khi mọi công việc của Hợp tác xã Thanh niên Thượng Lâm đều được lên kế hoạch chi tiết, cụ thể. Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Văn Minh cho biết, mọi việc từ khi khởi đầu đến giờ đến rất thuận lợi, điều này sẽ không thể có được nếu không có sức mạnh của internet. Anh Minh minh chứng, ngay từ khi bắt tay vào làm homestay, nhóm đã lập một trang Fanpage homestay Tài Ngào để giới thiệu về hoạt động của homestay, đồng thời quảng bá, thu hút khách du lịch. Nhờ mạng xã hội, khách du lịch biết đến homestay Tài Ngào ngày càng nhiều, những ngày cuối tuần, homestay đều kín khách. Ngay cả kỹ năng nấu ăn, phục vụ buồng phòng, vì không được đào tạo bài bản, anh em trong hợp tác xã bảo nhau tự tìm kiếm trên internet để khắc phục, hoàn thiện dần dần.

Khách hàng tìm hiểu các dịch vụ homestay Tài Ngào qua internet.

Khách hàng tìm hiểu các dịch vụ homestay Tài Ngào qua internet.

Hợp tác xã có 1 thành viên phụ trách mảng truyền thông là Ngô Thế Biên, ngoài việc đưa các thông tin về dịch vụ homestay lên mạng xã hội, Ngô Thế Biên kiêm luôn nhiệm vụ bán tour qua trang du lịch toàn cầu Booking.com từ giữa tháng 6. Anh Biên phấn khởi bảo, ngay sau tuần đầu tiên mở bán tour, đã có 1 đoàn khách du lịch nước Pháp đặt tour đến với homestay Tài Ngào vào cuối tháng 6 vừa rồi. Hợp tác xã cũng kết nối với Công ty du lịch Việt Nam nguyên thủy tại Hà Giang để đưa khách du lịch nước ngoài đến với địa phương, và trong tháng 7 này, đoàn khách du lịch đầu tiên sau chương trình kết nối sẽ đến với Lâm Bình.

Khi được hỏi về kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ nếu lượng khách du lịch nước ngoài đến với homestay Tài Ngào ngày càng tăng, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Văn Minh cho biết, trong 6 thành viên của hợp tác xã có bạn Vi Đức Toàn đã có 1 năm sống và làm việc tại Israel, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của Toàn cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc. Hợp tác xã cũng liên hệ với 1 hướng dẫn viên du lịch tại Hà Giang để trau dồi thêm kỹ năng ngoại ngữ. Đồng thời, tất cả các thành viên trong hợp tác xã đều tự học tiếng Anh qua internet mỗi ngày để mọi người đều có khả năng giao tiếp cơ bản, đáp ứng yêu cầu công việc.

Chị Giàng Thị Sao (người thứ 2 từ trái sang) trong một lần đưa khách du lịch nước ngoài
tham quan hồ sinh thái Na Hang.

Giấc mơ chinh phục thị trường

Giàng Thị Sao ở thị trấn Na Hang cũng chọn internet để dịch vụ của mình đến với khách bốn phương nhanh hơn, thuận lợi hơn. Có lợi thế về ngoại ngữ, mục tiêu của Giàng Thị Sao là phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với nông nghiệp sạch. Năm 2017, Sao lập Fanpage Nahang Travel, kết nối với các công ty lữ hành hoặc những khách du lịch độc lập để đón khách về Na Hang, trong đó ưu tiên khách du lịch nước ngoài. Với chị, đây vừa là cách nhanh nhất để quảng bá du lịch Na Hang, vừa là cách để mình tận dụng trau dồi thêm khả năng ngoại ngữ.

Cuối năm 2018, sau một thời gian nghiên cứu, tự học hỏi trên internet về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Giàng Thị Sao thuê 500 m2 đất để trồng dâu tây, trong đó chủ yếu là giống dâu tây Nhật Bản, New Zealand. Trong quá trình trồng dâu tây, Giàng Thị Sao đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ trồng hoa quả sạch vào sản xuất như lập trình nguồn nước tưới tự động, sử dụng phân hữu cơ với mức độ vừa phải. Để vừa có thể bán quả, vừa có thể thu hút khách du lịch, chị quảng bá luôn trên facebook cá nhân và hiệu quả thu được ngoài mong đợi. Giàng Thị Sao cho biết, thời điểm dâu tây cho thu hoạch, trung bình mỗi ngày có 40-50 lượt khách đến tham quan.

Người dân thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) làm các sản phẩm mây tre đan.
Ảnh: Hải Hương

Không có lợi thế về đường giao thông, nhưng lợi thế của những thanh niên dân tộc thiểu số vùng cao khi khởi nghiệp chính là sự độc đáo trong sản phẩm của mình. Và giờ đây, với sự trợ giúp đắc lực của internet, sản phẩm, dịch vụ của họ đã được kết nối và đưa đến với thị trường nhanh hơn, thuận lợi hơn. Đây cũng là cách làm của chị Trịnh Thị Thảo và anh Chẩu Thanh Phương ở thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) với ước mơ đưa các sản phẩm làm từ tre, nứa, mây thay thế cho các sản phẩm thiếu thân thiện với môi trường; chị Nguyễn Huyền Trang, thôn Đồng Cột, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) với sản phẩm chuối tây sấy dẻo Kim Bình… Với họ, nếu không có internet, thì những giấc mơ được làm giàu trên chính mảnh đất quê mình còn rất xa vời và nhiều chông gai. Nói như Giám đốc Hợp tác xã thanh niên Thượng Lâm Hoàng Văn Minh, nếu không có internet, thì những khó khăn, vất vả mà các thành viên trong hợp tác xã phải trải qua sẽ gấp 5, gấp 10 lần hiện tại.

Khởi nghiệp chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng, nhưng với tinh thần, sức trẻ của thanh niên, sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương và sự trợ giúp đắc lực của internet… sẽ nâng bước ước mơ của các chàng trai, cô gái Tày ở miền non nước Na Hang, Lâm Bình.

Ghi chép: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/duong-kho-da-co-internet-120836.html