Đường làng sạch, làng nghề xanh

11 làng nghề truyền thống, hơn 400 hộ sản xuất nhỏ lẻ, nhưng tỷ lệ vi phạm gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện nay gần như bằng 0. Từ khi triển khai mô hình làng nghề xanh - sạch - đẹp, từng con ngõ, từng bãi tập kết rác, từng hầm xử lý nước thải đều được người dân tự quản chặt chẽ. Làng nghề không chỉ làm ra sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mà đang đặt ra cả những chuẩn mực mới cho mục tiêu phát triển bền vững.

11 làng nghề truyền thống, hơn 400 hộ sản xuất nhỏ lẻ, nhưng tỷ lệ vi phạm gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện nay gần như bằng 0. Từ khi triển khai mô hình làng nghề xanh - sạch - đẹp, từng con ngõ, từng bãi tập kết rác, từng hầm xử lý nước thải đều được người dân tự quản chặt chẽ. Làng nghề không chỉ làm ra sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mà đang đặt ra cả những chuẩn mực mới cho mục tiêu phát triển bền vững.

Xã Chiềng Châu (Mai Châu) quan tâm xây dựng làng nghề xanh, hướng tới phát triển bền vững.

Xã Chiềng Châu (Mai Châu) quan tâm xây dựng làng nghề xanh, hướng tới phát triển bền vững.

Tìm hiểu thực tế được biết, trước khi có khái niệm "làng nghề xanh”, nhiều vùng làng nghề ở Hòa Bình từng xảy ra ô nhiễm bởi khói bụi, mùi hóa chất và rác thải từ hoạt động sản xuất tại xưởng nghề. Ở làng nghề gỗ lũa, mùn cưa phủ kín đường làng; một số cơ sở dệt thổ cẩm từng thải nước nhuộm trực tiếp ra mương dẫn, khiến màu nước thay đổi theo… sắc vải. Không gian sinh hoạt của người dân và không gian sản xuất không tách bạch, khiến môi trường sống bị xáo trộn, ảnh hưởng nghiêm trọng. Mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường không khí từng là bài toán khó tìm lời giải suốt nhiều năm tại các làng nghề truyền thống.

Những năm gần đây, ở khu vực nông thôn nói chung và các làng nghề trong tỉnh nói riêng bắt đầu thay đổi từ những việc nhỏ. Nhiều nơi người dân đã chấm dứt tình trạng đốt rác bừa bãi. Các xưởng chế tác đá đã phun ẩm vật liệu trước khi cắt để tránh tạo bụi, phế liệu được gom lại, thay vì đổ ra suối. Những lò nung gạch từng xả khói mù mịt ra môi trường, nay đã được nâng cấp, nhiều cơ sở chuyển hẳn sang sản xuất gạch không nung.

Thay đổi trong nhận thức chính là cốt lõi của công tác bảo vệ môi trường. Từ năm 2020 - 2022, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức hơn 180 hội nghị, lớp tập huấn, tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hơn 100 lớp vận động thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thu hút hơn 4.000 người dân tham gia. Không chỉ vậy, công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường đã đi vào đời sống tinh thần, văn hóa cộng đồng của người dân, thể hiện rất rõ qua 4 cuộc giao lưu sân khấu hóa, hơn 30 lễ phát động, hội thi vẽ tranh, tìm hiểu kiến thức…

Không tuyên truyền một chiều, nhân dân được "trao quyền” chủ động hành động, nỗ lực thay đổi thói quen sản xuất gây hại đến môi trường xung quanh, thông qua các phong trào như "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với tiêu chí xanh - sạch - đẹp… Những phong trào này đã giúp người dân dần thay đổi lối sống. Tổ tự quản môi trường được thành lập ở nhiều làng nghề. Mỗi xóm đều có lịch vệ sinh định kỳ. Những hộ sản xuất nhỏ bắt đầu đầu tư bể lắng nước thải, tường chắn bụi, thiết bị bảo hộ lao động. Chấm dứt tình trạng chất thải, khí thải sản xuất không qua xử lý xả thẳng ra môi trường.

Bà Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu (Mai Châu) cho biết: "Ở làng nghề thổ cẩm Chiềng Châu, người dân còn chủ động trồng thêm hoa ven đường, treo biển "tuyến đường xanh - sạch - đẹp” như lời nhắc nhở nhẹ nhàng mỗi ngày. Chúng tôi hiểu rằng, xưởng có sạch thì sản phẩm mới bán được; làng nghề có xanh thì du khách mới quay lại và những người trực tiếp làm nghề cũng là những người thở chung bầu không khí đó mỗi ngày”.

Không chỉ dừng lại ở những chuyển biến đơn lẻ, nhiều làng nghề ở Hòa Bình đã và đang trở thành mô hình mẫu trong việc phát triển sản xuất luôn song song với nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ môi trường.

Xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) là nơi từng có một trong năm cơ sở bị liệt vào danh sách gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nỗ lực xóa bỏ ô nhiễm, người dân nay đã chủ động chuyển đổi phương pháp chăn nuôi, áp dụng hầm biogas, phân tách chất thải rắn, trồng cây xanh quanh khu vực xưởng. Không khí trong bản làng không còn bị ảnh hưởng bởi mùi hôi nồng; những cánh đồng lúa mất mùa do nước thải cũng được "hồi sinh”. Mỗi hộ, mỗi hành động nhỏ, khi chung tay cùng hành động đã tạo nên những thay đổi lớn, chuyển biến rõ rệt, trả lại cho người dân bầu không khí trong lành.

Không khí là khái niệm tưởng như không nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, nó lại là thứ thiết yếu nhất cho sự sống còn của con người; hiện hữu trong từng nhịp thở, từng bữa ăn, giấc ngủ. Chính vì vậy, bảo vệ môi trường không khí cũng chính là đang bảo vệ sự sống cho người dân, cho từng thôn xóm, làng nghề. "Đường làng sạch, làng nghề xanh” - không phải là khẩu hiệu. Đó là một hành trình đổi thay âm thầm mà bền bỉ, đi từ những điều nhỏ nhất để tạo ra sự thay đổi khác biệt. Chính những người làm nghề mới có thể đem trả lại bầu không khí xanh, sạch cho cuộc sống của chính mình.

Thảo Uyên

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/200171/duong-lang-sach,-lang-nghe-xanh.htm