Đường liên xã xuống cấp nghiêm trọng: Bao giờ hoàn trả hạ tầng sau thi công?
Nhiều năm nay, tuyến đường nối từ thị trấn Chư Sê qua xã Chư Pơng và Ia Tiêm (huyện Chư Sê, Gia Lai) bị xuống cấp nghiêm trọng khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đáng nói là tuyến đường này nằm trong danh mục được hoàn trả hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng khi thi công đường Hồ Chí Minh. Mặc dù đường Hồ Chí Minh đã hoàn tất thi công và đưa vào khai thác nhưng việc hoàn trả hạ tầng kỹ thuật đường liên xã vẫn chưa được thực hiện.
Tuyến đường liên xã này có chiều dài khoảng 15 km, bắt đầu từ ngã ba Cây phượng (thuộc địa phận thôn Hồ Nước, thị trấn Chư Sê) đấu nối với đường Hồ Chí Minh và điểm cuối tại vị trí ranh giới giữa xã Ia Tiêm và xã Ia Băng, huyện Đak Đoa. Từ ranh giới giữa xã Ia Tiêm và xã Ia Băng, tuyến đường kết nối với đường liên huyện Chư Sê-Đak Đoa-Pleiku ra ngã ba La Sơn (xã Chư Hdrông, TP. Pleiku).
Là người dân sống bên trục đường này, anh Rơ Lan Xiên (làng Hố Bi, xã Chư Pơng) bức xúc nói: “Đường xuống cấp nhiều năm rồi. Đi lại trên con đường xấu như thế này nguy hiểm lắm, nhất là đoạn qua vườn cây của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê. Mặt đường có đoạn bị cày nát, ổ gà sâu 20-30 cm rất nguy hiểm. Làng mình có nhiều người từng bị ngã xe, tai nạn vì đường xấu”. Còn anh Rơ Lan Thắt (cùng làng) cho biết thêm: “Đường có nhiều ổ gà, ổ voi. Mùa mưa nước đọng, người đi đường không biết hố nông hay sâu rất dễ ngã. Còn ngày nắng, các điểm hư hỏng trồi lên nhiều viên đá lớn, người đi đường cũng rất dễ gặp tai nạn”.
Theo ông Nguyễn Công Thuần-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chư Pơng, năm 2019, huyện Chư Sê đã đầu tư kinh phí sửa chữa và khắc phục tạm thời các điểm hư hỏng nghiêm trọng để nhân dân đi lại được an toàn, thuận lợi. Tuy nhiên, vì xe tải trọng lớn lưu thông nhiều nên chỉ được một thời gian, tuyến đường đã hư hỏng trở lại. “Nhiều xe ô tô tải, cả những xe tải trọng lớn cũng đi qua tuyến đường này để tránh trạm thu phí đường bộ BOT của Công ty cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai. Tuy đường xấu nhưng các tài xế xe tải vẫn đi vì khoảng cách gần hơn một chút và đặc biệt là giảm bớt tiền phí đường bộ BOT”-ông Thuần nói. Cũng theo ông Thuần, khoảng thời gian các xe né trạm thu phí chạy vào tuyến đường liên xã tập trung từ 22 giờ đến sáng; ban ngày tuy có nhưng diễn ra ít hơn. Tại các cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri, bà con nhiều lần kiến nghị nhưng tình trạng này chưa được cải thiện.
Tương tự, ông Trần Văn Ban-Chủ tịch UBND xã Ia Tiêm cũng cho biết: Né trạm thu phí phần lớn là xe chở quá khổ, quá tải. Không chỉ né trạm thu phí BOT Đức Long Gia Lai, các xe này còn tránh các chốt của Cảnh sát Giao thông tại khu vực ngã ba Hàm Rồng và đoạn đường Hồ Chí Minh qua xã Ia Glai, huyện Chư Sê. “Tổ an toàn giao thông xã Ia Tiêm đã nhiều lần báo cáo Công an huyện Chư Sê phối hợp ngăn chặn, xử lý xe quá tải né trạm thu phí để bảo vệ hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, lúc có bóng dáng lực lượng chức năng, các tài xế báo cho nhau để tránh. Khi lực lượng chức năng rời đi, các xe lại hoạt động trở lại. Tình trạng này khiến người dân, chính quyền địa phương rất bức xúc bởi không chỉ gây hư hại đường sá, xe tải lớn đi vào đường nhỏ hẹp còn khiến bà con lưu thông khó khăn hơn”-ông Ban cho biết thêm.
Theo ông Cáp Hoàng Việt-Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Sê, tình trạng đường liên xã xuống cấp đã tồn tại nhiều năm nay. Nguyên nhân phần lớn là do các đơn vị vận chuyển vật liệu xây dựng trong thời gian thi công đường Hồ Chí Minh. “Trước khi thi công đường Hồ Chí Minh, tuyến đường này vẫn sử dụng tốt. Sau khi hoàn tất thi công, tuyến đường bị hư hỏng nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đã kiến nghị Sở Giao thông-Vận tải, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng khi thi công đường Hồ Chí Minh nhưng sau nhiều năm, việc này vẫn chưa được đề cập. Không những vậy, tiếp theo đó, không ít phương tiện chuyên chở cát, đá, đất… để thi công đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh Chư Sê lại tiếp tục lưu thông trên tuyến đường này khiến con đường thêm xuống cấp”-ông Việt cho hay. Cũng theo ông Việt, năm 2019, huyện Chư Sê đã trích 600 triệu đồng từ nguồn kinh phí sửa chữa thường xuyên để vá các điểm hư hỏng bề mặt đường. Tuy nhiên, do tình trạng hư hỏng quá nhiều, xe quá tải trọng vẫn thường xuyên lưu thông khiến con đường mau chóng xuống cấp trở lại.