Đường 'mùa xuân' từ Cao Bằng cội nguồn cách mạng đến mũi Cà Mau
'Cao Bằng và Tập đoàn Đèo Cả nỗ lực phấn đấu trong năm 2025 cùng các tỉnh kết nối đường bộ cao tốc từ Cao Bằng - nơi cội nguồn cách mạng đến Cà Mau' - lời động viên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Trung ương trong ngày đầu xuân 2-2-2025 (mùng 5 tết) đến kiểm tra thi công Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) tại Cao Bằng đã nhân lên khí thế, quyết tâm mới, cổ vũ động viên Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng, Tập đoàn Đèo Cả phấn đấu thi công dự án vượt tiến độ, tạo đà cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Nơi cội nguồn cách mạng đi đầu thi công vượt tiến độ
Đến Cao Bằng - nơi cội nguồn cách mạng, thị sát, kiểm tra tiến độ thi công Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tại huyện Quảng Hòa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phấn khởi nhấn mạnh: Thi công đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có ý nghĩa quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông, tháo gỡ điểm nghẽn cho Cao Bằng - tỉnh nghèo kết nối gần hơn với các tỉnh miền Bắc và trung tâm kinh tế cả nước. Đồng thời tri ân những thế hệ đi trước hy sinh xương máu đấu tranh giành độc lập dân tộc trên những tuyến đường huyết mạch này. Cao Bằng do địa hình đồi núi hiểm trở, phức tạp, gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, do đó phải tích cực phối hợp với nhà thầu hoàn thành tuyến cao tốc này, mở ra con đường logistics xuyên biên giới để giảm giá thành sản phẩm, chi phí tạo đường huyết mạch, mạng lưới giao thông thông suốt trong nước và quốc tế…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương thăm hỏi, tặng quà cán bộ, kỹ sư, công nhân Tập đoàn Đèo Cả thi công trong ngày tết - Ảnh: Thể Hiển
Để đạt tiến độ thi công, chủ đầu tư, nhà thầu tăng cân đối, bố trí nhân lực, điều kiện thi công để tiếp tục tăng ca kíp, năng suất thi công. Các địa phương tích cực lo vật liệu, mặt bằng, san nền... Tập đoàn Đèo Cả phải đổi mới sáng tạo áp dụng khoa học công nghệ, đầu tư các công nghệ mới, bảo đảm thi công an toàn và vượt tiến độ, chất lượng cao thích ứng với tiêu chí kinh tế tuần hoàn. Cao Bằng nơi cội nguồn cách mạng phải đi đầu thi công vượt tiến độ. Đến ngày 31-12-2025, cả nước sẽ thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau. Thi công đường cao tốc phải vượt qua chính mình, tăng tốc, bứt phá, vươn tới những mục tiêu cao hơn, vì sự phát triển đất nước - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Tiên phong trong đầu tư và giải phóng mặt bằng
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên, phát triển” (phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi có chuyến công tác tại Cao Bằng kiểm tra tình hình thi công đường cao tốc năm 2024), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng đã đưa ra những quyết sách tiên phong tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư và tiền đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB).
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng (Ban chỉ đạo) cho biết: Với số vốn trên 23.000 tỷ đồng đầu tư đường cao tốc đặt ra khó khăn rất lớn vì Cao Bằng là tỉnh nghèo. Ban chỉ đạo đã lựa chọn chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) mới là hình thức được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và khu vực tư nhân để thực hiện, quản lý, vận hành những dự án phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ công.
Với mô hình này, Nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán chất lượng dịch vụ (khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020). Tuy gặp nhiều vướng mắc phát sinh nhưng Cao Bằng và nhà đầu tư đề xuất dự án, kiên trì theo đuổi đến cùng đầu tư công PPP. Do đó, dự án tiết kiệm hơn 10 ngàn tỷ đồng cho ngân sách.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương thăm hỏi, động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân Tập đoàn Đèo Cả thi công trong ngày tết tuyến đường hầm xuyên núi phía tây hầm Đông Khê thuộc xóm Bản Néng, xã Thụy Hùng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng - Ảnh: Thế Hiển
Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, trong đó đi qua địa bàn Cao Bằng 41,35km, diện tích GPMB là 260,76 ha đất và 1.131 hộ dân phải thu hồi đất. Khó khăn đặt ra khó có thể huy động cùng một lúc hàng trăm tỷ đồng để trả tiền đền bù GPMB cho dân, Ban chỉ đạo đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác GPMB Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức đối tác công tư, giai đoạn 1; chỉ đạo các huyện ủy, đảng ủy xã, thị trấn vận động nhân dân cho thu hồi đất bàn giao GPMB trước, nhận tiền đền bù sau theo từng giai đoạn, tái thiết đời sống nhân dân sau GPMB.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương kiểm tra nút giao IC 05 xóm Lũng Luông, xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng - Ảnh: Thế Hiển
Chiến dịch được nhân dân đồng lòng hưởng ứng nên từ tháng 1 đến tháng 12-2024 đã GPMB được 87,4km/93,35km, đạt 93,6%, trong đó Cao Bằng GPMB được 41,1/41,55km, đạt 99%.Gia đình anh Vi Văn Khoa, xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân (Thạch An) trong diện GPMB cho biết: Đảng, Nhà nước triển khai dự án đường bộ cao tốc là để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho nhân dân, vì thế khi được cán bộ huyện, xã đến tuyên truyền tôi đã tiên phong bàn giao 1,2 ha đất sản xuất, đất vườn và nhà cho Nhà nước mà chưa nhận tiền đền bù ngay. Sau đó, những hộ có đất thuộc diện GPMB trong xóm đều đồng tình bàn giao đất để GPMB từ quý 1/2024. Hiện nay, tuy đời sống còn khó khăn nhưng tôi và bà con trong xóm coi đây là trách nhiệm của mình, cùng đoàn kết thực hiện khát vọng của Đảng và nhân dân, sớm hoàn thành thi công đường cao tốc.
Hơn 1.000 hộ dân sớm thực hiện GPMB nhanh chóng, bàn giao hơn 222 ha đất cho nhà thầu thi công đúng tiến độ, đồng thời giúp giải bài toán khó cho chính quyền tỉnh Cao Bằng không phải dồn hàng trăm tỷ đồng để chi trả tiền đền bù ngay lập tức.
Tập đoàn Đèo Cả “gỡ khó” giảm vốn đầu tư
Khó khăn đặt ra, khi mới lập quy hoạch Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài 144km, tổng vốn đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng (mới xây dựng dự án) với mức đầu tư quá cao nhưng khả năng hoàn vốn khó khăn nên nhiều nhà đầu tư sau tìm hiểu đều quan ngại, không muốn đầu tư. Tập đoàn Đèo Cả đã đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Cao Bằng.
Ông Đặng Tiến Thắng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Tập đoàn Đèo Cả, cho biết: Tập đoàn Đèo Cả với năng lực đầu tư và kinh nghiệm tổ chức giải quyết nhiều dự án khó khăn, phức tạp về kỹ thuật đã đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với 4 hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23km chiều dài tuyến (từ 144km còn 121km), tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn gần 23.000 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với phương án ban đầu. Đồng thời lựa chọn chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) mới, tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đảm bảo tiết kiệm tối đa cho ngân sách nhà nước, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất vốn ngân sách tham gia khoảng 9.800 tỷ đồng (chiếm 68,76% tổng mức đầu tư). Với phương án trên, Cao Bằng có thể dồn nguồn lực để đầu tư cho dự án.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương thăm Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch biên giới năm 1950 tại xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng - Ảnh: Thế Hiển
Để có nguồn vốn thi công dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã phát triển và áp dụng mô hình PPP++ huy động nguồn lực đầu tư từ các nhà đầu tư - đồng thời là các nhà thầu bổ sung vốn qua nhiều hình thức: Vốn chủ sở hữu, vốn đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC (hợp đồng hợp tác kinh doanh), vốn trái phiếu…; tiếp cận và thu xếp vốn tín dụng cho dự án. Ngày 3-10-2024, Công ty cổ phần cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Ngân hàng VPBank ký kết hợp đồng tín dụng với trị giá 2.300 tỷ đồng.
Tập đoàn Đèo Cả còn tổ chức tiết kiệm và tối ưu hóa chi phí từ các dự án khác trong thời gian qua để tích lũy nguồn lực của các nhà đầu tư, đối tác cho thực hiện dự án. Do đó, thời gian qua, dù nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án không được tạm ứng cho xây dựng công trình cũng như GPMB nhưng Tập đoàn Đèo Cả và các nhà đầu tư, nhà thầu đã ứng trước hơn 50 tỷ đồng kinh phí GPMB trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và gần 300 tỷ đồng thực hiện các hạng mục thi công.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Đèo Cả đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật vượt lên khó khăn trong thi công trên địa hình hiểm trở, đặc biệt thi công 2 hầm xuyên núi đá Đông Khê và Thất Khê. Ông Vũ Đình Vinh, Giám đốc Ban điều hành gói thầu EPC thuộc Công ty ICV (nhà đầu tư trong liên danh) cho biết: Vị trí thi công 2 tuyến đường hầm nằm trên khu vực có địa chất núi đá vôi phức tạp, hiểm trở, đội ngũ kỹ sư và công nhân đã vượt qua nhiều thách thức về địa chất, đưa ra nhiều sáng kiến giải pháp kỹ thuật vị trí tiếp cận nên đạt tốc độ thi công 2,73md/ngày, chú trọng bảo trì và sửa chữa máy móc, dự phòng vật tư cần thiết, giúp giảm thiểu hỏng hóc cho thiết bị…
Từ sự chủ động tháo gỡ khó khăn của Ban chỉ đạo, Tập đoàn Đèo Cả và nhân dân Cao Bằng đã quyết tâm thực hiện dự án - “mệnh lệnh trái tim” như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo. Tập đoàn Đèo Cả tăng cường đổi mới sáng tạo kỹ thuật, đảm bảo 6 tiêu chí quan trọng trong thi công: An toàn lao động, tiến độ, chất lượng, vệ sinh môi trường, năng suất và hiệu quả đầu tư với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, thi công “3 ca, 4 kíp”, huy động 1.500 nhân sự, 650 thiết bị tiến hành 36 mũi thi công và đã hoàn thành 2 hạng mục hầm xuyên núi vượt tiến độ. Trong dịp tết, bố trí 19 mũi thi công với 230 cán bộ, kỹ sư, công nhân và hơn 200 máy móc thiết bị làm việc xuyên tết. Phấn đấu kế hoạch sản lượng năm 2025 đạt 4.905 tỷ đồng, thông tuyến đường bộ cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn đồng bộ với các tỉnh đến Cà Mau trong năm 2025.
Trong niềm vui kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2025), Cao Bằng quê hương cội nguồn cách mạng vinh dự, tự hào thắp lửa thực hiện khát vọng phát triển đất nước với nhiệm vụ tăng tốc thi công Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) nối liền với các tỉnh đến Cà Mau. Dự án dài 121km, tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, mức đầu tư 14.114 tỷ đồng, chiều dài hơn 93km, điểm đầu tại nút giao Cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) đến điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 3 (xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng). Giai đoạn 2 mở rộng tuyến hiện có kết nối cửa khẩu Trà Lĩnh dài 27,71km với tổng đầu tư 5.107 tỷ đồng (nối sang cửa khẩu Tà Lùng và TP. Cao Bằng). Dự án sau khi hoàn thành sẽ giảm thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội từ 6-7 giờ còn 3,5 giờ, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho Cao Bằng và Lạng Sơn kết nối vùng biên viễn địa đầu Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội và các cực kinh tế của cả nước.