Đường nhập khẩu, nhập lậu vẫn 'siết cổ' doanh nghiệp nội
Lượng đường nhập khẩu giá thấp vẫn gần 800.000 tấn trong nửa đầu năm 2021, tiếp tục làm khó ngành mía đường trong nước.
.
Đường nhập từ 5 nước ASEAN tăng 10 lần
Thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường Thái Lan đã được chính thức áp dụng từ ngày 15/6/2021, kéo dài trong 5 năm để bảo vệ sản xuất trong nước sau nhiều năm chịu cạnh tranh không lành mạnh từ đường Thái giá rẻ. Tuy nhiên, sản phẩm đường trong nước vẫn phải đối diện với mối nguy từ đường nhập khẩu, đặc biệt là từ 5 nước ASEAN gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Indonesia và Myanmar.
Số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, có 781.000 tấn đường, trị giá 367 triệu USD được nhập về Việt Nam trong nửa đầu năm 2021. Trong đó, riêng lượng đường nhập từ 5 nước ASEAN nêu trên lên tới 399.000 tấn, tăng 10 lần so với 38.610 tấn của cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng thư ký VSSA cho biết, lượng đường nhập từ 5 nước ASEAN nêu trên tăng cả chục lần là điều bất thường, bởi thực chất, các quốc gia này không có thế mạnh về sản xuất mía đường.
“Cả 5 nước trên đều nhập đường Thái Lan và lượng đường họ xuất sang Việt Nam đều có xuất xứ từ Thái Lan. Đây là dấu hiệu của lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mía đường có xuất xứ Thái Lan”, ông Lộc nhận định.
Cần phải nói thêm, trong 5 quốc gia trên, Indonesia là thị trường xuất khẩu lớn nhất của đường Thái Lan, chiếm 42% sản lượng xuất khẩu của nước này. 399.000 tấn đường mà 5 nước trên xuất sang Việt Nam chỉ phải chịu mức thuế 5% so với mức 33,88% và 48,88%, tùy loại, nếu nhập trực tiếp từ Thái Lan.
Nhìn vào lượng đường nhập khẩu cả năm 2020 là 1,5 triệu tấn (trong đó 1,3 triệu tấn từ Thái Lan), thì con số gần 800.000 tấn trong nửa đầu năm nay vẫn là mối đe dọa lớn với ngành mía đường nội địa.
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cảnh báo: “Nếu không kiểm soát được tình trạng đường từ Thái Lan được xuất qua nước khác rồi về Việt Nam, sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại”. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, vụ sản xuất mía đường đã kết thúc với sản lượng đường chỉ đạt 689.830 tấn, thấp hơn con số 763.931 tấn của vụ trước.
Cần thêm thời gian
Sau thời gian dài chống chọi với đường nhập từ Thái Lan giá rẻ và một lượng lớn đường nhập lậu, gian lận thương mại, ngành mía đường nội địa đã kiệt quệ, nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, diện tích trồng mía thu hẹp. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu tích cực về sản xuất kể từ sau khi Việt Nam áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với đường Thái Lan từ tháng 2/2021.
Ông Chu Thắng Chung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho hay, giá mua mía đã tăng từ 20-30% so với trước đó, đảm bảo thu nhập ổn định hơn cho nông dân, khuyến khích mở rộng diện tích trồng mía trong vụ mới.
“Tuy nhiên, ngành sản xuất đường đã quá đuối sức sau một thời gian dài cạnh tranh không cân sức với đường nhập khẩu giá rẻ, nên không thể sớm hồi phục ngay mà cần thêm thời gian dài nữa”, ông Lộc nói.
Được biết, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, có lợi thế cạnh tranh như Mía đường Lam Sơn, Thành Thành Công, Đường Quảng Ngãi, Mía đường Sơn La… vẫn đang chủ động củng cố hoạt động sản xuất, khuyến khích nông dân tăng diện tích trồng mía bằng tăng giá thu mua mía.
Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa xác nhận, tổng diện tích trồng mía của doanh nghiệp đã tăng 35%, sản lượng mía ép niên vụ 2021/2022 tăng 45% so với vụ trước.
“Chúng tôi cam kết giá thu mua tối thiểu 3 vụ để nông dân an tâm sản xuất, từ đó đầu tư mạnh hơn vào mở rộng vùng nguyên liệu, đồng thời đẩy mạnh năng lực, tăng doanh số nhờ lợi thế quy mô”, ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc Công ty cho hay.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn đang mở rộng diện tích trồng mía. Niên vụ 2021 - 2022, toàn vùng mía Lam Sơn sẽ phát triển thêm 40 hợp tác xã, đồng thời xây dựng ổn định vùng mía thâm canh năng suất, chất lượng cao, với diện tích 7.000 - 8.000 ha, năng suất từ 80 - 100 tấn/ha và chất lượng từ 12 CCS trở lên.
Theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, việc áp thuế phòng vệ thương mại với đường Thái Lan là cần thiết, nhưng chưa đủ để ngành sản xuất mía đường trong nước hồi phục.
“Khó khăn lớn nhất vẫn là kiểm soát đường nhập lậu, bởi nếu không thực hiện quyết liệt và triệt để, chúng sẽ gây lũng đoạn giá, sản phẩm của các nhà máy trong nước sẽ không tiêu thụ được, doanh nghiệp mía đường tiếp tục gặp khó khăn”.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/duong-nhap-khau-nhap-lau-van-siet-co-doanh-nghiep-noi-d150122.html