Đường sắt cao tốc giúp thúc đẩy tăng trưởng châu Á
Từ tàu cao tốc shinkansen của Nhật Bản đến mạng lưới đường sắt cao tốc rộng lớn với tổng chiều dài 40.000 km của Trung Quốc, tàu cao tốc đã và đang góp phần thay đổi cuộc sống và thúc đẩy tăng trưởng của châu Á.
Chàng thanh niên người Nhật Sougo Ito, 19 tuổi, thích tự coi mình là một người lái tàu. Phần lớn hình ảnh trên trang cá nhân của anh dành cho niềm đam mê tàu cao tốc. Ito thậm chí còn buồn khi nghe tin những đoàn tàu cũ ngừng hoạt động.
“Từ khi còn nhỏ, tôi đã đến ga Tokyo chỉ để xem tàu cao tốc (shinkansen). Tôi yêu cách những con tàu kết nối mọi người, bắc cầu cho những hy vọng và ước mơ bằng cách chạy mỗi ngày và đưa họ đến đích”, anh nói.
Shinkansen Nhật Bản
Nhật Bản là nước đi đầu trên thế giới về phát triển và đổi mới đường sắt. Tàu shinkansen bắt đầu hoạt động năm 1964, nối Tokyo và Osaka.
Shinkansen là một phát minh quan trọng của Nhật Bản, tạo tiền đề cho những phát triển ngoạn mục của nước này ở thời kỳ hiện đại. Shinkansen có thể được coi là biểu tượng của sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Nhật Bản.
Shinkansen vượt xa hàng không trong vận tải hành khách nội địa Nhật Bản. Thống kê năm 2019 cho thấy 370 triệu hành khách đi bằng đường sắt cao tốc, so với 107 triệu hành khách bằng đường hàng không.
Cho đến nay, shinkansen đã chở hơn 10 tỷ lượt khách và chưa gặp phải bất kỳ tai nạn nghiêm trọng nào, giúp người lao động ở vùng xa đi đến các đô thị như Tokyo chỉ mất vài giờ. Du khách trong và ngoài nước có thể đến các khu vực nổi tiếng và có thể đi về trong ngày.
Việc xây dựng các tuyến chuyên vận tải hành khách tốc độ cao, loại bỏ hoàn toàn các đường ngang, áp dụng hệ thống bảo vệ có độ tin cậy cao là hệ thống kiểm soát tàu tự động (ATC), đảm bảo an toàn để không xảy ra tai nạn. Hiện shinkansen đã đạt tốc độ cao nhất là 320km/h. Nhật Bản hy vọng nâng tốc độ này lên 505 km/h vào năm 2027.
Cao tốc Trung Quốc
Về phần mình, Trung Quốc từ lâu đã đề cao phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có đường sắt, coi đó là một trong những nền tảng để phát triển bền vững.
Hệ thống đường sắt cao tốc của quốc gia 1,4 tỷ dân này được nghiên cứu từ đầu những năm 1990.
Đường sắt cao tốc thực sự ra đời ở nước này vào tháng 8/2008, khi tuyến đường sắt Bắc Kinh - Thiên Tân đi vào hoạt động.
Theo Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, đến cuối năm 2021, mạng lưới đường sắt cao tốc nước này đã đạt hơn 40.000km, vượt cả chiều dài đường xích đạo. Đường sắt cao tốc đã vươn đến 93% các thành phố có hơn 500.000 dân và phát triển trên mọi địa hình, từ sa mạc Gobi khô cằn đến vùng Cáp Nhĩ Tân băng giá.
Hiện Trung Quốc đã có năm tuyến đường sắt đạt tốc độ 350km/h và tổng chiều dài mạng lưới đường sắt cao tốc của nước này dự kiến sẽ tăng lên 70.000km vào năm 2035.
Những thành tựu này có được do Trung Quốc đã hoạch định chiến lược và quy hoạch phát triển hệ thống đường sắt một cách bài bản và nhất quán.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt trung và dài hạn đầu năm 2004, Trung Quốc xác định mục tiêu xây dựng mạng lưới đường sắt hiện đại, bao phủ rộng khắp, hiệu quả cao, an toàn và tiết kiệm vào năm 2025.
Tập trung đầu tư phát triển công nghệ cũng là nguyên nhân quan trọng giúp nước này nhanh chóng có được hệ thống đường sắt cao tốc hiện đại.
Thời gian đầu, Trung Quốc mời các công ty của Nhật, Canada, Pháp, Đức thành lập liên doanh và yêu cầu đối tác chia sẻ công nghệ. Đến nay, Trung Quốc đã sở hữu công nghệ tiên tiến nhưng giá thành xây dựng lại rẻ hơn nhiều nước khác và đã xuất khẩu công nghệ và thiết bị đường sắt tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mở rộng kết nối
Trong nỗ lực thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc dự kiến mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc về phía Nam, trải dọc Đông Nam Á.
Ngày 29/3/2021, Bộ trưởng Giao thông vận tải Thái Lan Saksayam Chidchob chủ trì lễ ký ba hợp đồng thuộc giai đoạn I của Dự án đường sắt cao tốc nối thủ đô Bangkok với tỉnh Nakhon Ratchasima phía Đông Bắc, giữa công ty Đường sắt quốc gia Thái Lan và Tổng công ty xây dựng Trung Quốc.
Các hợp đồng này nằm trong tổng số 14 hợp đồng cho giai đoạn I, với chi phí 5,8 tỷ USD để xây đoạn tuyến đường sắt dài 253 km nối thủ đô Bangkok với Nakhon Ratchasima. Đây là một phần trong kế hoạch xây tuyến đường sắt cao tốc dài 609 km từ Bangkok tới tỉnh Nong Khai phía Bắc Thái Lan, nối với tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào.
Các tàu chạy trên tuyến đường sắt cao tốc này có vận tốc 250 km/h. Bộ trưởng Chidchob cho biết ông hy vọng tuyến đường này sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2026 hoặc đầu 2027.
Dự án được cho là giúp Thái Lan tăng cường kết nối giữa Bangkok với vùng Đông Bắc xa xôi, làm bùng nổ cơ hội kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại những địa phương dọc tuyến đường.
Không dừng lại ở Thái Lan, với kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt xuyên Á dài 5.500 km, Trung Quốc muốn vươn xa về phía Nam, mở đường sắt cao tốc dọc theo Malaysia và đến Singapore.
Một trong những dự án lớn nhất thuộc BRI là Đường sắt bờ Đông được ký giữa Malaysia với Tập đoàn xây dựng viễn thông Trung Quốc, chi phí ban đầu khoảng 20 tỷ USD. Tuyến đường dài 688 km, kết nối bờ biển phía Đông Malaysia với tuyến đường thủy nhộn nhịp qua eo biển Malacca phía Tây, nối thủ đô Kuala Lumpur với miền Nam Thái Lan.
Hôm 16/10, đoàn tàu cao tốc đầu tiên trên tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào được bàn giao tại thủ đô Vientiane. Tuyến đường dài 414 km nối thị trấn biên giới Boten, giáp tỉnh Vân Nam, với Vientiane, do Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc thi công và hoàn thành sau năm năm. Đây là dự án thuộc BRI đầu tiên được hoàn thành tại Đông Nam Á, kết nối thành phố Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) với Lào.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tuyến đường này có thể giúp tăng lưu lượng mậu dịch giữa Trung Quốc và Lào từ 1,2 triệu tấn vào năm 2016 lên 3,7 triệu tấn vào năm 2030. Thời gian di chuyển bằng tàu từ Vientiane tới Boten chỉ còn bốn tiếng, so với 15 tiếng nếu đi bằng ô tô.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì năng lực đáng kể về đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nước ngoài trong tương lai gần”, ông Nicolas Veron, chuyên gia cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington (Mỹ), nhận xét.
Với việc phát triển đường sắt cao tốc được dự đoán là rất có tương lai, Trung Quốc và Nhật Bản được đánh giá là hai quốc gia có tiềm lực cạnh tranh ở châu Á, cạnh tranh nhau trong việc giành các hợp đồng xây dựng đường sắt cao tốc cho các nước trong khu vực.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/duong-sat-cao-toc-giup-thuc-day-tang-truong-chau-a-208212.html