Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Dự án mang nhiều kỳ vọng!
Là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm đang được tích cực xúc tiến triển khai, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam mang tính chiến lược, đặt trong bối cảnh đất nước bước chuyển mình trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Siêu dự án hiện được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư, hiện đang chờ Quốc hội xem xét, thông qua. Theo nghị trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam vào ngày 30/11, trước khi bế mạc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
Trên thực tế, đường sắt tốc độ cao đã là “chuyện thường ngày” ở thế giới. Đường sắt tốc độ cao Shinkansen của Nhật Bản được xây dựng từ năm 1964, tàu TGV của Pháp năm 1981, hay hệ thống tàu tốc hành liên thành phố ICE của Đức từ năm 1991, đường sắt tốc độ cao của Trung Quốc chạy từ năm 2008… đến nay, so với các hình thức vận tải khác đều cho thấy hiệu quả về năng lực chuyên chở, hiệu suất cao, tiết kiệm thời gian, đặc biệt là tính an toàn vượt trội, kể cả an toàn về mặt môi trường.
Trước đó, ngày 13/11, tại đợt 1 của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án với 117 lượt ý kiến phát biểu. Báo cáo tổng hợp của Tổng thư ký Quốc hội cho biết, có tới 101 ý kiến nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; việc đầu tư Dự án được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông.
Hiện tại, công trình được đề xuất đầu tư với chiều dài 1.541km, đi qua 20 tỉnh thành, quy mô đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa, với tốc độ thiết kế 350 km/h, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67km, năm ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỷ USD.
Tại Tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao - thời cơ và thách thức" mới đây, các chuyên gia trong ngành phân tích rằng, vận tải đường sắt tốc độ cao khi hình thành sẽ đóng vai trò quan trọng, đồng bộ kết nối năm phương thức vận tải chính: đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, theo trục Bắc-Nam. Như vậy, sự ra đời của đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam tối ưu hóa hệ thống vận chuyển, giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Một phương thức vận tải linh hoạt nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, sẽ góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.
Đáng chú ý, theo tính toán ban đầu, đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam giúp thời gian đi từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh hết 5,5 giờ, tiết kiệm thời gian sáu lần so với tàu hỏa thường. Giá vé toàn tuyến dự kiến bằng 75% giá vé máy bay trung bình từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh. Giá vé cao nhất là 6,9 triệu đồng, thấp nhất 1,7 triệu đồng.
Những con số thuyết phục cho một dự án mang tính xã hội cao, hội tụ đủ sức cạnh tranh về mọi mặt. Chúng ta tin tưởng vào sự thành công của dự án, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp vận tải hàng hóa và hành khách tuyến Bắc-Nam đến năm 2050 là hơn 18,2 triệu tấn/năm và 122,7 triệu lượt khách, theo dự báo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-du-an-mang-nhieu-ky-vong-295382.html