Số hóa thông tin để chống hàng giả, hàng nhái

Công nghệ số đang được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu cho cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái hiện nay.

Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong công tác chống hàng giả; phần mềm truy xuất nguồn gốc dần trở thành xu thế tất yếu. Các giải pháp này thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, hàng hóa chất lượng. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng ý thức hơn việc sử dụng sản phẩm có nguồn gốc minh bạch, hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng.

Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) Nguyễn Đăng Sinh cho biết: "Những giải pháp chống giả theo công nghệ số bây giờ rất đảm bảo và bảo mật. Sau nhiều lần nghiên cứu, Hiệp hội đã tìm ra nhiều giải pháp như Vatapcheck.vn, bên cạnh mã QR để truy xuất nguồn gốc, chúng tôi còn có cả một phần mềm chống giả".

Theo số liệu thống kê, năm 2022, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý gần 3.700 vụ hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ trong tổng số trên 139.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chiếm tỷ lệ 2,6%. Năm 2023, tỷ lệ này chiếm 3,7% và 9 tháng năm 2024, chiếm tỷ lệ 4,1%. Từ kết quả trên cho thấy, số vụ việc phát hiện và xử lý về hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ tăng dần qua các năm, thể hiện sự quyết tâm của các cấp, các ngành.

Ngày 29/11 hàng năm được Chính phủ chọn là Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp. Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân nào mà cần sự chung tay của cả xã hội.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/so-hoa-thong-tin-de-chong-hang-gia-hang-nhai-284323.htm