Đường sắt tốc độ cao: Tìm lời giải bài toán vốn, công nghệ
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả thông qua việc áp dụng các cơ chế đặc thù, tập trung huy động nguồn lực trong nước và chuyển giao công nghệ hiện đại.
Đây là ý kiến của nhiều đại biểu quốc hội trong phiên họp toàn thể tại Nghị trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam ngày hôm qua.
Theo đó, các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ, chất lượng, hiệu quả của dự án như huy động vốn, chuyển giao công nghệ đặt trong mẫu số an toàn nợ công, tối ưu khả năng tham gia của các thành phần kinh tế được đại biểu đưa ra phân tích, soi chiếu cụ thể qua một số chính sách đặc thù.
Huy động nguồn lực trong nước
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội, nhiều đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động vốn từ nguồn lực trong nước thay vì vay nước ngoài.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề xuất phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân đầu tư. Ông cho rằng phương án này không chỉ mang lại lợi nhuận cho người dân mà còn giữ nguồn tài chính ở trong nước.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP. HCM) đề nghị xây dựng kế hoạch chi tiết về sử dụng nguồn vốn và đảm bảo quyền tham gia của người dân, trong khi bà Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) nhấn mạnh sự cần thiết của việc đàm phán thận trọng với các nguồn vốn nước ngoài và ưu tiên phát hành trái phiếu dài hạn.
Các ý kiến cũng gợi ý việc khai thác quỹ đất quanh nhà ga để thu hút hàng chục tỷ USD, cơ chế cần thiết để giảm gánh nặng ngân sách trung ương và đa dạng hóa hình thức đầu tư.
Nội dung này đã được Chính phủ đề xuất trong 19 cơ chế đặc thù, đó là dành 50% số thu được từ nguồn thu này để nộp về ngân sách trung ương.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị quy định rõ việc điều tiết về trung ương để dành riêng cho làm đường sắt cao tốc. Tỷ lệ điều tiết không nên quy định cứng giống nhau giữa các địa phương, vì mức độ gia tăng giá đất sau khi có dự án là khác nhau giữa các địa phương, nên tính toán tỷ lệ điều tiết hợp lý.
Tăng cường vai trò khu vực tư nhân
Các đại biểu cũng đề xuất đẩy mạnh vai trò của khu vực tư nhân và huy động nguồn vốn trong dân để thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, nhằm tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa nguồn lực trong nước.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng việc ưu tiên khu vực kinh tế tư nhân có thể giúp tiết kiệm tới 30% chi phí so với đầu tư từ nhà nước hoặc nước ngoài.
Ông Thân khẳng định năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, đồng thời nhấn mạnh rằng khu vực tư nhân có khả năng huy động vốn từ người dân rất hiệu quả và hợp pháp.
Ông Thân đề xuất Chính phủ xây dựng các hợp đồng rõ ràng để doanh nghiệp tư nhân tham gia trực tiếp vào quá trình thi công dự án. Điều này không chỉ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước mà còn tạo giá trị bền vững cho nền kinh tế.
Đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) nhận định rằng với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 67 tỷ USD, dự án này là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Ông đồng tình với các luận chứng trong tờ trình của Chính phủ về dư địa huy động vốn tốt và mức nợ công an toàn, nhưng nhấn mạnh việc ưu tiên tối đa nguồn lực từ nhân dân.
Ông Minh cho rằng điều cốt yếu là nâng cao nhận thức và tạo dựng niềm tin vững chắc trong dân chúng về ý nghĩa và lợi ích của dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đồng thời ông gợi ý Chính phủ phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn, đảm bảo an toàn, để khuyến khích người dân tham gia.
Chọn đối tác sẵn sàng chuyển giao công nghệ
Chuyển giao công nghệ, công nghiệp đường sắt cũng là vấn đề “trăn trở” của nhiều đại biểu khi bàn về chủ trương đầu tư dự án trước thời khắc lịch sử của kỷ nguyên mới.
Theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh), trên thế giới có Nhật Bản, Pháp, Đức, Ý là những quốc gia tự phát triển và làm chủ hoàn toàn công nghệ đường sắt tốc độ cao, trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha là các nước nhận chuyển giao công nghệ và tiến tới làm chủ công nghệ.
Từ đây, bà Thúy cho rằng lựa chọn đối tác làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không phải dựa trên tiêu chí giá cả, mà ở góc độ chuyển giao công nghệ và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa công nghiệp đường sắt.
Đại biểu này cho rằng Nhật Bản, Trung Quốc cần khoảng năm năm, Indonesia bảy năm và với bài học từ 22 quốc gia đã thực hiện, Việt Nam có thể "đi tắt đón đầu", rút ngắn hơn nữa thời gian triển khai dự án.
"Chuyển mình chậm là lạc hậu với thế giới", đại biểu nêu rõ, cần triển khai dự án thần tốc để tận dụng cơ hội phát triển trong bối cảnh thế giới biến đổi nhanh chóng, tạo động lực mạnh mẽ cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận định việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để nước ta làm chủ quá trình đầu tư, phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.
Trước các vấn đề đại biểu nêu ra, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định dự án đã được Chính phủ chỉ đạo rà soát, tính toán kỹ lưỡng, cẩn trọng, tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia đã phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới và năm 2027 là thời điểm thích hợp để triển khai đầu tư.