Đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam: Mở không gian phát triển kinh tế mới

Tại phiên thảo luận Tổ 12 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn, các ĐBQH nhất trí chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đồng thời cho rằng, việc thực hiện Dự án sẽ giúp phát huy hành lang kinh tế Bắc Nam, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, góp phần giảm áp lực tập trung dân số, quá tải hạ tầng ở các đô thị lớn hiện nay.

Dự án quy mô chưa từng có

Thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc trên trục Bắc Nam, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, hành lang Bắc - Nam là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, có vai trò, ý nghĩa to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; kết nối các hành lang Đông - Tây, các cực tăng trưởng để tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Việc phát triển giao thông theo trục Bắc - Nam giúp kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng và các hành lang kinh tế của khu vực và thế giới.

ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên). Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên). Ảnh: Quang Khánh

Theo ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua chủ yếu tập trung cho đường bộ, hàng không; hạ tầng đường sắt chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, dẫn đến tụt hậu, phát triển không tương xứng, chưa phát huy được lợi thế, tiềm năng vốn có của phương thức vận tải này.

Việc đầu tư Dự án nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối với hệ thống đường sắt trong 2 khu vực và Châu Á; mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tạo động lực lan tỏa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam từ sản xuất vật liệu đến chế tạo cơ khí, xây dựng hạ tầng, điện, công nghệ số...

Cũng theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có quy mô chưa từng có ở nước ta, chưa từng có tiền lệ thực hiện. Trong khi đó, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta hiện chưa được cao; các ngành nền tảng, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.

 Toàn cảnh phiên họp tổ 12. Ảnh: Quang Khánh

Toàn cảnh phiên họp tổ 12. Ảnh: Quang Khánh

Vận tải đường sắt đang dần mất vai trò, hạ tầng lạc hậu, chất lượng dịch vụ thấp và lạc hậu với thế giới và khu vực. Năm 2023, thị phần luân chuyển hành khách chỉ còn 1,07%, hàng hóa chỉ còn 0,91%. Trong khi đó, các nước phát triển, thị phần vận tải hành khách công cộng chiếm rất cao, rất tiện nghi và đúng giờ, thuận tiện, nhanh, các dịch vụ hạ tầng đồng bộ.

Ngoài ra, việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ giúp phát huy hành lang kinh tế Bắc Nam, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, góp phần giảm áp lực tập trung dân số, quá tải hạ tầng ở các đô thị lớn, gia tăng phương tiện cá nhân gây nên ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở các đô thị lớn, đang gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. "Qua đó, mở ra không gian phát triển, khai thác có hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - dịch vụ, du lịch, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần giảm chi phí logistic", đại biểu Nguyễn Đại Thắng nói.

Đề xuất giao địa phương có cơ chế đặc thùgiải phóng mặt bằng

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), thực tiễn các dự án lớn từ trước đến nay cho thấy, những khó khăn làm chậm tiến độ thường liên quan đến khâu giải phóng mặt bằng.

Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu kinh nghiệm, cơ chế giải quyết những dự án trước; đồng thời mạnh dạn giao địa phương có cơ chế đặc thù giải phóng mặt bằng để dự án có thể bảo đảm tiến độ đề ra.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: Quang Khánh

Dự án có quy mô đặc biệt lớn với tổng mức đầu tư khoảng 67,3 tỷ USD, mỗi năm phải bố trí khoảng 5,6 tỷ USD, thời gian thi công kéo dài 12 năm. Do đó, ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đề nghị, Chính phủ nghiên cứu, báo cáo rõ hơn khả năng bố trí, cần đối vốn, đánh giá tác động đến bội chi ngân sách, khả năng trả nợ ngân sách nhà nước trung và dài hạn, "bảo đảm phương án chuẩn bị nguồn vốn thực sự có tính khả thi, không ảnh hưởng kinh tế vĩ mô".

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình). Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình). Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu cũng lưu ý, thực hiện các dự án đường cao tốc vừa qua thấy các dự án đều vướng vấn đề thiếu nguyên vật liệu khi thi công. Do đó, để bảo đảm tính khả thi, Chính phủ cần rà soát tất cả các khâu để khi thực hiện hiệu quả và đúng tiến độ.

Quang Khánh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/duong-sat-toc-do-cao-truc-bac-nam-mo-khong-gian-phat-trien-kinh-te-moi-post396227.html