Đường sắt Việt Nam: Đánh thức tiềm năng, nỗ lực cởi bỏ 'tấm áo' cũ
Trong khi ngành Hàng không đang chật vật tìm giải pháp để sớm thoát khỏi 'vùng trũng' của khủng hoảng toàn cầu, vé máy bay ngày một tăng cao, thì ngành Đường sắt Việt Nam đang có những bước đi chậm rãi, chắc chắn, từ từ kéo hành khách trở lại.
Bài 1: Khách đi tàu hào hứng với nhiều dịch vụ mới
Giá vé hợp lý, tàu liên tục tăng chuyến, đưa ra các chương trình khuyến mại, đi kèm là những dịch vụ độc đáo trên các chuyến tàu từ Bắc tới Nam đã giúp ngành Đường sắt hút khách.
Nghe nhã nhạc, ăn buffet trên tàu hỏa
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều chia sẻ về trải nghiệm hành trình "Kết nối di sản miền Trung" bằng tàu hỏa giữa Huế-Đà Nẵng. Chị Nguyễn Thị Hòa (Hòa Luxia - travel blogger, người chuyên trải nghiệm, đánh giá về du lịch) bày tỏ: "Có mặt trên chuyến tàu kết nối di sản đi từ Thừa Thiên Huế đến Đà Nẵng, tôi được trải nghiệm rất nhiều dịch vụ thú vị như ca Huế, các món ăn đặc sản Huế, đặc biệt là địa điểm check-in (chụp hình) rất đẹp. Hy vọng chuyến tàu này sẽ ngày càng mở rộng và phát triển hơn nữa để nhiều người cùng được trải nghiệm, đi du lịch đến Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng".
Cùng chung tâm trạng háo hức khi lần đầu tiên được trải nghiệm hành trình đến Đà Nẵng, chị Như Ngọc (du khách Huế) bày tỏ: "Quả là một trải nghiệm tuyệt vời. Trên tàu có một toa riêng phục vụ đặc sản Huế và nhạc live Acoustic, trang trí theo phong cách cung đình. Nếu đi chiều ngược lại trên toa tàu sẽ trang trí theo cầu Rồng - Đà Nẵng. Đến mỗi địa điểm đều có thuyết minh ý nghĩa, vẻ đẹp, món ăn ngon. Tàu có 5 toa, các toa đều ghế mềm bọc da mới, buồng vệ sinh sạch sẽ. Có mã QR khắp tàu, quét mã là chọn mua được đặc sản. Đặc biệt, thời gian di chuyển gần 3 tiếng trên tàu giúp du khách vừa có thể thư giãn nghỉ ngơi, vừa ngắm cảnh đẹp trong suốt hành trình. Khởi hành sáng sớm tại Huế, khách có thể ngắm bình minh trên vịnh Lăng Cô. Ở chiều về, khách sẽ tiếp tục lựa chọn chuyến tàu này để có thể ngắm cảnh hoàng hôn trên đèo Hải Vân".
Ông Huỳnh Thế Sơn, Phó Phòng kinh doanh, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, đơn vị mới đây đã đưa ra sản phẩm mới nhằm kết nối vùng, quảng bá du lịch của tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng. Với hành trình khoảng 3 giờ, tàu sẽ đi qua eo biển Lăng Cô, qua đèo Hải Vân. Trên tàu phục vụ ẩm thực cố đô Huế, biểu diễn văn nghệ. Tuy nhiên, giá vé lại khá mềm, chỉ 150.000 đồng. Vì thế, tuy mới chạy nhưng các doanh nghiệp lữ hành, du lịch rất quan tâm, tìm hiểu để có thể hợp tác.
Sau khi đến ga Huế và ga Đà Nẵng, ngay khu vực phía trước nhà ga, các địa phương đã bố trí hệ thống xe đạp cho thuê tự động bằng hình thức quét mã QR để thuận tiện cho du khách tham quan các danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế còn áp dụng chính sách hỗ trợ giảm giá cho các tổ chức, cá nhân khi tham quan các điểm du lịch tại Huế (áp dụng 1 lần cho mỗi vé tàu). Dự kiến, trong tháng 4, đoàn tàu sẽ được trang bị wifi để phục vụ hành khách.
Trước đó, cuối năm 2022, ngành Đường sắt đã tổ chức các đoàn tàu trải nghiệm chương trình "food tour" (du lịch ẩm thực) trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Với mức giá 80.000-125.000 đồng/lượt, lại thêm các chương trình khuyến mãi nên được nhiều hành khách lựa chọn chương trình này.
Trưởng tàu Trần Thanh Việt thông tin, trong những ngày thường, lượng khách đi các tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng đạt 60-70% tổng số ghế, còn những ngày cuối tuần đông hơn. Từ năm 2022 đến nay, lượng khách đi tàu Hà Nội - Hải Phòng tăng đáng kể. Ngày thường, các đoàn tàu được bố trí 8-12 toa tàu, còn những ngày cuối tuần hay cao điểm nghỉ lễ, tết, mỗi đoàn được bố trí 18 toa xe (1.104 chỗ).
Còn với bà Nguyễn Thị Vinh (Thanh Trì-Hà Nội), hành khách mới trải nghiệm trên chuyến tàu chất lượng cao Hà Nội-Đà Nẵng cho hay, đã nhiều năm đi tàu nhưng lần này, bà không khỏi bất ngờ bởi nội thất trên tàu được thiết kế mới hoàn toàn. Chăn, ga, gối cũng được thay mới, khu vực nhà vệ sinh sạch sẽ khang trang và quan trọng là giá vé lại không thay đổi.
"Giá vé là hơn 1 triệu đồng, nhưng tôi là người cao tuổi nên được giảm giá 15%, còn khoảng 900.000 đồng. Cơ sở vật chất tiến bộ, cải tiến hơn nhiều, giá vé cũng phù hợp với túi tiền người dân", bà Vinh bộc bạch. Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, tàu chất lượng cao SE19/SE20 Hà Nội - Đà Nẵng được khách du lịch nước ngoài ưa thích. Hệ số sử dụng chỗ rất cao, chiều Hà Nội - Đà Nẵng luôn trên 90%, chiều Đà Nẵng - Hà Nội trên 70%. Thành công của các đoàn tàu này đưa doanh thu vận tải khách của công ty năm 2023 đạt hơn 1.081 tỷ đồng, tăng tới 51%.
Du lịch bằng tàu hỏa đang trở thành một xu hướng mới
Trên hành trình đưa đoàn khách quốc tế tham quan Việt Nam, ông Trần Trọng Lưu, Giám đốc Công ty Du lịch Haratour cho hay, đoàn vừa trải nghiệm chuyến tàu Hà Nội - Lào Cai. Khách rất thích thú khi được dừng chân tham quan trạm đầu máy Yên Bái. Trước đó, đoàn khách này cũng đã đi hành trình tàu Sài Gòn - Huế. Trên hành trình, đoàn dừng chân tham quan các điểm đến nổi tiếng của Việt Nam. Đây đều là các tàu charter (thuê nguyên đoàn), đường sắt lập riêng theo yêu cầu của Haratour, mặc dù đoàn khách chỉ có 15 người.
"Đặc biệt, trên tàu phục vụ buffet với thực đơn đa dạng các món ăn nổi tiếng của Việt Nam. Khách vừa có thể ngắm phong cảnh đất nước Việt Nam qua ô cửa con tàu, vừa thưởng thức buffet, cảm giác rất "chill", ông Lưu cho hay và thông tin, Haratour đang làm việc với 25 hãng du lịch chuyên đưa khách du lịch vào Việt Nam về việc sẽ tổ chức một đoàn tàu chạy đường sắt vành đai xung quanh Hà Nội, thường kỳ vào cuối tuần. Tàu sẽ chạy từ Long Biên qua Gia Lâm, Đông Anh và vòng về đến Giáp Bát, hoặc từ Long Biên - Ga Giáp Bát - Ga Hà Nội. Trong quá trình ngồi trên tàu, khách có thể ngắm thêm các chùa dọc tuyến đường sắt. Đối tượng chủ yếu là khách nước ngoài, đặc biệt là khách Ấn Độ.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đường sắt đã triển khai dịch vụ tàu charter từ lâu nhưng hầu như khách hàng mới quan tâm thuê cho các tập thể đi du lịch. Tàu thuê cũng hầu hết là tàu đã có sẵn hành trình, theo biểu đồ chạy tàu cố định. Tới đây, đường sắt sẽ cung cấp dịch vụ đa dạng, linh hoạt hơn, như chạy thử chuyến tàu charter Hà Nội - Lạng Sơn với lịch trình, hoạt động hoàn toàn theo yêu cầu đặt hàng của Công đoàn Đường sắt Việt Nam, nhằm mở rộng đối tượng khách hàng. Thậm chí, các hoạt động trên tàu như hội thảo, họp, xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, triển lãm, trưng bày, kể cả tổ chức cưới hỏi, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới... cũng sẽ được triển khai.
Ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Công ty Du lịch TSC, một trong các đối tác thuê toa xe trên hành trình tàu SE19/SE20 chuyên phục vụ khách quốc tế cho rằng, những đổi mới, ý tưởng xây dựng các sản phẩm vận tải gắn với di sản, văn hóa của đường sắt rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, phải duy trì được chất lượng từ phương tiện đến chất lượng dịch vụ, trang thiết bị. Đặc biệt, vấn đề vệ sinh trên tàu phải giải quyết được triệt để. Với hình thức tàu charter, nên công khai giá thuê. Tương tự, chính sách giá cước, giá vé cũng nên công bố sớm và cần duy trì ổn định trong một khoảng thời gian dài, để các đơn vị du lịch, lữ hành chủ động trong xây dựng giá, kế hoạch kinh doanh.