Đường tới Berlin: Cổ động viên cũng là người chiến thắng
Các nhà bình luận có thể có các quan điểm bóng đá khác nhau, nhưng họ sẽ đồng ý với nhau ở một điểm: Trong một kỳ Euro 2024 khá nhạt nhòa, chính cổ động viên (CĐV) là những người cứu vãn hình ảnh cho giải đấu. Và không lực lượng CĐV nào để lại những ấn tượng lớn lao về sự cuồng nhiệt và thân thiện của họ hơn người Hà Lan.
Dù những "biển người" da cam phủ kín các thành phố nơi họ đến để cổ vũ cho đội tuyển của mình, nhưng đội tuyển bóng đá Hà Lan không đền đáp được tình yêu ấy. Và cái cách mà người Hà Lan “xâm lăng” các nơi họ đến thật đáng ngưỡng mộ. Họ phủ một màu da cam lên những toa tàu hỏa, quán bia, các quảng trường, biến những nơi ấy thành các sân khấu ca nhạc với loa bật rất to.
Việc ở giáp nước Đức đã biến những trận đấu của đội tuyển Hà Lan ở Euro 2024 thành một cuộc diễu hành bằng xe hơi dài cả chục cây số từ Hà Lan sang Đức. “Công thức” một buổi vui trước trận rất đơn giản: Vào lúc 10 giờ, bữa tiệc ở đâu đó bắt đầu khi các CĐV Hà Lan tụ tập; vào lúc 11 giờ, họ bắt đầu đến các bar và uống bia; vào lúc 12 giờ thì các quán bar đông nghịt người; vào lúc 13 giờ, các quảng trường ngập màu da cam; một tiếng sau đó đã hình thành một "biển người" da cam!
Đỉnh điểm của cuộc vui là diễu hành. Đây không phải là phát kiến của Euro này, nhưng chưa giải nào các CĐV thích thú làm việc ấy như thế, và như thường lệ, người Hà Lan làm tốt nhất. Hàng vạn người ken đặc con đường đến sân khi xe cảnh sát dẫn đường cho họ đi bộ. Trong hành trình ấy, họ có dừng lại đôi lần để làm một việc: Nhảy. CĐV Hà Lan đã về nước sau trận bán kết, nhưng tinh thần vui vẻ và thái độ sống thân thiện của họ gây chú ý cho tất cả.
Các CĐV Scotland cũng được ca ngợi bởi sự dễ thương. Đội tuyển Scotland bị loại từ vòng bảng, nhưng nhiều CĐV Scotland chưa về nhà. Họ vẫn ở lại Đức, nhiều người ở tới tận chung kết. Rất dễ nhận ra họ bởi giọng Scotland khó nghe và bộ váy truyền thống. Tại Euro này, họ đã được chú ý rất nhiều sau khi hai CĐV Scotland giúp một bà cụ qua đường ở Đức.
Nhiều người mang kèn túi sang đây, thổi ở ngoài sân vận động, biến thành một sân khấu của riêng họ và từ đó họ tranh thủ giới thiệu luôn về đất nước, con người thông qua âm nhạc Scotland truyền thống. Đại sứ Euro 2024 của nước chủ nhà, cựu đội trưởng đội tuyển Đức Philipp Lahm, đã ca ngợi các CĐV trong một bài báo trên tờ The Guardian: “Thật tiếc là những CĐV như thế đã về nhà sớm quá”.
Nước Đức, với một mùa hè thời tiết khá bất thường, nhưng với phong cách sống của mình, đã tạo ra một cuộc vui bất tận theo cách đó. Các sân vận động Euro 2024 luôn chật kín người, bia 5 độ được bán không hạn chế, xúc xích nướng trở thành thứ đồ ăn tuyệt vời phù hợp với không khí cuồng nhiệt, trong khi mọi người rất thích thú với những màn âm nhạc trước từng trận đấu, đặc biệt, khi giai điệu của bài hát chính thức “Fire” vang lên.
Andre Schnura, giáo viên dạy nhạc ở Đức, bỗng trở thành ngôi sao khi anh mặc vào người chiếc áo của cựu tuyển thủ Đức Rudi Voller ở một khu fanzone và biểu diễn saxophone tại đó. Schnura từ chối mọi yêu cầu phỏng vấn và chỉ liên lạc qua Instagram, nơi anh kêu gọi hòa bình và sự kết nối giữa người với người. Có rất nhiều "Schnura" trong mùa hè nước Đức này, những người có thể nổi lên trên sân khấu của một giải đấu rồi biến mất nhưng niềm vui họ tạo ra rất nhiều.
Bóng đá, xét cho cùng là vì khán giả. Dù Liên đoàn Bóng đá châu Âu cũng như Liên đoàn Bóng đá thế giới đã thương mại hóa bóng đá đến cùng, biến các kỳ Euro và World Cup thành các cỗ máy in tiền cho họ, thì khán giả vẫn có những cách thể hiện hạnh phúc, niềm đam mê của riêng mình. Mỗi giải đấu trở thành sân khấu để CĐV thể hiện niềm vui, niềm tự hào dân tộc và tình yêu với bóng đá.
LÊ MINH (từ Berlin, Đức)