Đường trên cao Bắc - Nam TP.HCM có tổng mức đầu tư hơn 38.000 tỷ đồng
Theo đề xuất mới nhất, tổng mức đầu tư dự án đường trên cao Bắc - Nam TP.HCM là 38.192 tỷ đồng, tăng hơn 8.000 tỷ đồng so với báo cáo đầu kỳ...
Ngày 30/5, công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) có tờ trình báo cáo UBND TP.HCM về dự án đường trên cao Bắc - Nam từ đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) đến đường Nguyễn Văn Linh (quận 7).
Theo đó, CII đề xuất phương thức đầu tư Đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư dự án là 38.192 tỷ đồng tính tại thời điểm hiện tại, tăng hơn 8.000 tỷ đồng so với báo cáo đầu kỳ giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 12/2021. Khoản dự toán chênh lên được lý giải do chi phí giải phóng mặt bằng tăng theo giá trị thị trường thực tế trên các đoạn dự án đi qua.
Để đủ khả năng thực hiện, CII kiến nghị được tách dự án thành hai dự án độc lập. Trong đó, dự án 1 được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách để đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà tái định cư. Dự án 2 được đầu tư bằng hình thức BOT để xây dựng đường trên cao. CII dự kiến hoàn thành dự án 2 trong 36 tháng và triển khai khi dự án 1 hoàn thành.
Đối chiếu với tổng lưu lượng phương tiện đã khảo sát, CII cho rằng thời gian thu phí kéo dài hơn 50 năm nhà đầu tư mới có thể hoàn vốn được khoảng 90%. Do vậy, bất khả thi vì Luật tín dụng quy định thời gian vay vốn tối đa chỉ 20 năm.
CII kiến nghị được khai thác dịch vụ phía trên đường để thu về khoảng 5.150 tỷ đồng bằng hình thức xây dựng và khai thác căn hộ dịch vụ cho thuê 49 năm. Theo đó, các tòa căn hộ dịch vụ cho thuê sẽ nằm ngay trên phần đường trên cao xuyên qua cù lao Nguyễn Kiệu (quận 4).
Tại giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi trước đó, phương án này được xem như “lối thoát” cho dự án đường trên cao Bắc - Nam vì suất đầu tư quá lớn, khó thu hồi vốn. Phương án thi công đường xuyên qua các cao ốc để tận dụng khoảng không phát triển bất động sản đã được phía tư vấn tham khảo mô hình “nhà trên đường” từ Osaka (Nhật Bản). Hành lang pháp lý cho mô hình này tại Việt Nam là chưa từng có tiền lệ.
Theo quy hoạch đã được Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt, TP.HCM có 5 tuyến đường trên cao, nhưng vì một số lý do, đến nay các tuyến đường này vẫn chưa được triển khai thi công. Dự án do CII đề xuất là trục đường trên cao xuyên suốt theo trục Bắc - Nam, kết nối khu vực các quận trung tâm thành phố với khu đô thị Nam Sài Gòn và Sân bay Tân Sơn Nhất.