Những góc nhìn mới mẻ mang hơi thở thời cuộc
Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về 'Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân' đã được tổ chức qua 4 mùa với nhiều tác phẩm chất lượng, phản ánh cuộc sống chiến đấu và những hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ CAND.
Lần này, Liên hoan được tổ chức vào 1 dịp đặc biệt, chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (CAND) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hứa hẹn mang đến những vở diễn mới mẻ, hấp dẫn.
Đề tài hấp dẫn và độc đáo
Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân” lần thứ 5 hội tụ 21 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Ngoài các thương hiệu sân khấu lâu năm là các đơn vị nghệ thuật công lập, trong đó có Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội…

Chào mừng các đoàn về dự Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân”.
Liên hoan thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị sân khấu tư nhân tại TP Hồ Chí Minh như Sân khấu kịch Hồng Vân, Công ty TNHH Sân khấu Trương Hùng Minh, Công ty TNHH TH Entertainment - Sân khấu Quốc Thảo. Cả hai trường đào tạo sân khấu - điện ảnh tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng nhiều đơn vị nghệ thuật địa phương như Thanh Hóa, Hưng Yên, Quảng Nam, Quảng Ninh… đều có tác phẩm dự Liên hoan. Điều đó cho thấy sức hút của đề tài “Hình tượng người chiến sĩ CAND” chưa bao giờ nguội. Thú vị hơn nữa là liên hoan lần này rất đa dạng về thể loại như chèo, ca kịch, cải lương và kịch nói. Trong đó, nhà hát Kịch CAND, nhà hát Kịch Quân đội, nhà hát Chèo Quân đội có 2 tác phẩm tham dự.
Bằng hình thức sân khấu hóa, bằng những câu chuyện, hình tượng người chiến sĩ công an đã được phản ánh một cách chân thực, sinh động và sâu sắc. Trong đó có nhiều tác phẩm ca ngợi sự đóng góp của lực lượng CAND trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc qua các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới đất nước; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bác Hồ với CAND; CAND làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy. Nhiều vở diễn ca ngợi sự hy sinh, những tấm gương tiêu biểu của lực lượng CAND trong mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình vào kỷ nguyên mới, sân khấu về hình tượng người chiến sĩ công an cũng đã nắm bắt được hơi thở của đời sống, phản ánh những chuyển đổi mạnh mẽ của lực lượng công an nhân dân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhiều góc nhìn mới mẻ, phản ánh tiếng nói của thời đại
Ngay trong đêm khai mạc 24/6 tại nhà hát Hồ Gươm, vở kịch “Người thứ 3” của nhà hát Công an Nhân dân đã gây ấn tượng mạnh với người xem. Tác phẩm ca ngợi sự cống hiến, hy sinh của lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ cam go của đất nước, khi hai miền Nam - Bắc còn bị chia cắt, nhiều văn nghệ sĩ, những người mang lý tưởng hòa bình dân tộc, đã trở thành những chiến sĩ tình báo an ninh, dấn thân vào mặt trận thầm lặng đầy nguy hiểm. Họ đã gác lại tình riêng, lý tưởng cá nhân, để phục vụ lý tưởng lớn của dân tộc. Tác phẩm do Đại tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát kịch CAND chỉ đạo nghệ thuật; đạo diễn, NSND Lê Hùng dàn dựng theo kịch bản của tác giả Minh Anh, tập thể nghệ sĩ Nhà hát Kịch CAND biểu diễn.

Cảnh trong vở “Vùng trời bình yên” của Nhà hát Chèo Quân đội.
“Người thứ 3” đã thoát khỏi những khuôn mẫu cũ kỹ của kịch chính luận, mang đến câu chuyện xúc động cho người xem. Không khí Sài Gòn trước 1975 với các phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ Sài Gòn - những “lực lượng thứ 3” được tái hiện lại sinh động qua âm nhạc, với những bài hát quen thuộc “Bài ca dành cho những xác người” của nhạc sĩ Trịnh Công sơn và “Chuyện tình người lái đò bến Hạ” của Hoàng Thi Thơ… Vở kịch cũng được đạo diễn Lê Hùng khéo léo ứng dụng công nghệ màn hình led sinh động, hấp dẫn.
“Người thứ 3” kể về nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn hoạt động dưới vỏ bọc một danh ca Bạch Yến Tháng Tư (tên thật là Như Quỳnh - diễn viên Đào Thị Thanh Mai đóng) thường hát phục vụ những người lính Việt Nam cộng hòa trong ban nhạc Viễn Chinh. Vì nhiệm vụ cô đã phải kết hôn với kẻ thù - một thiếu tá quân lực Sài Gòn để tìm cách lấy bản kế hoạch tác chiến mà anh ta là tác giả. Câu chuyện được dẫn dắt bằng âm nhạc và công nghệ màn hình led trở nên sinh động, chạm tới cảm xúc người xem. Một khán giả nhận xét: “Việc Nhà hát kịch Công an nhân dân chọn làm vở kịch về chủ đề "lực lượng thứ ba" ở miền Nam trước năm 1975 khiến người xem xúc động về khát vọng hòa giải cho người Việt mình”.
Ngoài ra, nhà hát kịch nói Quân đội cũng mang đến hai vở diễn mới là “Nhân tình” và "Không gục ngã" . Vở diễn “Nhân tình” của tác giả Chu Thơm, do NSND Trần Ngọc Giàu đạo diễn. Nội dung vở diễn xoay quanh điều tra phá án của nữ cảnh sát Thúy (diễn viên Ngọc Anh vào vai) với nhóm tội phạm lạm dụng mạng xã hội để làm vỏ bọc, gây nhiễu loạn thông tin, khiến cho công tác điều tra gặp nhiều trở ngại. Đây cũng là một vấn đề nóng của xã hội hiện nay. Bắt tay vào cuộc điều tra, nữ cảnh sát Thúy và các đồng đội của mình nhờ biết tận dụng “thế trận lòng dân”, nên việc điều tra đã thu được kết quả tốt, giải oan cho Thành và vạch tội những kẻ cướp giật, lưu manh, trong đó có quý tử của một nữ đại gia; qua đó ca ngợi hình ảnh người nữ cảnh sát mưu trí, khôn khéo, kiên trì bảo vệ công bằng, bảo vệ lẽ phải và bình an cho người dân.
Vở kịch “Không gục ngã” (tác giả Nguyễn Đăng Chương, NSND Lê Hùng đạo diễn) mang hơi thở thời đại khi đề cập đến tinh thần chiến đấu, hy sinh của lực lượng phòng, chống ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng và Công an nhân dân; bên cạnh đó phản ánh những cám dỗ, ứng xử trong đời sống hiện nay của một số cán bộ, công chức.

Vở “Người thứ 3” của Đoàn kịch CAND.
Nhà hát Chèo Quân đội mang tới Liên hoan vở chèo “Vùng trời bình yên” do NSND Tự Long đạo diễn. Vở diễn xây dựng câu chuyện xoay quanh nhân vật Hoàng quyết tâm trở thành một chiến sĩ công an để tìm ra kẻ hại chết mẹ mình. Sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân, dù bố phản đối kịch liệt, Hoàng vẫn xung phong nhận công tác ở một xã biên giới đầy khó khăn. Theo đánh giá của giới chuyên môn, kịch bản vở chèo “Vùng trời bình yên” có nội dung tư tưởng tốt. Câu chuyện kịch có tính tuyên truyền, giáo dục cao. Kịch bản có bố cục chặt chẽ, hợp lý; xây dựng tính cách nhân vật đa dạng, phong phú. Tâm lý nhân vật phát triển đẩy lên cao, đấu tranh nội tâm gay gắt. Ngôn ngữ kịch có tính văn học, trong sáng… Đây là vở diễn phán ánh được những chủ trương mới trong lực lượng công an trong những năm qua, đó là đưa công an về xã.
Sân khấu kịch Hồng Vân đã nhiều lần tham gia Liên hoan sân khấu về hình tượng chiến sĩ công an và đối với họ, đây là một đề tài hấp dẫn. Họ không đi vào tôn vinh những chiến công mà phản ánh những góc khuất đời thường của người chiến sĩ - những trụ cột gia đình.
Năm nay, nhà hát Kịch Việt Nam mang tới Liên hoan một vở diễn sinh động về đề tài nóng hổi, đó là hình tượng những người lính cứu hỏa. “Ngược chiều bình an”- do Thiên Ân viết kịch bản và đạo diễn Kiều Minh Hiếu phản ánh sâu sắc cuộc chiến khốc liệt của những người chiến sĩ với giặc lửa. Lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) hy sinh trong vụ hỏa hoạn tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội năm 2022, vở kịch “Ngược chiều bình an” của Nhà hát Kịch Việt Nam mang đến những câu chuyện đầy xúc động về lòng quả cảm và sự hy sinh cao cả của người chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH.
NSND Tạ Tuấn Minh (tác giả kịch bản Thiên Ân) cho biết, sân khấu thường chú ý tới khai thác, đề cao những hình tượng và sự hy sinh của người chiến sĩ CAND. Nhưng trong vở kịch này, ê kíp sáng tạo mong muốn khai thác thật sâu về cuộc sống đời thường cũng như những khó khăn, vất vả và cả những nỗi sợ hãi của bản thân người lính, nỗi sợ hãi, thắc thỏm của những người thân trong gia đình mỗi khi có đám cháy… Chính những yếu tố đời thường, sâu thẳm trong nội tâm của người lính mới làm nên những điều vĩ đại.
NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu khẳng định: “Đề tài công an vẫn luôn là đề tài hấp dẫn của sân khấu vì thế mỗi mùa Liên hoan, các nhà hát lại mang đến những tác phẩm mới, hấp dẫn, bám sát đời sống, phản ánh cuộc chiến cam go của các chiến sĩ CAND trong thời đại mới. Sân khấu sẽ là một cầu nối hấp dẫn đưa hình tượng người chiến sĩ CAND đến gần hơn với công chúng”.