Đường về quê hương
Ngày Tết đã cận kề, người xa quê lại thăm hỏi nhau: 'Tết có về nhà không?'. Nhưng trong bối cảnh này không phải ai cũng dễ dàng có được 'đường về nhà'.
Những quy định khắt khe của nhiều địa phương về phòng chống dịch COVID-19 như phải cách ly nhiều ngày với người về từ vùng dịch, thậm chí có địa bàn đã khóa cổng người về nhà khiến nhiều người e ngại trở về.
Cũng có người do khó khăn về kinh tế cũng không thể tìm chút hơi ấm nơi quê nhà.
Không được về quê ăn Tết sau một năm biến cố đại dịch nhiều người rất buồn. Xa cha mẹ, người thân, ai cũng muốn gặp lại nhau để tìm chút an ủi khi chứng kiến nhiều tổn thương cuộc sống trong một năm qua.
Ở lại nơi đất khách, chúng ta phải tìm sự nương tựa ở đâu để không cảm thấy trống trải, để được an vui, không thấy tủi thân.
Đó là cách phải tạo dựng được “quê hương trong tâm hồn mình”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng nói: “Quê hương chính là con đường mình đang đi”.
Thiền sư viết: “Quê hương đích thực của mình là hải đảo tự thân. Ở đó có ánh sáng của chánh pháp, nơi đó không có sự tăm tối. Trở về thì có ánh sáng, trở về thì có sự bình an, có an ninh. Tại vì hải đảo là nơi an toàn, không bị những đợt sóng của đại dương cuốn đi.
Hình ảnh hải đảo là một hình ảnh rất quan trọng. Trong những bài pháp thoại nho nhỏ mà Đức Thế Tôn đã nói trong những ngày đó, luôn luôn có đề tài “quay về nương tựa hải đảo tự thân”. Chúng ta có một bài hát Attadipasarana, “sarana” là quay về nương tựa. “Quay về nương tựa hải đảo tự thân”, đó là pháp môn.
Nếu ai trong chúng ta cảm thấy chưa có quê hương, chưa có nhà, chưa về tới nơi, vẫn thao thức, vẫn đi tìm, vẫn còn cảm thấy cô đơn… thì đây chính là phương pháp thực tập. Hãy trở về nương tựa nơi hải đảo tự thân”.
Sự thật thì xa vắng người thân trong đêm 30 Tết, lòng sẽ cô quạnh. Muốn uống ly trà với cha mẹ, anh chị em mà không thể. Nhưng không vì thế mà cảm thấy bị lụy, rời bỏ, cô độc quá. Chúng ta phải tự tìm thấy chính mình, thấy bóng người thân vẫn bên cạnh, vẫn vui vầy. Như vậy, con đường về quê hương không còn xa nữa, sự lạnh lẽo đã được an ủi phần nào.
Đó chính là cách chúng ta đã “trở về nhà”, dù cách xa về địa lý, muôn trùng bước chân.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh bày tỏ: “Thành ra khi mình hỏi: “Quê hương của tôi ở đâu?”, thì quê hương của anh nó nằm trong mỗi bước chân, trong mỗi hơi thở của anh. Nếu anh có một ít niệm, một ít định và tuệ thì mỗi bước chân của anh là quê hương, mỗi hơi thở của anh là quê hương. Chúng ta phải thực tập và thực tập ngay bây giờ”.
Mong rằng những lời dặn dò của Sư ông Làng Mai cho chúng ta vững chãi tâm hồn khi ngày Tết đã cận kề, mùa Xuân tươi mới đã về....
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/duong-ve-que-huong-post431761.html