'Dứt khoát không để bảo hiểm trở thành gánh nặng rủi ro'
Tại Tọa đàm 'Bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm' do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 2.6, các đại biểu cho rằng, những vụ việc lùm xùm của bảo hiểm nhân thọ thời gian qua đã ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường bảo hiểm và niềm tin trong xã hội về bảo hiểm. Do đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để thị trường phát triển ổn định, với mục tiêu 'dứt khoát không để bảo hiểm trở thành gánh nặng rủi ro'.
Lùm xùm của bảo hiểm nhân thọ tác động tiêu cực tới toàn thị trường
Bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, ngành bảo hiểm đã đóng góp rất tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm. Tuy nhiên, chất lượng phát triển còn hạn chế, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng.
Cụ thể, đã phát sinh những vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, chăm sóc, giải quyết quyền lợi cho khách hàng. Đặc biệt, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng vốn có ưu điểm lớn trong việc tiết giảm chi phí cho người dân, song có tình trạng nhân viên ngân hàng mời chào, lôi kéo, tư vấn không đầy đủ, thậm chí ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm bảo hiểm mới cho vay vốn (trong khi hành vi ép buộc khách hàng đã bị cấm).
Điều đáng nói, những vụ việc lùm xùm của bảo hiểm nhân thọ đã tác động tiêu cực tới toàn bộ thị trường. Ông Đỗ Minh Hoàng, Quyền Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) xác nhận, sau hơn 2 năm chịu tác động của dịch bệnh, doanh nghiệp đã rất trông chờ vào sự khởi sắc trong năm nay. Tuy nhiên, từ tháng 2.2023, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cùng Ngân hàng Nhà nước liên tục có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp liên quan rà soát, báo cáo; Ngân hàng Agribank cũng tiến hành kiểm tra khiến ABIC phải tập trung nguồn lực cho các hoạt động này. Bởi thế, dù thuần túy kinh doanh sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ song 5 tháng đầu năm nay, ABIC chịu mức tăng trưởng âm so với năm 2022.
Lý giải những hạn chế của thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua, bà Phương cho rằng mặc dù pháp luật đã quy định rõ nghĩa vụ của doanh nghiệp cũng như đại lý bảo hiểm song chất lượng một số đại lý chưa cao, tư vấn chưa đầy đủ, khách quan, nhất là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư - nguyên nhân chính dẫn đến bức xúc trong dư luận thời gian qua. Một số doanh nghiệp bảo hiểm chưa chú trọng công tác đào tạo đại lý, hoặc tập trung vào kỹ năng bán hàng mà chưa chú trọng kiến thức chuyên môn cho đại lý. Thêm vào đó, công tác giải quyết khiếu nại chưa kịp thời, thỏa đáng đã nên gây bức xúc cho người dân.
Chính những hạn chế trên khiến thị trường bảo hiểm nhân thọ đi ngược lại bản chất nhân văn của mình, làm suy giảm lòng tin của người tham gia bảo hiểm và cần phải chấn chỉnh lại, bà Phương phát biểu.
Chia sẻ với ý kiến trên, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đã có nhiều quy định để phát triển lành mạnh thị trường bảo hiểm, như phải tư vấn trung thực, đầy đủ, không lừa dối khách hàng… Nguyên nhân chính là do thực thi pháp luật chứ không phải do chất lượng quy định, ông Hiếu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hiếu, để xảy ra tình trạng thị trường bảo hiểm có sự lộn xộn thời gian qua có trách nhiệm không chỉ của Bộ Tài chính mà cả các cơ quan như ngân hàng, đại lý, doanh nghiệp bảo hiểm. Song, cũng có một phần từ phía khách hàng đã không tìm hiểu kỹ. Nếu như khách hàng không có ý thức tự bảo vệ mình thì đôi khi can thiệp chính sách lại ngày càng méo mó, ông Hiếu khuyến cáo.
Sớm ban hành Nghị định hướng dẫn
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 với các quy định mang tính toàn diện được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho thị trường phát triển. Tuy nhiên, theo ông Phan Đức Hiếu, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
Nhấn mạnh cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý chặt chẽ, rõ ràng, đồng bộ, thống nhất, bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý, phải bảo đảm tốt nhất công khai, minh bạch, bình đẳng quyền lợi giữa các bên, tăng tính hiệu quả trong quản lý nhà nước. Đồng thời, cần tăng cường giám sát và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng - điều kiện không thể thiếu để các hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển ổn định và bảo vệ được người tham gia mua bảo hiểm.
Cùng với đó, cơ quan quản lý cần hoàn thiện quy định về chuẩn hóa chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm, kiểm soát chặt chẽ công tác đào tạo, thi cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm. Bộ Tài chính cần xem xét lại và kiểm soát quá trình thực thi việc triển khai ký các hợp đồng bảo hiểm hiện nay theo hướng mẫu hợp đồng bảo hiểm đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp cận đối với người tham gia bảo hiểm.
Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường quản lý, chấn chỉnh ngân hàng thương mại trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm. Trường hợp cần thiết, cần phối hợp Bộ Tài chính tiến hành thanh tra, giám sát các doanh nghiệp, ngân hàng có liên quan.
Về phía doanh nghiệp, cần đào tạo tư vấn viên để phục vụ khách hàng tốt nhất. Không chỉ doanh nghiệp bảo hiểm mà ngân hàng thương mại cũng nên có sự phối hợp để đào tạo nhân sự. Đồng thời, nên phân định rõ trách nhiệm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng thương mại.
Về phía người tham gia bảo hiểm, theo quy định, có 21 ngày để cân nhắc trước kể từ ngày nhận hợp đồng bảo hiểm. Do đó, cần tận dụng tốt thời gian này để tìm hiểu, tham khảo thật kỹ trước khi ký vào hợp đồng.
Với quan điểm “dứt khoát không để bảo hiểm trở thành gánh nặng rủi ro”, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cả bên bán và bên mua phải chuẩn bị tâm thế, kiến thức, thái độ, kỹ năng nhất định để tham gia vào quan hệ kinh tế này. Cùng với đó, cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm; tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong quản lý hoạt động này.
Một lưu ý nữa được ông Nhưỡng chỉ ra là cần phân định rõ vấn đề nào chuyển lực lượng công an giải quyết và vấn đề nào không, để tránh hình sự hóa quan hệ kinh tế.
Khi thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, các đại biểu tin tưởng, thị trường bảo hiểm sẽ phát triển ổn định, lành mạnh!