Duy trì 2% kinh phí Công đoàn

Đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình việc tiếp tục duy trì 2% kinh phí Công đoàn để có nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, người lao động trực tiếp dưới cơ sở

Sáng 18-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Hầu hết các đại biểu (ĐB) phát biểu đều đồng tình giữ 2% kinh phí Công đoàn (CĐ) như quy định hiện hành được thể hiện tại Điều 29 dự thảo luật: "Kinh phí CĐ do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (NLĐ)".

Cần cơ chế cho CĐ thực thi

Đồng tình với dự thảo luật về duy trì giữ 2% kinh phí CĐ, theo ĐB Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam), kinh phí CĐ là nguồn thu hợp pháp của CĐ Việt Nam hình thành từ năm 1957 và được pháp luật Việt Nam công nhận. Nguồn kinh phí này đã được CĐ Việt Nam sử dụng công khai, minh bạch vào mục đích chính là chăm lo đời sống của đoàn viên và NLĐ tại cơ sở; hỗ trợ hoạt động của cán bộ CĐ cũng như phục vụ hoạt động của CĐ.

Đồng thuận duy trì nguồn thu này, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng kinh phí CĐ 2% là nội dung đã thực hiện ổn định, lâu dài trong nhiều chục năm qua và không phát sinh nhiều vướng mắc trên thực tế. Về quản lý, sử dụng tài chính CĐ tại Điều 30, bà Nga đề nghị nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỉ lệ phân bổ kinh phí CĐ, không quy định cứng tỉ lệ 25% và 75% như khoản 2 Điều 30 dự thảo, mà chỉ nên quy định các cấp CĐ cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, phần còn lại được phân phối cho CĐ cơ sở (CĐCS) và tổ chức của NLĐ tại DN.

ĐB Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đề nghị cần có chế tài đủ mạnh để thực hiện nghiêm túc việc đóng kinh phí CĐ, tránh tình trạng cơ quan, tổ chức, DN nợ nguồn kinh phí này. Theo ĐB Hải, nguồn kinh phí CĐ được sử dụng mang lại lợi ích cho cả NLĐ và người sử dụng lao động. Mặt khác, tài chính CĐ là độc lập, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Nếu giảm kinh phí CĐ sẽ dẫn đến các phúc lợi giảm, ảnh hưởng đến việc thu hút NLĐ vào tổ chức CĐ. Bên cạnh đó, ông Hải đề nghị trường hợp DN khi gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí CĐ thì được xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) đề xuất cần dành một mục riêng để quy định về trách nhiệm và quyền hạn của CĐCS bởi CĐCS có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động của hệ thống CĐ, là nơi trực tiếp triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, chức năng, nhiệm vụ của CĐ. CĐCS mạnh thì tổ chức CĐ mới mạnh.

Về quyền, trách nhiệm của CĐ trong dự thảo luật, ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng quy định tương đối đầy đủ, nhưng quan trọng hơn là cần cho CĐ một cơ chế để thực thi được các quyền và trách nhiệm đó. Thực tế hiện nay, CĐCS được ví như một "cậu bé tí hon" nhưng đang phải khoác trên mình một cái áo quá lớn, lúng túng và bất lực. "Cán bộ CĐCS đều hưởng lương từ DN, luôn chịu sức ép từ người sử dụng lao động, điều này rất khó tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động. Cần thiết phải cụ thể hóa cơ chế này bằng pháp luật để CĐ độc lập hơn với người sử dụng lao động. Trước hết là độc lập về tổ chức, chủ động về tài chính và có một chính sách bảo vệ cán bộ CĐ hữu hiệu" - ĐB Thường nói.

Ngoài ra, cần có quy định khi sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải có ý kiến bằng văn bản của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở, vì nếu quy định có ý kiến bằng văn bản của CĐCS thì sẽ rất dễ CĐCS bị thao túng, gây sức ép để hợp lý hóa việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với cán bộ CĐCS của người sử dụng lao động.

ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đề nghị tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác đối với cán bộ CĐ chuyên trách ở các DN nên lấy kinh phí từ CĐ cấp trên để chi trả, để cán bộ CĐ toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ tại DN đó.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luậnẢnh: Lâm Hiển

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luậnẢnh: Lâm Hiển

Trao quyền chủ động quyết định số lượng cán bộ

ĐB Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng) đánh giá dự thảo quy định việc tăng quyền chủ động của tổ chức CĐ trong công tác cán bộ tại khoản 3, 4 của Điều 26 là phù hợp và sẽ tạo ra sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống CĐ; khắc phục tình trạng các địa phương có điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội giống nhau nhưng được giao số lượng biên chế khác nhau, khắc phục tình trạng cào bằng trong phân bổ biên chế.

Theo ĐB Minh, điều này có ý nghĩa rất lớn trong giai đoạn hiện nay khi pháp luật cho phép ra đời tổ chức NLĐ tại DN. Việc phân bổ biên chế đi đôi với việc cân đối nguồn lực tài chính bảo đảm chi hành chính, chi cho hoạt động phong trào của các cấp CĐ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính CĐ; đồng thời nâng cao trách nhiệm trong quản lý biên chế, quản lý sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ CĐ.

Ông Minh đánh giá việc trao quyền chủ động cho Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định số lượng cán bộ CĐ là lao động hợp đồng trong các cơ quan chuyên trách và ở CĐCS nhằm bảo đảm sự chủ động, linh hoạt trong bố trí cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển đoàn viên trong từng giai đoạn, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức CĐ.

ĐB Hà Phước Thắng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách TP HCM, nhận định trong thời gian qua, các quy định về tổ chức bộ máy CĐ và cơ chế quản lý cán bộ CĐ đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp. Cơ chế giao cho cơ quan có thẩm quyền tại địa phương giao biên chế cho tổ chức CĐ địa phương trong biên chế chung được cấp trên giao cho khối MTTQ và các đoàn thể chính trị, dẫn đến sự không đồng bộ về biên chế trong cùng một cấp CĐ.

Theo ông Thắng, việc phân bổ biên chế do cơ quan có thẩm quyền tại địa phương quyết định, trong khi việc bảo đảm nguồn tài chính là do CĐ cấp trên quyết định, dẫn đến việc thiếu đồng bộ trong việc phân bổ nhân lực và nguồn lực bảo đảm. Tình trạng không điều tiết được từ nơi thừa sang nơi thiếu về biên chế cán bộ CĐ trong phạm vi cả nước hay trong phạm vi của một tỉnh, một thành phố cũng là vấn đề bất cập trong quản lý biên chế cán bộ CĐ hiện nay.

ĐB Hà Phước Thắng nhấn mạnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh về số lượng DN, NLĐ, nhiệm vụ CĐ càng đặc thù càng nặng nề nhưng biên chế CĐ tại rất thấp so với yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Do đó, việc đề xuất tăng thêm thẩm quyền cho Tổng LĐLĐ trong công tác cán bộ như trong dự thảo luật là phù hợp với tình hình hiện nay và với xu hướng phát triển của CĐ trong thời gian tới.

Hôm nay (19-6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Văn Duẩn - Huy Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/duy-tri-2-kinh-phi-cong-doan-196240618213029874.htm