Duy trì mức đóng kinh phí công đoàn 2%
Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua giữ nguyên quy định về kinh phí công đoàn 2% như hiện hành, đồng thời bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của công đoàn.
Sáng nay (27/11), thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi).
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua luật này.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 443/456 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,48% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) với đa số đại biểu tán thành.
Luật Công đoàn (sửa đổi) được thông qua gồm 6 chương với 37 điều, tăng 4 điều so với luật hiện hành. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, một trong những điểm mới cơ bản của Luật Công đoàn (sửa đổi) là duy trì mức đóng kinh phí công đoàn 2%, cùng với đó sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn; bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn sau khi thống nhất với Chính phủ.
Luật cũng bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn và Chính phủ quy định về các trường hợp này sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Việc miễn, giảm, tạm dừng kinh phí công đoàn có tác động trực tiếp đến việc cân đối nguồn tài chính công đoàn, bảo đảm nguồn lực cần thiết của toàn hệ thống công đoàn, phân phối kinh phí của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu, để bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ, hoạt động thực tiễn của công đoàn và đề xuất của cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, thể hiện thống nhất về đối tượng được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn, bổ sung quy định “Chính phủ thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” khi quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn tại Điều 30 của dự thảo luật.
Bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn
So với luật hiện hành, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có một số điểm mới cơ bản như sau: Người lao động Việt Nam làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
Bổ sung quyền gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở (không có quyền thành lập và không trở thành cán bộ công đoàn) của người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam; bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Xác định và phân định rõ “Công đoàn Việt Nam” với “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”, quy định rõ 4 cấp công đoàn. Đồng thời, khẳng định “Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động”. Bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của công đoàn.
Bổ sung trách nhiệm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam định kỳ 2 năm báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước, định kỳ 2 năm một lần, thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn và thực hiện kiểm toán đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/duy-tri-muc-dong-kinh-phi-cong-doan-2-post847187.html