Duy trì mức thu 2% kinh phí công đoàn để chăm lo tốt hơn cho người lao động
Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV vừa qua, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trình bày báo cáo về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) để Quốc hội xem xét, cho ý kiến và sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
Trong đó, vấn đề được nhiều người đồng tình tại dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) là vẫn giữ nguyên mức đóng 2% kinh phí công đoàn, góp phần làm cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động.
Theo Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012, tài chính công đoàn bao gồm các nguồn thu: Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ; nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thực tế có nhiều đoàn viên công đoàn chưa hiểu rõ vai trò của đoàn phí, kinh phí công đoàn hằng tháng trích nộp từ tiền lương của mình được sử dụng như thế nào, phải đến khi gặp khó khăn, có sự hỗ trợ của công đoàn, họ mới tin tưởng và đồng hành với công đoàn, nhất trí cao với khoản thu kinh phí công đoàn 2%.
7 năm gắn bó với công việc buồng, phòng tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng là từng ấy thời gian chị Nguyễn Thị Thu Vân (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) đóng đoàn phí công đoàn. Thời gian đầu, khi chưa hiểu rõ về kinh phí công đoàn, chị Vân cảm thấy việc đóng chi phí này là không phù hợp và không nhất thiết phải tham gia. “Sau đó, tôi thấy quỹ đóng góp tuy nhỏ nhưng lại rất cần thiết với người lao động. Như ở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, vào những ngày nắng nóng hơn 40 độ C, chúng tôi sẽ được công đoàn hỗ trợ đường, sữa, nước chanh. Hay như khi bố mẹ tôi qua đời vì nhiễm Covid-19, biết được hoàn cảnh khó khăn của tôi, công đoàn thường xuyên quan tâm hỗ trợ rất nhiều về vật chất cũng như tinh thần. Sự chăm lo của công đoàn khiến tôi mong muốn gắn bó với công việc này lâu dài”, chị Vân cho biết.
Hay như trường hợp của anh Nguyễn Văn Tưởng (công nhân Công ty TNHH Cơ điện tử CAD TECH ở huyện Đông Anh, TP Hà Nội) bị tai nạn giao thông năm 2013, phải cắt bỏ một bên chân, chân còn lại bị di chứng khiến việc đi lại rất khó khăn. Một thời gian ngắn sau, vợ anh phát hiện bị ung thư tuyến giáp, khiến khó khăn chồng chất. Biết được hoàn cảnh của anh, công đoàn công ty thường xuyên đến động viên, tặng quà, hỗ trợ gia đình. Cùng với đó, công đoàn cũng đề xuất với lãnh đạo công ty sắp xếp cho anh Tưởng công việc phù hợp. Anh Tưởng cho biết: “Tôi thường xuyên nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức công đoàn rất đúng lúc và kịp thời. Những phần quà, sự động viên giúp gia đình tôi có thêm động lực vượt qua khó khăn trước mắt và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”.
Tại khoản b, Điều 29 dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) tiếp tục đề xuất: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”. Quy định vẫn duy trì 2% kinh phí công đoàn được đại diện công đoàn các địa phương, các ngành đồng tình nhất trí. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Thị Hồng Lê, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tây Hồ (TP Hà Nội) cho biết: “Mức thu kinh phí công đoàn 2% là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người sử dụng lao động, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt là bảo đảm chăm lo ngày càng tốt hơn cho người lao động, tạo mối quan hệ hài hòa, gắn kết giữa người lao động, tổ chức công đoàn và doanh nghiệp”.
Tìm hiểu thực tế tại ngành đường sắt, chúng tôi nhận thấy, trong thời gian qua, công đoàn không chỉ bảo vệ mà còn luôn đồng hành với người lao động trong chuyên môn để duy trì sản xuất và phát triển bền vững doanh nghiệp. Ông Mai Thành Phương, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam cho biết: “Nguồn thu từ kinh phí công đoàn 2% mà doanh nghiệp phải đóng là yếu tố quan trọng quyết định đến hoạt động của tổ chức công đoàn. Mục tiêu chính của chúng tôi là bảo vệ và chăm lo quyền lợi vật chất cũng như tinh thần cho người lao động khó khăn. Trong lúc người lao động cần nhất thì công đoàn luôn có mặt, điều này cho thấy vai trò cầu nối của công đoàn giữa người lao động và doanh nghiệp để cùng nhau phát triển, vì mục đích chung”.
Từ năm 2019 đến 2022, có thời gian ngành đường sắt rơi vào những thời khắc khó khăn, tuy nhiên, công đoàn đã có mặt kịp thời bằng những hành động cụ thể vận động người lao động vượt qua khó khăn. Bên cạnh việc thăm hỏi đoàn viên, người lao động thường xuyên, đột xuất, Công đoàn ngành đường sắt Việt Nam cũng có nhiều mô hình, cách làm hay như triển khai Chương trình "Tết sum vầy" tại 34 tỉnh, thành phố với 300 khu ga có đường sắt đi qua; xây dựng hơn 100 ngôi nhà tặng công nhân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ để học sinh nghèo có điều kiện tiếp tục được đến trường...
Theo đồng chí Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hiện nay của người lao động là khoảng 5,7 triệu đồng/tháng thì trong một năm, doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn cho mỗi đoàn viên là khoảng 1,4 triệu đồng. Tuy nhiên, 75% số kinh phí công đoàn đã đóng này (hơn 1 triệu đồng) sẽ được trích về cho công đoàn cơ sở để chăm lo cho đoàn viên, người lao động khi ốm đau, gia đình gặp khó khăn, tặng quà Tết, quà sinh nhật, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao... Còn lại 25% khi nộp về công đoàn cấp trên cũng được trích ra 80% để tiếp tục chăm lo cho đoàn viên và người lao động trên toàn quốc, chi cho quá trình đào tạo nâng cao tay nghề, hoạt động văn hóa, thể thao, tặng quà các dịp lễ, tết...
Có thể thấy, việc duy trì đóng 2% kinh phí công đoàn như hiện nay là phù hợp, nhằm bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và có tích lũy để hỗ trợ đoàn viên, người lao động, nhất là trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn. Việc duy trì tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn cũng chính là chia sẻ, đồng hành với Chính phủ giúp người lao động ổn định cuộc sống.