Duy trì sản xuất lương thực thực phẩm các tỉnh phía Bắc

Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Bắc của Bộ NN&PTNT mới có cuộc họp với một số địa phương để ra phương án mở rộng diện tích, tăng quy mô chăn nuôi gia súc gia cầm, sử dụng giống chất lượng để tăng quy mô, hiệu quả sản xuất.

 Sản xuất nông nghiệp phía Bắc được xác định sẽ tạo nguồn cung lương thực bù đắp thiếu hụt thời gian tới - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Sản xuất nông nghiệp phía Bắc được xác định sẽ tạo nguồn cung lương thực bù đắp thiếu hụt thời gian tới - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Giảm giá ngoài quy luật

Bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và thích ứng với điều kiện phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm của Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Bắc trong điều kiện dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc bù đắp sản lượng cho những địa phương bị ảnh hưởng do dịch cũng được tính đến cho giai đoạn tới.

Theo ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục chế biến và thị trưởng nông sản (Bộ NN&PTNT) hiện việc khó tiêu thụ các sản phẩm nông sản trong mùa dịch, đặc biệt là khu vực phía Nam khiến giá trị nông sản rơi vào cảnh bị thấp theo hướng “hạ giá thành ngoài quy luật”. Ông Duy phân tích: “Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí vận chuyển tăng cao nhưng nông, lâm thủy sản bán ra từ nơi sản xuất vẫn thấp.

Cùng với đó là việc siết chặt kiểm soát dịch của địa phương, đã gây ra những khó khăn với các lao động nông nghiệp phải ra vườn, ruộng, trang trại… để sản xuất trực tiếp. Việc này dẫn đến hệ quả người nông dân sẽ khó có thể tái sản xuất trong thời gian tới, nên việc thiếu hụt nông, lâm thủy sản cục bộ hoàn toàn có thể xảy ra. Cần phải đánh giá được nhu cầu lương thực của từng địa phương, nhưng phải cụ thể đến từng phường xã vì việc giãn cách hiện nay có thể tạo khan hiếm lương lực cục bộ, diện hẹp.

Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản cả nước 7 tháng qua tiếp tục tăng 26,7%, đạt 28,6 tỷ USD, suất siêu khoảng 3,9 tỷ USD. Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 đến sản xuất, chế biến, lưu thông, cung ứng nông sản và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các địa phương phía Bắc, nhất là các địa phương đang có những khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng sản xuất lương thực, thực phẩm qua 7 tháng đầu năm và dự kiến kế hoạch trong những tháng cuối năm 2021 cơ bản bảo đảm nguồn cung trên thị trường.

Điển hình như tại tỉnh Bắc Giang, ngay sau khi dịch COVID-19 được khống chế trên địa bàn, ngành nông nghiệp địa phương đã tập trung khôi phục sản xuất, tháo gỡ những khó khăn trong khâu chế biến cũng như tiêu thụ nông sản.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành của địa phương qua 6 tháng đầu năm đạt hơn 3%, gấp hơn 3 lần kế hoạch đề ra. Từ nay đến cuối năm, Bắc Giang sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện không để dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi, phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp khoảng 4,6%, vượt kế hoạch hơn 2%. Theo đó, không chỉ đáp ứng nguồn cung trong tỉnh về lương thực, thực phẩm mà sẽ có 40% sản lượng nông sản cung ứng ra các tỉnh lân cận.

Ông Tùng nhấn mạnh: “Bắc Giang rất quan tâm đến tổ chức sản xuất theo các chuỗi liên kết, đặc biệt đã hình thành các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, từ đó tổ chức kết nối với các siêu thị, điểm bán hàng tại các thành phố lớn như Hà Nội về rau quả và thực phẩm. Hiện nay sản phẩm nông nghiệp Bắc Giang đã được duy trì và khôi phục rất tốt nên thực phẩm cung ứng cho Hà Nội cũng như thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng”.

Các tỉnh cần linh hoạt chuỗi cung ứng

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay, ngành nông nghiệp các địa phương khu vực phía Bắc cần tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bảo đảm sản xuất cung ứng không những đáp ứng nhu cầu nội tỉnh mà còn cho TP. Hà Nội và các địa phương trong khu vực.

Ông Cường nhìn nhận: “Sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất trồng trọt nói riêng hiện tập trung chủ yếu ở tỉnh Hải Dương và Bắc Giang. Đây cũng là nơi liên thông với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía Nam và phục vụ xuất khẩu. Do vậy, ngoài những bài học, kế hoạch và phương án chủ động của địa tỉnh thì cũng cần phải phối hợp với Bộ NN&PTNT cũng như các bộ, ngành liên quan và những địa phương khác trong sản xuất và tiêu thụ”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, bên cạnh mục tiêu phòng chống dịch, ngành nông nghiệp các địa phương, nhất là các tỉnh phía Bắc cần có sự linh hoạt trong chỉ đạo và triển khai trong chuỗi cung ứng. Đồng thời phải kịp thời tháo gỡ những khó khăn ảnh hưởng đến tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hóa. Đây là việc cần làm ngay để có thể chủ động về thị trường và tiêu thụ nông sản, không chỉ đáp ứng đủ lương thực thực phẩm tại chỗ mà còn cung ứng cho các tỉnh lân cận và chuẩn bị khối lượng nông sản phục vụ cho giai đoạn hậu dịch COVID-19 tại các địa phương phía Nam.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: “Hiện nay quy mô nông nghiệp của Hà Nội vẫn bảo đảm tăng trưởng hơn 3%, Nghệ An là 4,9%, Thanh Hóa cũng ở mức cao. Các tỉnh phía Bắc phải tập trung chỉ đạo sản xuất để vừa cung cấp nội tỉnh đồng thời đáp ứng nhu cầu nguồn cung. Khi dịch bệnh được khống chế nhu cầu tiêu dùng lương thực thực phẩm sẽ tăng trở lại, khi đó nếu các tỉnh phía Nam ảnh hưởng bởi COVID-19 không đáp ứng đủ nhu cầu thì sẽ có nguồn nông sản để hỗ trợ cung ứng cho các tỉnh. Như vậy, vừa bảo đảm chống dịch, vừa tăng trưởng và xuất khẩu đó là những chỉ tiêu quan trọng Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT”.

Những tháng cuối năm, theo dự báo, dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường, Bộ NN&PTNT đặt quyết tâm cao nhất trong chỉ đạo và điều hành sản xuất, tiêu thụ nông sản, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, vừa góp phần cung ứng cho các tỉnh, thành phố có khả năng thiếu hụt nông sản do dịch ảnh hưởng đến sản xuất.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/duy-tri-san-xuat-luong-thuc-thuc-pham-cac-tinh-phia-bac/442511.vgp