Duy trì tăng trưởng cao và bền vững
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, cả nước muốn tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong năm 2025 thì tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và khu vực kinh tế đều phải tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm, mới đảm bảo được mục tiêu đề ra.
Sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương trong thực hiện kết luận của trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế (GDP).
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang. Dự họp còn có đại diện các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Quảng Ngãi.
>> Xem video: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế là yếu tố quan trọng, tác động tới quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xếp hạng quy mô tăng trưởng GDP trên thế giới. Việc duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục trong thời gian từ nay đến năm 2045, sẽ góp phần đạt được các mục tiêu chiến lược; thực hiện khát vọng trong kỷ nguyên mới, phát triển đất nước giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng; nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc.
Từ thực tiễn và yêu cầu phát triển đặt ra, Chính phủ đã trình với Trung ương Đảng, Quốc hội ban hành kết luận, nghị quyết phấn đấu đạt tăng trưởng GDP cả nước từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn đến; đồng thời, giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể trong năm 2025 cho các địa phương.
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát những vướng mắc, khó khăn và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để đảm bảo đạt được mục tiêu về tăng trưởng GDP trong thời gian đến.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, đối với tỉnh Quảng Ngãi, trước khi có Nghị quyết 25/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh đã chủ động trong việc đưa ra mục tiêu thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn tỉnh năm 2025 từ 7,5% - 8,5%. Sau khi có kế hoạch của trung ương, tỉnh cũng đã thống nhất điều chỉnh, phấn đấu đạt tăng trưởng GRDP từ 8,5% trở lên trong năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã và đang chú trọng khắc phục những tồn tại, hạn chế và tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh vào ngày 9/2/2025.
Xác định công nghiệp và xây dựng là động lực trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, để tạo nguồn thu lớn trong năm 2025; chú trọng phát triển vào một số ngành công nghiệp mũi nhọn. Tỉnh quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025 và coi đây là nhiệm vụ quan trọng cần có sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị để triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh. Quyết tâm thu ngân sách nhà nước đạt và vượt dự toán trung ương giao.
Cùng với đó, tập trung tái cơ cấu lại ngành, lĩnh vực quan trọng, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất lao động, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Chú trọng thu hút nhà đầu tư tiềm lực vào triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, ưu tiên tại KKT Dung Quất và huyện Lý Sơn.
Cùng với các giải pháp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang kiến nghị Bộ NN&MT xem xét, hướng dẫn hoặc ban hành quy định thống nhất về xác định vi phạm pháp luật đất đai của người sử dụng đất; tạo thuận lợi cho việc xác minh thủ tục cho thuê đất, giao đất cho nhà đầu tư. Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể về cơ chế tiếp nhận, sử dụng kinh phí và hoàn trả kinh phí khi nhà đầu tư tự nguyện ứng trước để cơ quan nhà nước xây dựng các dự án tái định cư.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: VGP.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong thời gian đến, các bộ, ngành, địa phương tập trung quyết liệt trong công tác tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ đề ra, đảm bảo tăng trưởng GDP của cả nước đạt từ 8% trở lên trong năm 2025.
“Tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội và giữ gìn môi trường; tuyệt đối không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý.
Các bộ, ngành, địa phương chú trọng việc thực hiện có hiệu quả các văn bản, hướng dẫn, chỉ đạo của trung ương. Chủ động, sáng tạo trong xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương; đồng thời, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị cấp dưới. Người đứng đầu phải xác định rõ vai trò và trách nhiệm, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo lộ trình từng giai đoạn đề ra.
Để duy trì tăng trưởng nhanh, bền vững, các bộ, ngành, địa phương cần làm mới các động lực truyền thống như đẩy mạnh tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu dùng; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng. Song song đó, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và khai thác không gian phát triển mới, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững. Chú trọng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và đầu tư cho nguồn nhân lực trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ.