Duy trì văn hóa đọc cho học sinh
Bằng sự tâm huyết, sáng tạo, cô giáo Phạm Thanh Minh, giáo viên môn Vật lý của Trường THCS Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã dùng công nghệ để duy trì, lan tỏa tình yêu đọc sách đến với học sinh.
Nói về ý tưởng đưa văn hóa đọc vào nhà trường, cô giáo Phạm Thanh Minh chia sẻ: "Vốn là người yêu sách cho nên tôi đã luôn khao khát xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh. Thời gian vừa qua dạy học trực tuyến, các em tiếp xúc nhiều với máy tính, với công nghệ cho nên tạo thói quen đọc sách càng trở nên cần thiết. Vì vậy, tôi đã đề xuất Ban giám hiệu xây dựng một môi trường thuận lợi để hình thành văn hóa đọc". Theo cô giáo Minh, để học sinh hứng thú, chủ động đọc sách, giáo viên cần lan tỏa, tạo môi trường văn hóa đọc mọi lúc, mọi nơi như: tại thư viện, trong lớp hay tại nhà.
Ngay từ đầu năm học, cô Minh đã xây dựng kế hoạch đọc sách có định hướng cho học sinh thông qua phương pháp đọc sách và lựa chọn các chủ đề phù hợp với sở thích của các em. Các tiết học của cô giáo Minh dù là trực tuyến hay trực tiếp đều cuốn hút học sinh học tập. Các tiết dạy của cô được thiết kế với những hoạt động trò chơi, thí nghiệm vui mà học sinh có thể thực hiện trong tiết học như: Làm một chiếc điện thoại bằng giấy; làm thế nào để quả trứng có thể chìm, nổi, lơ lửng hay chiếc bát nổi hay chìm trong nước... Việc tạo hứng thú đọc sách cho học sinh của cô giáo Minh tại trường bước đầu được đi đúng hướng. Trong khuôn viên Trường THCS Thanh Xuân Trung, tại các lớp học hay cả ở nhà, thầy cô, cha mẹ dễ dàng bắt gặp hình ảnh học sinh cầm sách trên tay và say mê tìm hiểu, khám phá kiến thức.
Ðáng chú ý, thời gian học trực tuyến, học sinh không có cơ hội đến trường đọc sách tại thư viện; các cô cũng không thể giám sát để biết được học sinh của mình có đọc sách sau khi kết thúc buổi học chính khóa hay không. Vì thế, cô Minh lại tiếp tục nghĩ suy, trăn trở để duy trì thói quen đọc sách cho học sinh, trong khi những thiết bị công nghệ, những iPad, điện thoại thông minh luôn có sức hút lớn đối với các em. Do đó, cô Minh đã có sáng kiến duy trì văn hóa đọc trong giai đoạn học trực tuyến bằng việc sử dụng các phần mềm minh họa những cuốn sách đã đọc. Vì vậy, cô bắt tay ngay vào thực hiện ý tưởng. Ðầu tiên, cô hướng dẫn học sinh tìm hiểu và sử dụng các phần mềm để minh họa cho các cuốn sách rồi chèn âm thanh, thuyết minh, tạo hiệu ứng di chuyển của kho ảnh các nhân vật trong nhiều tác phẩm văn học. Thông qua sử dụng các phần mềm minh họa những cuốn sách đã đọc giúp cho việc đọc sách và giới thiệu sách của học sinh trở nên lôi cuốn, hấp dẫn, lan tỏa hơn.
Duy trì văn hóa đọc cho học sinh trong thời gian học trực tuyến thông qua sử dụng các phần minh họa đã giúp học sinh đọc lại cuốn sách nhiều lần, dễ ghi nhớ, hiểu rõ nội dung câu chuyện. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, học sinh lại phát hiện được các nhân vật mới trong kho dữ liệu của phần mềm; điều này giúp thúc đẩy mong muốn học sinh tìm hiểu các cuốn sách mới để đọc. Trong giai đoạn học trực tuyến, học sinh Trường THCS Thanh Xuân Trung vẫn duy trì được thói quen đọc sách, đam mê tìm kiếm những cuốn sách hay để đọc; số lượng sách mà học sinh đọc cũng được tăng lên đáng kể. Học sinh đã biết bộc lộ những năng lực và phẩm chất của mình trong các tình huống thực tế của cuộc sống; biết yêu thương, chia sẻ.
Nhận xét về đồng nghiệp, cô giáo Trịnh Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân Trung cho biết, những nỗ lực và cố gắng không ngừng của cô giáo Phạm Thanh Minh đã giúp cô hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và tô thắm thêm cho sự nghiệp giáo dục chung của nhà trường. Trong suốt quãng thời gian gắn bó với sự nghiệp "trồng người", cô giáo Phạm Thanh Minh đã gặt hái được rất nhiều thành tích đáng kể như: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi Vật lý cấp quận; đạt giải Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm 2021 ■
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/duy-tri-van-hoa-doc-cho-hoc-sinh-691973/