Ế ẩm đất đấu giá ở Thừa Thiên - Huế

Cũng như ở nhiều tỉnh, thành trong khu vực miền Trung, nhiều khu đất đấu giá quyền sử dụng đất (QSSĐ) tại các khu quy hoạch trung tâm ở TP Huế cũng như hàng loạt khu đất đấu giá tại các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế dù đã được cơ quan chức năng đưa ra đấu giá lần thứ hai, lần thứ 3 mà vẫn không có khách hàng mua hồ sơ.

Ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, từ đầu năm đến nay, nhiều khu đất đấu giá QSDĐ dù đã được Trung tâm quỹ đất của Sở này và công ty tổ chức đấu giá thông báo đấu gia ánhiều lần nhưng vẫn không có người đăng ký tham gia đấu giá. Đơn cử là việc đấu giá QSDĐ gồm 48 lô đất Khu nhà ở biệt thự trục đường quốc lộ 1A - Tự Đức, phường An Tây, TP Huế. Mặc dù các lô đất này đã được san nền và cắm mốc phân lô; các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như: đường giao thông đã được thảm nhựa, hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước… đã cơ bản hoàn thành.

Nhiều lô đất đấu giá tại khu phố chợ Lăng Cô nằm bên vịnh đẹp thế giới Lăng Cô dù có giá “mềm” nhưng vẫn không có người đăng ký mua.

Nhiều lô đất đấu giá tại khu phố chợ Lăng Cô nằm bên vịnh đẹp thế giới Lăng Cô dù có giá “mềm” nhưng vẫn không có người đăng ký mua.

Trong đó, lô thấp nhất có diện tích 162m2 và lô cao nhất có diện tích là 572m2 (mức giá là gần 21 triệu đồng/m2 do nằm ở vị trí 1 của 2 mặt đường). Ngoài ra, mức giá của 47 lô còn lại có giá dao động từ 12,2 triệu đồng/m2 đến 13 triệu đồng/m2. Thế nhưng, dù Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh và công ty đấu giá đã 2 lần thông báo bán đấu giá 48 lô đất nói trên nhưng vẫn không có người đăng ký tham gia đấu giá. Điều đáng nói, trong năm 2021 và khoảng 5 tháng đầu năm 2022, ở gần các vị trí trên, hàng trăm lô đất được đưa ra đấu giá đều có người mua và giá đất tăng 50 – 100% so với giá khởi điểm.

Tương tự, giữa tháng 7/2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất - Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Chuỗi Giá Trị tổ chức đấu giá QSDĐ 5 lô đất ở tại khu định cư Bàu Vá giai đoạn 3, phường Thủy Xuân, TP Huế. Đây là lần đấu giá thứ 2 nhưng vẫn không có người đăng ký. Theo thông báo đấu giá, 5 lô đất có tổng diện tích là 1.012,4m2 tại. Các lô đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo dự án được phê duyệt. Giá khởi điểm từ 24,73 - 26,73 triệu đồng/m2. Khách hàng trúng đấu giá QSDĐ phải xây dựng nhà theo mẫu thiết kế đã được phê duyệt.

Chị Nguyễn Thị Hằng, trú tại khu quy hoạch Bàu Vá, phường Thủy Xuân – một người chuyên mua bán bất động sản cho biết, vào năm 2021 và đầu năm 2022, 1m2 đất ở khu vực Bàu Vá có giá từ 40-55 triệu đồng/m2 tùy vào một số vị trí. Trong khi đó, đất tại khu tái định cư Bàu Vá hiện rất đẹp mà giá chỉ bằng một nửa cách đây hơn 1 năm nhưng không có người đăng ký là do không thể vay được tiền ngân hàng dễ dàng như trước đây.

Không chỉ các khu đất tại trung tâm TP Huế được Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra đấu giá nhiều lần mà không có người đăng ký, tại thị xã Hương Thủy và các huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, Phong Điền - các địa phương từng “sốt” đất đấu giá QSDĐ vào năm 2020, 2021 và đầu năm 2022 nhưng giờ cũng rơi vào cảnh ế ẩm. Ông Trần Viết Tú, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm phối hợp với công ty đấu giá đã 2 lần thông báo đưa ra đấu giá hàng chục lô đất xen ghép tại thôn Lương Quý Phú và thôn Đồng Xuân (xã Lộc Điền) nhưng vẫn không có người đăng ký.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, các khu đất này đã được xây dựng cơ sở hạ tầng khá đầy đủ, gần khu dân cư, giá khởi điểm dao động từ 2,1 đến 2,7 triệu đồng/m2. Hàng chục lô đất đấu giá này có diện tích dao động từ 190 đến gần 300m2, rất phù hợp cho nhu cầu lựa chọn của người dân. Điều đáng nói, vào năm 2021 và đầu năm 2022, gần các vị trí đất đấu giá nói trên 1m2 có giá từ 7-10 triệu đồng.

Tương tự, tại thị trấn biển Lăng Cô, huyện Phú Lộc nằm trong khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, khu đất đấu giá phố chợ Lăng Cô, sát đầm Lập An, nằm ngay trung tâm vịnh đẹp thế giới Lăng Cô nhưng sau nhiều lần đưa ra đấu giá, số lô đất cũng chỉ bán được khoảng một nửa. Tại khu đất này, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư đồng bộ, khang trang.

“Trước đây, người dân Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng… vào Lăng Cô săn lùng mua đất với giá dao động từ 35 đến 50 triệu đồng/m2 để đầu tư nhưng không có đủ đất để mua. Thế nhưng, vừa qua tôi có đọc thông báo đấu giá, 1m2 đất ở vị trí “vàng” của thị trấn biển Lăng Cô mà chỉ có giá 22 triệu đồng là quá rẻ. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản trầm lắng, vay tiền ngân hàng gặp khó khăn nên những người mua kinh doanh cũng không mặn mà”, ông Nguyễn Dương (trú tại TP Đà Nẵng) - một người kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, cho biết.

Theo ông Trần Viết Tú, năm 2021 và đầu năm 2022, đất đấu giá trên địa bàn huyện Phú Lộc rất “sốt”. Thời điểm đó, đất trúng đấu giá đều tăng từ 50 -100% so với giá khởi điểm. Thế nhưng, từ cuối năm 2022, đất đấu giá bắt đầu hạ giá dần và gần đây, một số khu đất đấu giá trên địa bàn được thông báo lần 2 nhưng vẫn không có người mua. Trước tình hình này, vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đồng ý cho hạ giá với một số khu đất đấu giá. Đơn cử, khu đất đấu giá ở thôn Đồng Xuân (xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc) từ giá 2,7 triệu đồng/m2 hạ xuống còn 2,5 triệu/m2; 2,5 triệu đồng/m2 hạ xuống còn 2,1 triệu đồng/m2... Lý giải về việc người dân không nộp hồ sơ đấu giá đất, ông Trần Viết Tú cho rằng do người dân làm ăn kinh tế khó khăn nên không có đủ tiền để mua đất, trong khi đó tiền vay vốn ngân hàng thắt chặt…

Ngày 14/7 vừa qua, tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế khóa VIII, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, một số quỹ đất phân lô trong kế hoạch thu tiền SDĐ có vị trí không thuận lợi, diện tích mỗi lô cũng tương đối lớn, mặc dù đã thông báo đấu giá nhiều lần nhưng vẫn không có người đăng ký tham gia.

Theo ông Phúc, để tăng thu tiền SDĐ, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục bám sát và thực hiện quyết liệt các biện pháp, giải pháp theo kế hoạch thu tiền SDĐ, tiền thuê đất năm 2023 được UBND tỉnh ban hành. Tiếp tục thông báo và tổ chức đấu giá QSDĐ đối với quỹ đất phân lô tại các khu quy hoạch; đồng thời đôn đốc thực hiện các thủ tục để tổ chức đấu giá đối với quỹ đất mới tiếp nhận và quỹ đất đấu giá thực hiện dự án. Nghiên cứu xem xét điều chỉnh phương án giá đối với các khu đất đã thông báo 3 lần nhưng không có người tham gia đấu giá...

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dia-oc/e-am-dat-dau-gia-o-thua-thien-hue-i702259/