EC khẳng định cam kết đồng hành và hỗ trợ Việt Nam phát triển thủy sản xanh, bền vững

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 18/9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng một số doanh nghiệp thăm và làm việc với Ủy ban châu Âu (EC).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Trọng tâm trong chuyến thăm và làm việc lần này của phái đoàn Việt Nam nhằm nỗ lực vận động EC gỡ thẻ vàng hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trước khi Đoàn thanh tra IUU vào Việt Nam tiến hành đợt thanh tra thứ 4.

Tại các buổi làm việc với Cao Ủy Môi trường, Đại dương và Nghề cá EC, Tổng vụ Môi trường (DG Environement), Tổng vụ Đại dương và Nghề cá (DG MARE), Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ chủ trương của Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi nông nghiệp sang hướng sinh thái, xanh và bền vững. Việt Nam coi đây không chỉ là việc thực hiện các cam kết quốc tế mà là để tạo ra những giá trị mới cho phát triển nông nghiệp đi kèm với bảo vệ và phát triển môi trường bền vững, gìn giữ tài nguyên cho thế hệ tương lai, đóng góp cho phát triển bền vững toàn cầu. Bộ trưởng cũng nêu rõ cam kết của Chính phủ Việt Nam trong phát triển ngành nông nghiệp minh bạch trách nhiệm và bền vững khi Việt Nam đã trở thành nhà cung ứng lương thực thực phẩm lớn trên thế giới.

Liên quan đến vấn đề IUU, trong phiên làm việc với Cao ủy châu Âu về Môi trường, Đại dương và Nghề cá Virginijus Sinkevičius, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết ngay sau khi EC áp dụng thẻ vàng ngày 23/10/2017, Việt Nam đã ngay lập tức xác định đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho ngành khai thác thủy sản chuyển đổi từ một nghề cá quy mô nhỏ nhiệt đới, đa nghề, đa loài sang quản lý một nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững. Do vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ngay lập tức báo cáo chính phủ để xây dựng và triển khai một kế hoạch đồng bộ với các mục tiêu và giải pháp cụ thể trong toàn hệ thống từ trung ương đến địa phương, nhất là các địa phương ven biển với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, đoàn thể, công đồng ngư dân, hiệp hội và doanh nghiệp thủy sản.

Cho đến nay, với sự đồng lòng, chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nội bật trên năm lĩnh vực chính:

Thứ nhất là đạt được sự thống nhất nhận thức cao và hành động quyết liệt trong tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp và toàn xã hội đối với thực hiện các quy định của pháp luật, các quy định và khuyến nghị của EC về phòng, chống IUU.

Thứ hai là đã xây dựng được khung pháp lý toàn diện đầy đủ về quản lý nghề cá và chống khai thác IUU thông qua việc ban hành Luật Thủy sản.

Thứ ba là công tác quản lý tàu cá đã chuyển biến một cách rõ rệt. Hiện Việt Nam đã xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ trung ương đến địa phương. Tài khoản cơ sở dữ liệu được cung cấp cho các lực lượng thực thi pháp luật (Kiểm ngư, Biên phòng, Cảnh sát biển), và các cơ quan quản lý cảng để kiểm soát hoạt động của tàu cá. Hiện trên 97,65% (tương ứng với 28.797/29.489) tàu cá hoạt động vùng khơi (có chiều dài từ 15m trở lên) đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Thứ tư là công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản đã được thực hiện và kiểm soát theo chuỗi từ khâu kiểm soát sản lượng qua cảng đến cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.

Thứ năm là Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản từ trung ương đến địa phương nhằm tạo dữ liệu tổng hợp phục vụ cho công tác thực thi pháp luật. Hiện tài khoản cơ sở dữ liệu này đã được cung cấp cho 28 tỉnh ven biển, bộ đội biên phòng và cảnh sát biển. Kết quả là các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài từ năm 2015 đến nay đã giảm rõ rệt.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh Việt Nam xác định rõ phát triển nghề cá bền vững là mấu chốt để giải quyết cảnh báo thẻ vàng của EC. Do vậy trong thời gian qua, Việt Nam đã đặc biệt chú trọng xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững, đảm bảo thân thiện với môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị EU nhanh chóng gỡ thẻ vàng IUU cho Việt Nam và xếp Việt Nam vào nhóm rủi ro thấp đối với việc triển khai quy định mới về chống phá rừng của EU. Đồng thời, Bộ trưởng kêu gọi EC tiếp tục thúc đẩy thương mại và đầu tư với nông nghiệp Việt Nam, tổ chức diễn đàn kết nối doanh nghiệp thường xuyên giữa hai bên, hỗ trợ Việt Nam trong phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải thấp chuyển đổi sinh kế cho ngư dân, phát triển kinh tế biển theo hướng xanh, bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững.

Về phía EC, Cao ủy Virginijus Sinkevičius đánh giá cao chuyến thăm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và phái đoàn, ghi nhận những cố gắng và tiến bộ của Việt Nam trong thời gian qua liên quan đến việc triển khai 4 nhóm khuyến nghị của EC để chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, đại diện của EC cũng khẳng định cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong việc phát triển thủy sản bền vững, thực hiện các mục tiêu chuyển đổi kinh tế xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Với những nỗ lực đáng ghi nhận thời gian qua, EC mong muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành một hình mẫu của thế giới trong việc phát triển bền vững ngành thủy sản và chống khai thác IUU.

Duy Tùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ec-khang-dinh-cam-ket-dong-hanh-va-ho-tro-viet-nam-phat-trien-thuy-san-xanh-ben-vung-20230919224311035.htm