ECB đối mặt với bài toán khó: Lạm phát Đức giảm, Bỉ lại tăng

Lạm phát toàn phần của Khu vực đồng Euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm nhưng lạm phát lõi vẫn 'cứng đầu' do chi phí dịch vụ tăng. Thành viên Hội đồng Điều hành ECB Isabel Schnabel kêu gọi Ngân hàng Trung ương Châu Âu thận trọng hơn về các dự định cắt giảm lãi suất trong thời gian tới…

Theo dữ liệu sơ bộ từ Eurostat, lạm phát toàn phần của Khu vực đồng Euro trong tháng 8 đứng ở mức 2,2%, đúng như dự đoán của các nhà kinh tế. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021 trước khi lạm phát tại EU đạt đỉnh 10,6% vào tháng 10/2022.

Diễn biến này đánh dấu một sự giảm tốc đáng kể so với mức 2,6% được ghi nhận vào tháng 7.

Nguyên nhân chính được cho là bởi giá năng lượng giảm mạnh hơn 3% và các hiệu ứng cơ bản thuận lợi. Lạm phát lõi, không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, cũng giảm nhẹ xuống 2,8% từ mức 2,9% của tháng 7, đạt con số thấp nhất kể từ tháng 4/2024.

Tuy nhiên, trên cơ sở hàng tháng, lạm phát lõi tăng 0,3%, chủ yếu do giá dịch vụ. Chi phí liên quan đến dịch vụ, chiếm gần 45% trong chỉ số giá tiêu dùng hài hòa của Khu vực đồng Euro, đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 8, cao hơn mức 4% trước đó, và ghi nhận mức tăng 0,4% so với tháng trước.

“Các quyết định lãi suất cần được tiến hành thận trọng và dần dần vì mức lạm phát hiện tại chưa phản ánh đầy đủ những thách thức mà chính sách tiền tệ vẫn đang đối mặt”, bà Isabel Schnabel, thành viên Hội đồng quản trị ECB, phát biểu trong một bài diễn văn tại Estonia. Bà nhấn mạnh rằng, lạm phát nội địa vẫn ở mức cao 4,4%, chủ yếu do áp lực giá liên tục trong ngành dịch vụ, nơi quá trình hạ nhiệt lạm phát đã thực sự bị đình trệ kể từ tháng 11 năm ngoái.

 Lạm phát toàn phần của Khu vực đồng Euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm nhưng lạm phát lõi vẫn khá "cứng đầu"

Lạm phát toàn phần của Khu vực đồng Euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm nhưng lạm phát lõi vẫn khá "cứng đầu"

Trong số các quốc gia thành viên của EU, Đức đóng vai trò quan trọng nhất trong việc làm giảm lạm phát tổng thể của khu vực vào tháng 8. Chỉ số giá tiêu dùng hài hòa của Đức giảm xuống còn 2% hàng năm, thấp hơn hẳn so với mức dự đoán 2,3%. Trên cơ sở hàng tháng, Đức ghi nhận sự giảm phát, với áp lực giá giảm 0,2% do tác động của giá năng lượng. Các quốc gia thành viên khác có lạm phát âm trong tháng 8 bao gồm Lithuania (-0,5%), Phần Lan (-0,5%), Latvia (-0,4%), Ý (-0,1%), Áo (-0,1%) và Bồ Đào Nha (-0,1%).

Ngược lại, Bỉ chứng kiến xu hướng gia tăng đáng kể trong áp lực lạm phát trong tháng, với tỷ lệ lạm phát hài hòa tăng 1,6% so với tháng 7 năm 2024. Thực trạng này đánh dấu một thay đổi đáng kể từ mức giảm 0,6% của tháng 7 và đại diện cho mốc tăng hàng tháng cao nhất kể từ tháng 2/2024. Trên cơ sở hàng năm, Bỉ ghi nhận tỷ lệ lạm phát cao ở mức 4,5%, mặc dù đã hạ từ mức 5,4% trong tháng 7. Tiếp theo trong danh sách là Estonia ở mức 3,4% và Hà Lan ở mức 3,3%.

Ở một báo cáo khác của Eurostat cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở Khu vực đồng Euro đã giảm từ 6,5% xuống 6,4% vào tháng 8, thấp hơn so với dự báo đi ngang 6,5%.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/ecb-doi-mat-voi-bai-toan-kho-lam-phat-duc-giam-bi-lai-tang-post554377.html