EEA cảnh báo: Nắng nóng cực đoan có thể khiến 90.000 người châu Âu tử vong mỗi năm
Mới đây, Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cảnh báo các đợt nắng nóng có thể khiến 90.000 người châu Âu tử vong/năm cho tới cuối thế kỷ này nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu.
EEA nêu rõ: "Nếu không có các biện pháp ứng phó (với biến đổi khí hậu), theo kịch bản nhiệt độ Trái Đất tăng 3 độ C vào năm 2100, 90.000 người ở châu Âu có thể tử vong do nắng nóng mỗi năm. Con số này sẽ giảm xuống 30.000 người/năm nếu mức tăng nhiệt toàn cầu là 1,5 độ C".
EEA dẫn số liệu bảo hiểm cho thấy khoảng 129.000 người ở châu Âu đã tử vong do các đợt nắng nóng xảy ra trong giai đoạn từ năm 1980 - 2020.
Tuy nhiên, các đợt nắng nóng xảy ra với tần suất thường xuyên hơn, dân số già hóa và tiến trình đô thị hóa gia tăng có thể khiến số người tử vong tăng trong những năm tới, nhất là ở phía Nam lục địa Già.
Hôm 7/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: Từ đầu năm tới nay, ít nhất 15.000 người ở châu Âu đã tử vong do nắng nóng.
Trong 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8 vừa qua là giai đoạn nóng nhất tại châu Âu, với nền nhiệt tăng bất thường khiến cho nạn hạn hán ở châu lục này trở nên khốc liệt chưa từng có kể từ thời Trung cổ.
Ngoài nguy cơ nắng nóng, EEA cho biết: Biến đổi khí hậu có thể khiến cho châu lục này dễ xuất hiện các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sốt xuất huyết do muỗi gây ra.
Nước biển ấm hơn trở thành nơi thích hợp cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, nhất là ở những vùng dọc bờ biển Baltic.
EEA nhấn mạnh: Gần như hầu hết số ca tử vong do liên quan tới nắng nóng đều có thể ngăn chặn được ở châu Âu, đồng thời cho rằng để làm giảm tác động của nắng nóng đối với sức khỏe người dân, các nước châu Âu cần triển khai một loạt biện pháp, như đề ra kế hoạch hành động y tế phòng chống nắng nóng hiệu quả, làm xanh môi trường đô thị, thiết kế và xây dựng các tòa nhà phù hợp, điều chỉnh giờ làm việc và điều kiện làm việc.
EEA đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh các nước trên thế giới với xu hướng phát thải hiện nay, có thể không thực hiện được mục tiêu cam kết trong Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu là duy trì nhiệt độ của Trái Đất tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Cảnh báo nắng nóng cực đoan tại một số khu vực trên thế giới
Vừa qua, văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) và Hiệp hội Chữ thập Đỏ, Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) cảnh báo nắng nóng sẽ trở nên cực đoan hơn tại một số khu vực nhất định trên thế giới trong những thập kỷ tới khiến cuộc sống con người ở đó sẽ không bền vững.
Trong báo cáo chung, OCHA và IFRC dự báo các đợt nắng nóng sẽ vượt quá giới hạn chịu đựng của con người về thể chất và các giới hạn xã hội tại vùng Sừng châu Phi, khu vực Nam Á và Tây Nam Á, từ đó khiến nhiều người tử vong và gây thiệt hại trên diện rộng.
Báo cáo cho rằng tỷ lệ tử vong do nắng nóng cực độ trong tương lai sẽ ở mức cao đáng kinh ngạc, có thể tương đương với tỷ lệ tử vong do tất cả các bệnh ung thư hoặc do tất cả các bệnh truyền nhiễm khác vào cuối thế kỷ này. Nông dân, trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú có nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao hơn cả.
Cũng theo báo cáo, các thảm họa nắng nóng trong năm nay tại nhiều quốc gia như Somalia và Pakistan báo trước một tương lai với nhiều trường hợp khẩn cấp nhân đạo có liên quan đến nắng nóng gay gắt hơn, thường xuyên hơn và khốc liệt hơn, chẳng hạn như tử vong trên diện rộng, gia tăng tình trạng di cư và bất bình đẳng...
Các tác động tổng hợp của quá trình già hóa, Trái Đất ấm lên và đô thị hóa sẽ khiến số người có nguy lâm vào tình cảnh này tại các quốc gia đang phát triển gia tăng đáng kể trong những thập kỷ tới.
Bên cạnh đó, tìm ra những cách mới để hỗ trợ tài chính cho các hoạt động ở cấp độ địa phương; các tổ chức nhân đạo cần thử nghiệm thêm các "trung tâm làm mát" và nơi trú ẩn khẩn cấp với nhiều độ phù hợp; yêu cầu các cộng đồng thay đổi kế hoạch phát triển của họ để tính đến các tác động nắng nóng cực đoan có thể xảy ra...