Elon Musk chỉ muốn nhận mình là kỹ sư

Elon Musk yêu cầu ứng viên về kỹ năng viết, đưa ra nhiều ví dụ kinh nghiệm bản thân, tính so sánh nhất và toàn bộ quá trình tư duy.

Vợ cũ của Elon Musk, Justine Musk, từng chia sẻ quan điểm cá nhân về cách mà CEO công nghệ này tuyển dụng nhân viên.

"Khi Elon và tôi đi du lịch, chúng tôi phải điền vào các mẫu đơn tại hải quan về nghề nghiệp của mình, Elon chưa bao giờ viết ra ‘Giám đốc điều hành’, ‘Vua của Thế giới’ hay ‘một tay chơi tầm cỡ quốc tế ham học’. Thay vào đó, anh viết ‘Kỹ sư’", Justine kể lại.

Thật vậy, sâu trong trái tim của mình, CEO nổi tiếng và có tầm nhìn xa về công nghệ, Elon Musk, không muốn tự nhận mình là nhà lãnh đạo kinh doanh vĩ đại hay một người giàu có. Anh chỉ đơn giản xem mình như một người giải quyết vấn đề.

Chính yếu tố này giúp cho hệ sinh thái của Elon Musk thu hút nhiều sự quan tâm và vô số nhân tài. Những người thông minh và có năng lực nhất đã ứng tuyển vào các vị trí tại Tesla và SpaceX, họ đơn giản muốn cùng Elon Musk đưa ra giải pháp khắc phục cho những vấn đề khó khăn nhất thế giới.

Vậy làm thế nào để Musk và công ty của mình xác định ai sẽ là ứng viên tiềm năng? Giữa rất nhiều người ưu tú, làm cách nào để họ phân biệt đâu là người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất?

Musk gần đây đã chia sẻ một lời mời tuyển dụng trên Twitter của mình. Anh mời các "kỹ sư giỏi" ứng tuyển vào làm việc tại "Gigafactory Berlin", một nhà máy sản xuất pin ở Đức thuộc tập đoàn Tesla.

 Quy mô nhà máy Gigafactory Berlin ở Đức của tập đoàn Tesla. Ảnh: Tesla.

Quy mô nhà máy Gigafactory Berlin ở Đức của tập đoàn Tesla. Ảnh: Tesla.

"Khi gửi thông tin cá nhân của mình, vui lòng mô tả một vài vấn đề khó khăn nhất mà bạn từng giải quyết và cách chính xác để giải quyết nó”, Musk viết.

Thoạt nhìn, câu hỏi này có vẻ giống với những câu hỏi phỏng vấn phổ biến, thường được vô số công ty sử dụng. Tuy nhiên, có bốn điểm khác biệt khiến yêu cầu này trở nên tinh tế. Hãy cùng phân tích chúng:

Yêu cầu kỹ năng viết

Hãy chú ý đến cách mà Musk yêu cầu ứng viên chia sẻ các ví dụ về vấn đề họ đã giải quyết, bằng cách viết ra chúng, trước khi đi đến cuộc phỏng vấn.

Đây là một yêu cầu quan trọng vì trong môi trường làm việc hiện đại, nhiều người không còn quen thuộc với kỹ năng viết. Không chỉ riêng kỹ sư mà tất cả các vị trí khác đều cần có khả năng diễn đạt suy nghĩ của mình, không chỉ qua các thiết kế hay những buổi trình bày mà còn phải qua email, hay các ứng dụng làm việc khác như Slack hoặc IM.

Ngoài ra, việc gửi kinh nghiệm bản thân bằng văn bản tạo cơ hội cho ứng viên có thời gian lâu hơn để suy nghĩ mà không bị áp lực bởi thời gian của buổi phỏng vấn trực tiếp, nơi những ứng viên hướng nội thường không thể hiện tốt nhất khả năng của mình.

Yêu cầu nhiều ví dụ

Musk đã hỏi các ứng viên “vui lòng mô tả một vài” vấn đề khó khăn mà họ từng giải quyết. Một người thông minh có thể giải quyết một hoặc hai vấn đề nhưng người thông minh nhất là người tự tìm tòi những vấn đề khó cho riêng mình để giải quyết,

Bằng cách yêu cầu một vài ví dụ, Musk và bộ phận tuyển dụng của công ty đang đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho ứng viên. Họ tìm kiếm những người tốt nhất và giỏi nhất, những người có khả năng giải quyết các nhiều vấn đề nan giải.

 Dòng tweet của Elon Musk về yêu cầu tuyển dụng. Ảnh chụp màn hình: Inc.

Dòng tweet của Elon Musk về yêu cầu tuyển dụng. Ảnh chụp màn hình: Inc.

Yêu cầu mang tính so sánh nhất

Không chỉ yêu cầu kinh nghiệm, Musk muốn biết về những trường hợp "khó nhất" mà ứng viên từng xử lý. Yếu tố này cũng là sự khác biệt tinh tế và quan trong trong yêu cầu tuyển dụng của anh.

Bởi việc phải chọn ra chỉ 1 hoặc 2 phần trăm trong số rất nhiều ứng viên thực sự là một thử thách rất lớn về tính khác biệt. Cách chọn tốt nhất là nhìn vào tính phức tạp của vấn đề được chia sẻ từ các ứng viên và so sánh chúng với nhau.

Yêu cầu toàn bộ quá trình.

Cuối cùng, Musk yêu cầu ứng viên chia sẻ “chính xác cách mà họ giải quyết” những vấn đề. Anh cho thấy mình không chỉ quan tâm đến giải pháp, mà là toàn bộ quá trình tìm ra giải pháp.

Nói một cách khác, Musk và Tesla thực sự muốn biết cách mà những ứng viên tiềm năng tư duy.

Nhiều công ty hàng đầu cũng dùng cách tương tự. Các công ty công nghệ thường hỏi ứng viên đưa ra giải pháp mã hóa ngay tại buổi phỏng vấn, không chỉ là giải pháp, mà còn phải giải thích về quá trình và tại sao họ đưa ra giải pháp đó.

Tuy nhiên, Musk không chọn cách tạo áp lực cho ứng viên tại buổi phỏng vấn. Ngược lại, anh hỏi về các kinh nghiệm trước đây, những trường hợp mà ứng viên từng giải quyết.

Bằng cách này, công ty Tesla sẽ thu được nhiều thông tin hơn về ứng viên trong nhiều lĩnh vực:

Động lực
Khả năng xác định các vấn đề chính và nguyên nhân gốc rễ
Lý do tập trung giải quyết các khía cạnh cụ thể của những vấn đề đó
Điểm mạnh, điểm yếu và khuynh hướng của cá nhân

Những thông tin trên cho Tesla biết liệu phương pháp giải quyết vấn đề của ứng viên có phù hợp với những vấn đề mà công ty đang có.

Vậy nếu bạn là nhà tuyển dụng hay ứng viên đang tìm việc, hãy tìm hiểu thêm về cách mà Elon Musk đưa ra yêu cầu. Hãy đừng chỉ hỏi về vấn đề mà ứng viên giải quyết, hãy đảm bảo bạn hỏi thêm về: kỹ năng viết, cung cấp nhiều ví dụ, tính so sánh nhất và quá trình giải quyết vấn đề.

Sang Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/elon-musk-tuyen-dung-post1176187.html