Em bé đầu tiên trên thế giới được thụ thai nhờ… AI
Từ cuối tháng 11/2024, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Edna và Tony tại thành phố Morelia, Mexico luôn đầy ắp tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Đối với đôi vợ chồng trung niên này, đây là những âm thanh ngọt ngào nhất mà họ đã mong chờ từ bao lâu nay - cậu con trai Luis. Và điều đặc biệt hơn cả là Luis đã trở thành đứa trẻ đầu tiên được thụ thai nhờ một quy trình hoàn toàn tự động, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công nghệ hỗ trợ sinh sản.
Lời mời kỳ lạ và cơ hội cuối cùng
Edna, 42 tuổi, mang trong mình nỗi đau của một người phụ nữ mắc chứng suy buồng trứng sớm. Còn Tony, 45 tuổi, từng nghĩ sẽ không bao giờ được gọi là "bố". Hơn chục năm qua, cả hai đã đi đến nhiều nơi, tìm kiếm và trải nghiệm nhiều phương cách khác nhau trong hành trình điều trị vô sinh truyền thống: từ thăm khám y khoa, dùng thuốc nội tiết, cho đến các vòng IVF tốn kém... Họ cũng không còn xa lạ với những buồng siêu âm lạnh lẽo, những buổi chờ kết quả trong im lặng và cả những cái nắm tay thật chặt sau mỗi lần thất bại. Edna từng thử thai nhiều lần và lần nào cũng là một chuỗi cảm xúc đan xen giữa hy vọng mong manh và thất vọng đến đau lòng. Khi người ta nói với họ rằng "hãy dừng lại", họ chỉ nhìn nhau và im lặng.
Cuộc sống trôi qua thật buồn tẻ. Nhưng một điều chưa bao giờ tắt trong họ là mong muốn được có một đứa con - dù chỉ một lần. Năm 2023, một bước ngoặt lớn đã đến. Thông qua một phòng khám tư nhân tại thành phố Mexico (Mexico), Edna và Tony được mời tham gia một nghiên cứu nguyên mẫu đầy táo bạo do Conceivable Life Sciences tổ chức. Đây là đơn vị đang vận hành phòng thí nghiệm IVF tự động với sự hỗ trợ của AI đầu tiên trên thế giới. Lúc đó, cặp đôi không kỳ vọng nhiều. Họ chỉ đơn giản nghĩ: “Có bệnh thì vái tứ phương và chỉ thêm lần thử này nữa. Nếu thất bại, họ sẽ dừng lại”.

Luis, em bé đầu tiên chào đời từ ICSI từ xa.
Kỳ tích mang tên Luis
Trong lĩnh vực thụ tinh nhân tạo (IVF), bước quan trọng nhất để tạo phôi là tiêm tinh trùng vào bào tương của trứng, gọi là ICSI. Quy trình này vốn đòi hỏi sự tỉ mỉ và kinh nghiệm cao từ nhà phôi học. Nhưng khác với những lần thử IVF trước, lần này, bác sĩ giới thiệu với Edna và Tony một quy trình chưa từng có: toàn bộ quá trình thụ tinh sẽ được thực hiện bởi robot, sử dụng AI từ xa. Một hệ thống tự động sẽ thay thế thao tác của con người trong từng bước tiến hành IVF, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối và loại bỏ sự mệt mỏi, cảm tính của con người.
Cụ thể, phòng thí nghiệm sử dụng AI để thực hiện tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), kết hợp trứng và tinh trùng để tạo ra phôi bằng hơn 200 bước. Nhờ sử dụng thuật toán toán học và robot, quá trình điều trị có thể được thực hiện với khả năng kiểm soát và độ chính xác cao hơn; phương pháp tiếp cận được kiểm soát nhiều hơn để kết hợp trứng và tinh trùng, so với các phương pháp thủ công hiện tại. Nhà phôi học vẫn giám sát robot và các quy trình, nhưng có khả năng cải thiện kết quả nhiều hơn.
“Thay vì hy vọng vào việc gặp được nhà phôi học giỏi nhất đúng lúc họ tỉnh táo nhất trong ngày, AI đảm bảo rằng mọi trứng, mọi phôi đều được xử lý với cùng một tiêu chuẩn cao nhất. Hệ thống này cho thấy robot hỗ trợ AI giúp các bác sĩ trong bước đầu tiên hướng tới tự động hóa các phương pháp điều trị IVF. Quy trình ICSI từ xa được sử dụng cho phép tiếp cận nhẹ nhàng hơn nhiều đối với việc tạo phôi, giúp cải thiện kết quả chất lượng ở cấp độ vi mô”, Tiến sĩ Alejandro Chavez-Badiola, Giám đốc y khoa của Conceivable Life Sciences chia sẻ thêm.
Còn với Edna và Tony, điều này nghe như chuyện khoa học viễn tưởng. Nhưng sau nhiều năm thất bại, họ hiểu: công nghệ là cơ hội cuối cùng. Họ không dám kỳ vọng quá nhiều, nhưng khi que thử thai hiện hai vạch, Edna đã không thể tin vào mắt mình. Lúc ấy, cô đang ở một thành phố khác vì công việc. Cô gọi cho Tony và nói trong nước mắt: “Em có thai rồi.” Cả hai đã khóc. Và họ không phải là những người duy nhất bật khóc. Tiến sĩ Luis Miguel Campos, người trực tiếp theo dõi ca của họ cũng không giấu nổi những giọt nước mắt vui sướng khi được biết về sự thành công của ca IVF này.

Từ trái sang: Em bé Luis, Tiến sĩ Luis Miguel Campos cùng Edna và Tony.
Tháng 11/2024, bé Luis chào đời tại Morelia. Hiện đã 7 tháng tuổi, Luis trở thành em bé đầu tiên được thụ thai nhờ ICSI từ xa do AI hỗ trợ. Trả lời phỏng vấn tờ Newsweek, Edna và Tony cho hay: "Chúng tôi đại diện cho kỳ vọng và hy vọng cho tất cả những cặp đôi không thể đạt được mục tiêu trở thành cha mẹ. Khi nghe thấy nhịp tim của em bé, chúng tôi cảm thấy như mình đã đạt được điều gì đó mà trước đây có vẻ không thể".
Tương lai của AI trong y học sinh sản
Tiến sĩ Gerardo Mendizabal-Ruiz, kỹ sư trưởng của công ty Conceivable Life Sciences kể thêm: “Trong chu kỳ nghiên cứu, 5 trứng được chỉ định thụ tinh bằng ICSI tự động và 3 trứng làm đối chứng bằng ICSI thủ công tiêu chuẩn. Hệ thống tự động được thiết lập tại chỗ nhưng sau đó, các nhân viên điều hành từ xa, tại phòng khám Guadalajara và New York (Mỹ), đã ra lệnh thông qua giao diện kỹ thuật số để thực hiện từng bước trong số 23 bước tiêm vi mô cho mỗi trứng, tổng cộng là 115 bước.
Nhìn chung, toàn bộ quy trình mất trung bình 9 phút 56 giây cho mỗi trứng, lâu hơn một chút so với ICSI thủ công thông thường do bản chất thử nghiệm của nó, nhưng trong tương lai, nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ giảm đáng kể thời gian thực hiện quy trình. 4 trong số 5 quả trứng được tiêm trong hệ thống tự động đã đạt được quá trình thụ tinh bình thường và cả ba quả trứng trong nhóm đối chứng thủ công đều đạt được quá trình thụ tinh. Một phôi chất lượng cao tiến triển đến giai đoạn phôi nang trong quá trình nuôi cấy đã được thụ tinh bằng hệ thống tự động dưới sự điều khiển từ xa tại New York. Khi phôi nang này được chuyển vào chu kỳ tiếp theo, một thai kỳ đã được thiết lập và tiếp tục bình thường cho đến khi sinh ra một bé trai khỏe mạnh”.
Nhưng Luis chỉ là một trong 18 đứa trẻ đầu tiên chào đời từ 41 ca điều trị thử nghiệm trong nghiên cứu của Conceivable Life Sciences. Với tỉ lệ thành công 51% - tương đương tiêu chuẩn của ngành, hệ thống AI này đã chứng minh rằng: robot không chỉ có thể làm việc chính xác hơn con người, mà còn mở rộng quy mô điều trị cho mọi người ở khắp nơi trên thế giới. “Chúng tôi có thể vận hành các phòng thí nghiệm suốt 18 - 20 giờ mỗi ngày mà không cần lo đến ca làm việc, giờ nghỉ hay cảm xúc cá nhân. Điều này đặc biệt hữu ích cho các quốc gia thiếu chuyên gia IVF hoặc cơ sở vật chất hiện đại”, Tiến sĩ Alejandro Chavez-Badiola giải thích.
Cũng như mọi lĩnh vực khác, AI vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, điều đó có nghĩa là chúng ta kỳ vọng mọi thứ sẽ được cải thiện đáng kể trong tương lai. Tiến sĩ Alejandro Chavez-Badiola khẳng định, việc thành công trong việc sinh con bằng quy trình ICSI tự động là một bước tiến quan trọng hướng tới việc áp dụng phòng thí nghiệm IVF hoàn toàn tự động. Tuy nhiên, ông cho biết việc áp dụng hệ thống này rộng rãi hơn sẽ phụ thuộc vào hiệu suất an toàn của nó trong nhiều trường hợp hơn.

41 ca điều trị thử nghiệm trong nghiên cứu của Conceivable Life Sciences và 18 đứa trẻ đã chào đời.
Tiến sĩ Luis Miguel Campos trao đổi với Newsweek rằng việc cải thiện tính nhất quán và hiệu quả sẽ là chìa khóa để giảm chi phí điều trị trong tương lai gần. Khi AI phát triển, vai trò của AI trong chăm sóc khả năng sinh sản sẽ ngày càng tăng. Đối với những gia đình như Edna và Tony, phương pháp này đã biến điều không thể thành có thể, mang đến hy vọng mới và cái nhìn thoáng qua về tương lai của y học sinh sản.
Còn đối với Edna và Tony, việc trở thành những người tham gia thành công đầu tiên của thử nghiệm lâm sàng nguyên mẫu là một giấc mơ trở thành hiện thực. "Chúng tôi rất may mắn khi được chọn cho phương pháp điều trị đầu tiên này. Chúng tôi khuyến khích tất cả các cặp đôi đang trên hành trình trở thành cha mẹ đừng từ bỏ ước mơ và hy vọng của mình. Một số người cảm thấy hơi lo lắng nhưng cuối cùng, mọi người đều thực sự vui mừng vì kết quả của chúng tôi. Có một số lo ngại về công nghệ, nhưng chúng tôi sẽ vui vẻ giải thích cho con trai mình khi con đã đủ lớn", Tony nói.