Êm đềm vòng quay cọn nước vùng cao Tây Bắc

Dọc theo dòng chảy sông suối nơi núi rừng Tây Bắc, vẫn còn những cọn nước đang miệt mài hoạt động. Trải qua thời gian cùng những biến thiên của đời sống, những công trình thủy lợi độc đáo này không những lưu giữ được những tập quán canh tác đặc trưng của người vùng cao, mà nó còn là điểm hấp dẫn du lịch sinh thái hiện nay.

Cọn nước, hay còn gọi là guồng nước, bánh xe nước - có từ lâu đời, gắn với phương thức canh tác truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, trở thành nét đặc trưng của vùng núi Tây Bắc.

Về với vùng cao Tây Bắc, men theo những triền núi, bờ sông là nơi đồng bào dân tộc thiểu số cư ngụ. Người dân đa phần sống với nghề nông, bản làng khuất sau những ngọn đồi thăm thẳm. Do ở vị trí cao, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn khiến đồng bào nơi đây không thể canh tác theo phương thức thông thường. Với khả năng sáng tạo, đồng bào đã phát minh ra các cọn nước với cơ chế hoạt động độc đáo, chúng được sử dụng như một chiếc máy dẫn nước vào tưới ruộng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi hoặc dẫn nước về bản làng để sinh hoạt.

Cọn nước bên suối Nậm Mu, xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Cọn nước bên suối Nậm Mu, xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Trò chuyện với phóng viên vào một buổi chiều cuối năm tại bản Bo, huyện Tam Đường (Lai Châu), ông Mo Cương - già làng ở bản Bo kể: Trước đây, trên dòng chảy Nậm Mu này không chỉ có cọn nước. Mùa nước cạn, những bản người Thái, người Lự sống gần sông còn làm nhiều cối nước, tiếng địa phương gọi là “đướng pê” (cối giã gạo bằng sức nước), hoạt động dựa vào lượng nước trên cọn nước rót xuống, người dân không phải giã gạo bằng đạp chân. Nhờ những chiếc cọn nước này, ruộng đủ nước tưới, có ao chuôm nuôi thả cá, nước dẫn về tận cầu thang nhà sàn ...

Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu về cộng đồng các dân tộc Thái, Mường, Tày, Lự, Dao… ở khu vực miền núi Tây Bắc, bà con nơi đây được coi là những người làm cọn nước giỏi nhất với những cọn nước đủ các kích thước và hoạt động rất hiệu quả.

Trông như một bánh xe khổng lồ, cọn nước góp phần tô điểm cho vẻ đẹp thơ mộng, dân dã của vùng núi Tây Bắc.

Trông như một bánh xe khổng lồ, cọn nước góp phần tô điểm cho vẻ đẹp thơ mộng, dân dã của vùng núi Tây Bắc.

Để làm nên chiếc cọn nước, người ta lấy vật liệu từ rừng như tre, nứa, gỗ, mây, vầu… tạo nên chiếc guồng hình tròn có đường kính khác nhau tùy theo khoảng cách mặt sông, suối với mặt ruộng để đưa nước lên, chiều cao của guồng nước phải cao hơn mặt ruộng ít nhất một nửa sải tay trở lên. Nhờ các nan cọn được nối với trục quay thành khung vững chắc, những sợi dây mây, dây thừng dẻo dai buộc chặt mà guồng được dựng vững chãi, ngày đêm cần mẫn đưa nước lên ruộng bởi những chiếc gầu bằng ống bương liên tục đổ nước vào máng.

Ngày nay những chiếc cọn nước đã trở thành nét đặc trưng riêng khi du lịch nơi vùng cao Tây Bắc.

Ngày nay những chiếc cọn nước đã trở thành nét đặc trưng riêng khi du lịch nơi vùng cao Tây Bắc.

Cọn nước không ầm ào tiếng máy, không hao tốn nhiên liệu hay điện năng như những chiếc máy bơm mà giá trị của nó thì không hề thua kém. Không đơn thuần chỉ là một công trình thủy lợi, chiếc cọn nước đã trở thành một biểu tượng, là bản sắc văn hóa độc đáo, là chứng nhân cho một nền văn minh lúa nước, góp phần làm phong phú cho nền văn hóa các dân tộc.

Ngắm nhìn những thung lũng ruộng bậc thang trải dài óng ả miền sơn cước Tây Bắc, ít ai biết rằng nhờ những cọn nước độc đáo mà vùng đất cằn cỗi, khó nhọc này đã được khoác áo mới. Ngày trước, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây chỉ biết canh tác theo tập quán “chọc lỗ tra hạt”, cuộc sống khó khăn thiếu thốn bộn bề, đói nghèo quanh năm.

Cọn nước không ầm ào tiếng máy, không hao tốn nhiên liệu.

Cọn nước không ầm ào tiếng máy, không hao tốn nhiên liệu.

Ông Lò Văn Sây, Chủ tịch xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) tâm sự rằng, trước đây người nông dân canh tác theo phương thức thông thường, địa hình khó khăn do ở khu vực cao, thiếu nước, đồng bào vẫn ngày đêm miệt mài chẳng kể ngày đêm gánh từng thau nước lên tưới cho cây trồng. Tuy vậy, sức người có hạn, nguồn nước thiếu thốn, cây trồng chẳng thể sinh sôi, từng cây lúa, ngọn cỏ nằm ngả nghiêng héo rũ. Các cư dân Tây Bắc đã sớm biết chế tạo và sử dụng cọn nước như một chiếc máy dẫn nước vào tưới ruộng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi...

Cọn nước ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La hiện là địa điểm tham quan thu hút du khách tứ phương.

Cọn nước ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La hiện là địa điểm tham quan thu hút du khách tứ phương.

Nước từ sông suối được các cọn nước đưa lên, ập vào mương, chảy vào ruộng, vừa đủ để tưới ẩm từng mầm cây be bé. Hạt giống từ đó bám rễ vào lòng đất, vươn mầm nhô lên đón tia nắng bình minh. Đáp lại công người vun vén, cây trồng từng ngày trổ lá, ra hoa. Những bông lúa vàng ươm, ngậm sữa căng đầy, chắc mẩy, rung rinh đậu trên khắp núi đồi, báo hiệu một mùa bội thu.

Chiếc cọn nước gắn với đời sống nhiều thế hệ, chứa đựng biết bao tâm huyết và trí tuệ của đồng bào dân tộc. Chính vì thế, bảo tồn những vòng quay của cọn nước góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, cũng là gìn giữ một lối sống trong lành, gần gũi với thiên nhiên của đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Thế Long

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//phong-cach/em-dem-vong-quay-con-nuoc-vung-cao-tay-bac-1090128.html