Ðêm hoa đăng Ninh Kiều

Ban tổ chức sẽ trình diễn nghệ thuật ánh sáng, nhạc nước trên sông trong ngày 30 và 31-12.

Năm 2023, lần đầu tiên Ngày hội diễn ra với sân khấu nổi trên mặt nước và trình diễn Drone Light trên bầu trời. Ảnh: Yến Phương.

Năm 2023, lần đầu tiên Ngày hội diễn ra với sân khấu nổi trên mặt nước và trình diễn Drone Light trên bầu trời. Ảnh: Yến Phương.

Ngày hội Du lịch - Ðêm hoa đăng Ninh Kiều, Cần Thơ, lần thứ VII năm 2024 sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 28-12-2024 đến ngày 1-1-2025 tại sân khấu rạch Cái Khế, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.

Ngày hội có nhiều hoạt động văn hóa, du lịch và thể thao, với điểm nhấn là lễ khai mạc, diễn ra lúc 19h ngày 30-12, và trình diễn nghệ thuật ánh sáng, nhạc nước trên sông trong ngày 30 và 31-12.

Trong khuôn khổ sự kiện còn có nhiều hoạt động hấp dẫn được tổ chức, như hội thi hoa đăng mô hình, các gian hàng xúc tiến quảng bá du lịch và giới thiệu sản phẩm, các gian hàng bánh - ẩm thực dân gian, biểu diễn âm nhạc đường phố, trình diễn âm nhạc dân tộc, nhảy flashmob, đua thuyền buồm…

Ngày hội do UBND quận Ninh Kiều phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức, nhằm tạo điểm nhấn du lịch của quận Ninh Kiều nói riêng và toàn thành phố nói chung, đặc biệt là du lịch MICE và du lịch sông nước.

Bến Ninh Kiều hay Công viên Ninh Kiều nằm bên bờ sông Hậu và sông Cần Thơ, thuộc Tân An, quận Ninh Kiều.

Chưa có tài liệu lịch sử ghi rõ việc hình thành, nhưng theo một số nhà nghiên cứu thì đã có giai thoại về việc hình thành bến sông này từ thời Nguyễn Ánh còn bôn ba đất phương Nam. Trước khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh đã vào miền Nam và có ghé lại bến sông này. Đoàn thuyền của ông đi theo sông Hậu vào địa phận thủ phủ Trấn Giang (tức Cần Thơ xưa). Lúc đêm vừa xuống thì đoàn thuyền cũng vừa đến vàm sông, tức Bến Ninh Kiều ngày nay, giữa đêm có vọng lại nhiều câu ngâm thơ, hò hát, tiếng đàn, tiếng sáo... Nguyễn Ánh khen vì một cảnh quan sông nước hữu tình và đặt tên cho con sông là Cầm Thi Giang.

Trước đây, bến sông Cần Thơ được dân thương hồ và dân buôn địa phương tụ tập mua bán, dần dần được chỉnh trang, xây kè để ngăn sóng làm sạt lở bờ sông. Lúc đầu, chỉ là bến ghe, bến tàu của xứ lục tỉnh do các tàu bè chạy khắp miền Hậu Giang đều ghé bến này mà vận chuyển hàng hóa, đưa rước khách. Dần dần tấp nập thuyền bè qua lại giao thương.

N.Nguyệt

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-hay/em-hoa-dang-ninh-kieu-c17a88426.html