{Emagazine} - Kích hoạt thị trường quà tặng, quà lưu niệm để nâng tầm du lịch Ninh Bình
Khi đi du lịch hầu hết du khách đều mang về những vật lưu niệm mang đặc trưng văn hóa, con người của nơi mình đã đặt chân đến, bởi họ thích được lưu giữ bằng chứng về những nơi đã đi qua và nhắc nhở về những khoảnh khắc đặc biệt. Quà lưu niệm và quà tặng là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm du lịch.
Quần thể danh thắng Tràng An.
Theo Tiến sỹ Vũ Hương Lan, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: Sản phẩm lưu niệm kích thích chi tiêu của du khách và góp phần không nhỏ vào tổng doanh thu du lịch. Lấy ví dụ tại Thái Lan, doanh thu từ mua sắm của khách du lịch chiếm gần 50% tổng thu của ngành du lịch, cho thấy đây là một nguồn thu rất lớn nếu chúng ta biết tận dụng. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, quà lưu niệm còn góp phần lưu giữ những nét tinh hoa, giá trị văn hóa truyền thống và quảng bá hình ảnh của địa phương. Khi du khách mua những món đồ lưu niệm để tặng bạn bè, người thân vô tình họ trở thành các "đại sứ quảng bá" cho điểm đến. Những món đồ lưu niệm lúc này trở thành ấn tượng đầu tiên với các khách du lịch tiềm năng của điểm đến.
Ở góc độ khác thì sản phẩm lưu niệm còn được xem là mặt hàng xuất khẩu tại chỗ. Khách quốc tế chọn mua mang về nước sau chuyến du lịch tức là sản phẩm đã ra khỏi biên giới. Xuất khẩu tại chỗ thông qua phát triển sản phẩm lưu niệm có nhiều ưu thế nổi trội như không phải qua nhiều khâu của quy trình xuất nhập khẩu, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Lễ hội đền Thái Vi.
Bà Tạ Thị Tú Uyên, Giám đốc Ban Sản phẩm dịch vụ, Công ty Du lịch & Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (VietTravel) nêu quan điểm: Việc phát triển thị trường quà lưu niệm mang lại giá trị kép trong việc bảo tồn và đưa điểm đến địa phương gần hơn thị trường trong nước và thế giới.
Các đại biểu khảo sát sản phẩm quà tặng du lịch tại khu bến thuyền Tràng An.
Đưa ra khái niệm quà lưu niệm di sản, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử cho biết: Trong các khu di sản văn hóa thế giới ở một số nước đã xuất hiện một số sản phẩm mang tính đặc trưng của di sản đó, dùng để biếu, tặng, bán cho du khách như những món quà lưu niệm. Chính sự phát triển và lan tỏa của quà tặng di sản đến du khách đã có tác động tích cực quảng bá và bảo tồn di sản trong phạm vi quốc gia và quốc tế.
Ninh Bình có nhiều tiềm năng để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch bởi có sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, văn hóa. Là nơi hình thành và lưu giữ nhiều làng nghề thủ công truyền thống có bề dày lịch sử hàng trăm năm, hội tụ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với đời sống cộng đồng dân cư địa phương. Nhắc tới Ninh Bình không thể không nhắc tới làng nghề gốm Bồ Bát (xã Yên Thành, huyện Yên Mô) - nơi khởi tổ của gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội); làng nghề thêu ren Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) - nơi hội tụ tinh hoa của nghề thêu ren, được coi là trung tâm nghệ thuật thêu ren hàng đầu Việt Nam với hơn 800 năm tồn tại, hiện nay vẫn được lưu giữ, phát huy qua nhiều thế hệ. Bên cạnh đó là làng nghề mộc Phúc Lộc (thành phố Ninh Bình); làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân (huyện Hoa Lư); làng nghề cói mỹ nghệ Kim Sơn (huyện Kim Sơn)...
Đoàn khảo sát sản phẩm quà tặng du lịch tại cơ sở sản xuất tranh bồ đề trên địa bàn thành phố Ninh Bình.
Trải nghiệm làm tranh từ lá bồ đề.
Cùng với các làng nghề truyền thống, Ninh Bình còn có một nền sản xuất nông nghiệp lâu đời với nhiều sản vật, nông sản đặc hữu cùng với đó là các công thức chế biến cổ truyền đặc biệt, riêng có. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 183 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 113 sản phẩm 3 sao, 70 sản phẩm 4 sao. Hơn nữa, gần đây, hoạt động du lịch ở Ninh Bình phát triển mạnh mẽ, lượng du khách đến tham quan rất lớn. Năm 2023, toàn tỉnh đón trên 6,5 triệu lượt khách, trong đó có trên 450 nghìn lượt khách quốc tế.
Du khách chọn mua sản phẩm gốm Bồ Bát.
Nhiều làng nghề, nhiều sản phẩm OCOP như vậy nhưng thực tế các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm của tỉnh ta vẫn khá đơn điệu, ít sản phẩm độc đáo, mang nét đặc trưng, bản sắc của vùng đất Cố đô.
Khu lịch Hang Múa - một trong những điểm thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến với Ninh Bình.
Khảo sát tại các điểm đến như Cố đô Hoa Lư, Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Nhà thờ đá Phát Diệm,... đáng tiếc là các sản phẩm của làng nghề xuất hiện rất ít. Chưa kể đó đều là sản phẩm quen thuộc, nhiều mẫu mã vẫn theo lối cũ, ít cải tiến, nâng cấp. Ở đâu cũng thấy những áo phông, cốc chén, nón lá, đồ trang sức, móc khóa, bưu thiếp... với hình ảnh cô gái mặc áo dài hay vẽ ngôi sao vàng đề chữ Việt Nam, hay Tràng An, Tam Cốc. Thậm chí có cả những túi thổ cẩm, hoặc hình con trâu trang trí văn hóa H'Mông vùng Tây Bắc nhập từ địa phương khác mà không gợi nhớ gì về di sản Tràng An. Có vẻ khả dĩ hơn là các sản phẩm thêu của làng nghề thêu ren Văn Lâm, HTX Sinh Dược hay một số sản phẩm mang tính biểu tượng của Ninh Bình như: Cột Kinh, đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo...
Một số sản phẩm OCOP của Ninh Bình.
Nhiều năm qua, các công ty du lịch không có nhiều lựa chọn khi tìm mua quà tặng cho khách nước ngoài vì họ cần sản phẩm gọn nhẹ, dễ vận chuyển. TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đánh giá: Thực trạng sản phẩm quà lưu niệm ở Ninh Bình không khác nhiều so với các địa phương khác trên toàn quốc. Hầu hết đều nghèo nàn về hình thức và chưa thể hiện được nét văn hóa cũng như những yếu tố đặc trưng của điểm đến; các sản phẩm không có nguồn gốc tại địa phương, thậm chí không phải của Việt Nam bày bán rất nhiều tại các điểm du lịch, ngoài ra chất lượng cũng còn nhiều hạn chế.
"Sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch của Ninh Bình tuy có sự gia tăng về số lượng, cải thiện về chất lượng, song số lượng quà tặng còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của một vùng đất "Địa linh, nhân kiệt". - Tiến sỹ Vũ Hương Lan, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Về nguyên nhân của những tồn tại nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng: Lâu nay thị trường quà tặng, lưu niệm du lịch còn phát triển mang tính tự phát. Đa phần người làm quà tặng lưu niệm chưa có kỹ năng, kinh nghiệm, chưa đủ sáng tạo và chưa nắm rõ giá trị đích thực, độc đáo, riêng có của điểm đến. Chúng ta chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của quà tặng, quà lưu niệm du lịch do đó còn thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, phân phối các mặt hàng này.
Mới đây, tại Tọa đàm "Phát triển các sản phẩm cho thị trường quà lưu niệm, quà tặng du lịch mang tính chuyên nghiệp, độc đáo, bản sắc địa phương miền Cố đô" do UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị sản xuất quà lưu niệm đã chia sẻ, trao đổi, đóng góp nhiều ý tưởng, giải pháp để Ninh Bình kích hoạt mảng thị trường này.
Quang cảnh Hội thảo "Đánh giá thực trạng thị trường sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch của Ninh Bình".
Các đại biểu tham quan gian trưng bày tại Hội thảo.
Theo đó, không ít ý kiến cho rằng, cùng một lúc phát triển ồ ạt các sản phẩm là bất khả thi. Mỗi địa phương cần xác định thế mạnh, giá trị cốt lõi về văn hóa, nét đặc sắc, đặc trưng để tập trung nguồn lực, đầu tư xây dựng một vài sản phẩm chủ lực mang tính riêng có của địa phương, địa danh mình. Tuy nhiên cần lưu ý, tất cả đều phải thuộc về Ninh Bình, mang phong vị và "chất liệu" Ninh Bình.
Sản phẩm gốm Bồ Bát.
Đặc biệt, sản phẩm lưu niệm là kết tinh của các giá trị văn hóa, có ý nghĩa với điểm đến do vậy để làm ra nó không phải đơn giản, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các lĩnh vực khác nhau, giữa các chuyên gia về văn hóa, mỹ thuật, du lịch và cả nghệ nhân tại các làng nghề của địa phương thì mới có được những mẫu thiết kế sản phẩm quà tặng độc đáo, phù hợp với đặc trưng điểm đến và tâm lý du khách.
Một số sản phẩm thủ công, mỹ nghệ được làm từ cói, bèo bồng.
Ngoài ra, để tăng số lượng bán ra của các sản phẩm lưu niệm, có thể phối hợp với các công ty giải trí thực hiện các dự án phim có gắn với địa danh, sản phẩm lưu niệm để quảng bá.
Tiến sỹ Vũ Hương Lan, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: Là địa phương có di sản thế giới, Ninh Bình có rất nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm. Cốt lõi ở đây là chúng ta phải quan tâm đúng mức đến tất cả các khâu trong việc phát triển quà tặng, quà lưu niệm, từ thiết kế, đa dạng mẫu mã đến nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển kênh phân phối, tuyên truyền, quảng bá...
Chia sẻ kinh nghiệm của Hà Nội trong việc phát triển sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng: Ninh Bình cần chú trọng những yếu tố then chốt để phát triển sản phẩm quà tặng. Cần xây dựng câu chuyện văn hóa cho các sản phẩm quà tặng du lịch, đưa giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Cố đô lên các sản phẩm lưu niệm. Đây chính là yếu tố giúp tăng giá trị, tạo sự khác biệt cho sản phẩm lưu niệm của tỉnh.
Đề xuất phát triển các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch từ các di tích, di vật thời tiền sử và lịch sử của Tràng An, PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng Tràng An có nhiều di tích và di vật đặc trưng có thể là đề tài cảm hứng cho việc sáng tạo ra quà lưu niệm di sản. Cụ thể như: đồ trang sức bằng vỏ ốc biển; đồ trang sức từ Ốc Tiền; chân dung người tiền sử Tràng An; đồ gốm tiền sử; chùa Nhất Trụ; cột Kinh Phật nhà Đinh; đồng tiền nhà Đinh thế kỷ X...
Phát triển "quà lưu niệm di sản" ở Tràng An từ di vật thời tiền sử: đồ trang sức bằng vỏ ốc biển; đồ trang sức từ Ốc Tiền; chân dung người tiền sử Tràng An; đồ gốm tiền sử, chùa Nhất Trụ; cột Kinh Phật nhà Đinh; đồng tiền nhà Đinh thế kỷ X... là những ý tưởng hay.
Ông Vũ Trung Đức, Giám đốc HTX Sinh Dược (Gia Viễn) - một trong những đơn vị có tiếng trên thị trường quà tặng lưu niệm đề xuất: Khó khăn nhất của chúng tôi là khâu thiết kế sản phẩm bởi nó đòi hỏi đầu tư lớn. Trong khi đó, HTX chưa tiếp cận được đầy đủ cơ sở dữ liệu về văn hóa địa phương để khai thác và gắn kết vào quá trình sản xuất, truyền thông sản phẩm. Hơn nữa, công tác xúc tiến, bán hàng… cũng còn nhiều khó khăn. Do vậy, đơn vị mong muốn được hỗ trợ về tài chính, địa điểm bày bán sản phẩm cũng như chính sách thuế ưu đãi của tỉnh.
Đồng quan điểm, TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho rằng: Không chỉ dừng lại ở hội thảo, trao đổi với nhau mà tới đây Ninh Bình phải đưa vào định hướng chiến lược phát triển lâu dài của tỉnh, thậm chí cần có những đề án phát triển riêng đối với sản phẩm lưu niệm. Trong đó, phải có những cơ chế chính sách ưu tiên riêng biệt đối với loại hình này và phải thật cụ thể, rõ ràng: nghệ nhân được hưởng những chế độ gì, nhà sản xuất, nhà phân phối được ưu tiên như thế nào... thì mới có thể triển khai được. Ngoài ra, cần có các cuộc điều tra, khảo sát về nhu cầu cũng như phản hồi của du khách về thị trường quà lưu niệm, điều này đơn giản nhưng rất quan trọng và nên làm sớm.
Trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh ta đã xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và lấy bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử làm nguồn lực và động lực cho phát triển. Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch cấp quốc gia, đẳng cấp quốc tế. Để đạt được điều này, cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm, dịch vụ... thì phát triển thị trường quà tặng, quà lưu niệm cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm, đầu tư; không chỉ để kích thích tiêu dùng, tăng doanh thu du lịch mà còn quảng bá, khắc sâu hình ảnh du lịch Ninh Bình trong lòng du khách.