Ép con lấy chồng, người mẹ di dân đối mặt 7 năm tù
Ngày 23/5/2024, một tòa án ở Úc tuyên bố mẹ của 1 cô gái Afghanistan nhập cư bị chồng sát hại 6 tuần sau lễ cưới đã phạm tội cưỡng hôn con gái. Cơ sở để tòa tuyên án là những câu nói của bị cáo mà nhiều người có thể đã quá quen tai ở một số nền văn hóa: 'Mày nghĩ gì là chuyện của mày, tùy thích, nhưng mày phải nghe tao'(!). Trước đó, người chồng Afghanistan nhập cư này cũng bị tuyên án 19 năm tù về tội sát hại người vợ không chính thức.
Vào một buổi sáng tháng 01/2020, anh trai của Ruqia Haidari nhận được điện thoại từ em rể Mohammad Halimi với phần loa mở to để có thể nghe cuộc cãi vã của hai vợ chồng. Halimi tố cáo Haidari không chịu dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn cho người chồng phải quần quật làm việc 7 ngày/tuần, không yêu thương và từ chối quan hệ vợ chồng. Từ trong máy vẳng ra tiếng của Haidari: "Đừng động đến tao, mày không được đánh tao". Sau đó, điện thoại bị ngắt, nhưng 9 phút sau Halimi gọi tới nhắn anh vợ: "Cho người tới lấy xác em gái về".
Tại Melbourne, anh trai của Haidari không biết rằng chỉ ít phút sau cuộc điện thoại đó, em rể Halimi đã có mặt tại 1 đồn cảnh sát ở TP.Perth (cách Melbourne khoảng 3.500km về phía Tây - Tây Bắc) để nộp mình. Quần áo vẫn còn dính máu, Halimi thú nhận đã cắt cổ vợ bằng con dao bếp.
Cuộc điều tra không quá phức tạp vì các chứng cứ về hành vi giết người đã rõ ràng. Giữa năm 2021, Halimi ra tòa và thừa nhận sát hại người vợ không chính thức theo luật pháp Úc, nhưng anh nói rõ cũng đã thực hiện đầy đủ nghi lễ tôn giáo theo văn hóa nước mình. Tuy nhiên, cả hoạt động pháp đình lẫn dư luận đều tập trung vào bản chất cuộc hôn nhân của cả hai. Halimi sống cuộc đời đầy ám ảnh sau khi người cha bị Taliban sát hại lúc cậu bé mới lên 5. Sau đó, Halimi đã lang bạt qua nhiều nước Châu Á trước khi tới được bờ Thái Bình Dương và trở thành thuyền nhân vào năm 2011. Khi tới Úc, sau nhiều năm sống cô đơn, anh muốn tìm 1 người vợ cùng văn hóa. Qua trung gian của 1 bà mối trong cộng đồng Afghanistan nhập cư, Halimi được giới thiệu với mẹ của Haidari - bà Sakina Muhammad Jan. Mẹ của Haidari đồng ý gả con gái và nhận 15.000 AUD tiền sính lễ. Halimi làm việc chăm chỉ, hoàn cảnh khá và trong mắt bà Jan, đây là chàng rể xứng đáng với con mình theo truyền thống.
Mọi nghi lễ đều được Halimi tuân thủ, anh ta đã bỏ tiền thực hiện 2 buổi lễ với 500 khách mời. Tuy nhiên, sau này bà mối cho biết, từ sau vòng lễ thứ nhất, cô Haidari đã muốn hủy hôn, nhưng người mẹ gạt phắt đi và tuyên bố: "Tao có quyền quyết định thay mày... Mày nghĩ gì là chuyện của mày, tùy thích, nhưng mày phải nghe tao". Bi kịch ở chỗ dù không muốn lấy Halimi nhưng phong tục không cho phép Haidari nói ra sự thật và phải tuân theo lời mẹ; dù về mặt luật pháp, cô có quyền. Cũng theo lời Halimi, anh ta không hề biết việc Haidari không muốn kết hôn với mình.
Bà Jan không nhận tội ép con gái lấy chồng đồng thời nhấn mạnh rằng mình chỉ lựa chọn những gì tốt nhất cho con và cô cũng đã chấp nhận; còn theo luật sư dù thân chủ biết con gái không muốn lấy Halimi nữa thì mọi sự thay đổi cũng quá muộn, vì bà đã nhận sính lễ, việc hủy hôn sẽ phá hoại thanh danh gia đình. Tuy nhiên, tất cả những lập luận này đều không được các thẩm phán Úc chấp nhận. Hiện bà Jan đang được tại ngoại chờ phán quyết của tòa vào tháng 6 này. Theo luật pháp Úc, tội cưỡng ép hôn nhân bị phạt tù tối đa 7 năm. Vụ án được dư luận chú ý vì xảy ra đối với người nhập cư từ 1 nền văn hóa hoàn toàn khác biệt vào Úc.