Ép khách hàng mua bảo hiểm kèm khoản vay có thể bị phạt đến 500 triệu đồng
NHNN đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, trong đó bổ sung nhiều chế tài nghiêm khắc hơn để phù hợp với thực tế.
Theo NHNN, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP được nghiên cứu, xây dựng căn cứ Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) ngày 16-6-2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD ngày 20-11-2017, Luật Phòng, chống rửa tiền ngày 18/6/2012.
Tuy nhiên, trong 5 năm triển khai xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, các đơn vị gặp một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định như: biện pháp khắc phục hậu quả, nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt…
Tại Dự thảo nghị định, nhiều chế tài xử phạt, tăng mức phạt vi phạm hành chính được bổ sung. Trong đó, mức xử phạt nặng nhất có thể lên đến 500 triệu đồng.
Cụ thể, tại Điều 7 dự thảo có quy định phạt tiền từ 400-500 triệu đồng đối với một trong số hành vi như vi phạm quy định về gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Một số hoạt động khác bị phạt tiền đó là ngân hàng can thiệp trái pháp luật vào hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngân hàng cũng bị phạt số tiền trên nếu thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, Dự thảo quy định phạt tiền từ 150-200 triệu đồng đối với hành vi không xây dựng quy trình quản lý rủi ro, không phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro hoặc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro không đúng quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Phòng, chống khủng bố và pháp luật về phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
NHNN cho biết, Dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên các định hướng sửa đổi các quy định phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 và các văn bản hướng dẫn. Sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt phù hợp với các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đảm bảo tính răn đe, xử phạt nghiêm minh. Đồng thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị thực hiện chức năng xử phạt vi phạm hành chính tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thanh tra, xử phạt.