EPR - lời giải cho bài toán xử lý rác thải rắn

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất/nhập khẩu trong thu hồi, xử lý tái chế sản phẩm thải bỏ của nhà sản xuất/nhập khẩu (EPR) được quy định tại Điều 54 và 55 của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 đang được kỳ vọng làm thay đổi công tác quản lý chất thải rắn và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Quy định rõ trách nhiệm

Luật BVMT 2020 đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Luật BVMT 2020 có nhiều cải cách, thay đổi lớn trong tiếp cận chính sách môi trường, một trong những thay đổi đó là quy định EPR (tại Điều 54 và 55), quy định về trách nhiệm tái chế và xử lý chất thải. EPR lần này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy cải cách hệ thống quản lý chất thải rắn hiện nay, từng bước hình thành ngành công nghiệp tái chế và là nền tảng quan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

 Các họa tiết trang trí trên sản phẩm của Công ty Quế Lâm được tận dụng từ vải vụn trong quá trình cắt

Các họa tiết trang trí trên sản phẩm của Công ty Quế Lâm được tận dụng từ vải vụn trong quá trình cắt

Từng được đánh giá “Luật trên giấy”, bởi Luật BVMT năm 2005 tại Điều 67 cũng đã quy định trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; tiếp theo là các Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 16/2015-QĐ-TTg quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, tuy nhiên, kết quả sau 15 năm, hầu như trách nhiệm đó đã được các nhà sản xuất/nhập khẩu đẩy sang người tiêu dùng. Điển hình, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam chỉ có 7 điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ trên toàn quốc với các quy định: “Sản phẩm còn nguyên dạng” và “khách hàng tự chịu trách nhiệm vận chuyển sản phẩm đến điểm thu hồi”. Hay, Công ty Samsung Việt Nam với hơn 100 trung tâm bảo hành đặt khắp cả nước nhưng chỉ có 12 điểm thu hồi tại 5 tỉnh, thành phố và người tiêu dùng cũng phải tự chịu chi phí vận chuyển đến điểm thu hồi…

Lý giải về vấn đề trên, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho rằng, do chúng ta không quy định cụ thể tỷ lệ phải thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ đối với các nhà sản xuất/nhập khẩu. Đây chính là “kẽ hở” để doanh nghiệp từ chối trách nhiệm của mình, chưa kể đến lợi ích của người tiêu dùng bị ảnh hưởng khi vừa phải mất phí vận chuyển mà lại không có “thêm tiền như khi bán cho đồng nát/ve chai”.

Tuy nhiên, những “kẽ hở” này đã được khắc phục bởi nguyên tắc cơ bản của cơ chế EPR đã được Luật BVMT năm 2020 đưa ra. Trong đó, gồm những quy định yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế bao bì đã qua sử dụng với tỷ lệ bắt buộc dựa vào khối lượng hoặc đơn vị bao bì đóng gói sản phẩm mà nhà sản xuất đưa ra thị trường và phải tuân thủ quy cách tái chế bắt buộc.

Công cụ hữu ích

Nền kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải và ô nhiễm môi trường. Để nền kinh tế tuần hoàn vận hành và phát triển, phải hướng đến giảm thiểu - tái chế - tái sử dụng. EPR chính là công cụ hữu ích để kích hoạt nền kinh tế tuần hoàn. Cơ chế EPR giúp tăng cường dòng tài chính và hợp tác đa bên, vốn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng tỷ lệ tái chế chất thải, bao gồm tái chế chất thải nhựa. Đây là nền tảng quan trọng cho nền kinh tế tuần hoàn mà chúng ta đang hướng đến...

Theo Tiến sĩ Kim In Hwan - Cố vấn chính sách môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tại Hàn Quốc, cơ chế EPR được điều chỉnh bởi Đạo luật Khuyến khích tiết kiệm và tái chế tài nguyên (năm 2002); Đạo luật Tài nguyên tuần hoàn của chất thải điện tử và các phương tiện giao thông (năm 2007); Đạo luật Kiểm soát chất thải. Về nguyên tắc, EPR được hiểu là nhà sản xuất chịu hoàn toàn trách nhiệm trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm; kiểm soát ô nhiễm và an toàn khi sử dụng kéo dài đến cuối vòng đời của sản phẩm. Cơ chế này đã giúp cho Hàn Quốc trong giai đoạn 2003 - 2016 đạt tỷ lệ tái chế lên đến 72% trong tổng sản lượng tái chế. Doanh nghiệp thực hiện tái chế tăng lên và cùng với đó, 9.769 công việc đã được tạo ra.

Ông Rui Ludovino - Tham tán thứ nhất, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - nhấn mạnh, huy động doanh nghiệp tham gia vào kinh tế tuần hoàn, mô hình kinh tế sử dụng và quản lý tài nguyên hiệu quả và bền vững hơn thông qua nguyên tắc “Giảm thiểu, Tái sử dụng và Tái chế”, là nền tảng trong chính sách của Liên minh châu Âu, theo tinh thần Sáng kiến Thỏa thuận xanh châu Âu. “Chúng tôi mong muốn Việt Nam xây dựng được một cơ chế EPR hiệu quả. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” - ông Rui Ludovino nhấn mạnh.

Đối tượng của cơ chế EPR gồm những ngành hàng: Pin và ắc quy, điện và điện tử; săm lốp, dầu nhờn, ôtô và xe máy, bao bì. Các nhà sản xuất có thể tự tổ chức thực hiện tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để tái chế chất thải, hay ủy quyền cho bên thứ 3 (PRO) để thu gom, tái chế.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/epr-loi-giai-cho-bai-toan-xu-ly-rac-thai-ran-160319.html