EPR sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề làng nghề tái chế nhựa gây ô nhiễm

Các chuyên gia kỳ vọng, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) sẽ xử lý dứt điểm được các làng nghề tái chế phế liệu nhựa gây ô nhiễm.

Ám ảnh với con đường đi của phế liệu nhựa

Ngày 25/1, tại Hà Nội, Ban Khoa Giáo đài truyền hình Việt Nam (VTV2) phối hợp với Đại học Tài nguyên và Môi trường, Mạng lưới Break Free From Plastics (BFFP) và Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam (PE-VN) tổ chức sự kiện Đối thoại chính sách với chủ đề “Phế liệu nhựa nhập khẩu”.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Theo báo cáo tại chương trình, hiện Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề liên quan đế khủng hoảng chất thải nhựa. Trong khi chúng ta đang phải tốn kém một nguồn kinh phí rất lớn để nhập khẩu phế liệu nhựa thì nguồn phế liệu trong nước lại chưa được tận dụng một cách triệt để, một lượng lớn phế liệu hoặc nhiễm chất hữu cơ hoặc bị đưa lên bãi rác…

Gia đoạn từ năm 2019-2022, Việt Nam nhập khẩu hơn 4 triệu tấn các loại phế liệu nhựa. Trong đó có khoảng 60% sản phẩm nhựa nhập khẩu được tái chế. Tuy nhiên, trung bình tái chế một tấn nhựa sẽ phát thải 4,4 tấn eCO2. Có khoảng 25% loại hóa chất sử dụng trong sản xuất nhựa là hóa chất độc hại.

Theo các chuyên gia, mặc dù đã có các nỗ lực cố gắng giảm thiểu việc sử dụng nhựa và xử lý rác thải nhựa nội địa, tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ và tái chế nhựa vẫn còn lớn và ngày càng tăng cao. Điều này đã dẫn đến việc Việt Nam trở thành một trong những điểm đến chính cho việc nhập khẩu rác thải nhựa từ các quốc gia phát triển. Sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu rác thải nhựa đã gây ra nhiều hậu quả xấu, bao gồm tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái nơi chúng được xử lý. Một số lượng lớn rác thải nhựa nhập khẩu thường chứa các thành phần không rõ nguồn gốc và lẫn nhiều tạp chất, điều này làm gia tăng khó khăn trong việc quản lý và xử lý chúng một cách hiệu quả.

Bà Quách Thị Xuân - Trưởng Đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tại Việt Nam

Bà Quách Thị Xuân - Trưởng Đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tại Việt Nam

Trong buổi đối thoại, Ban khoa giáo đài truyền hình Việt Nam đã công chiếu phim tài liệu: “Hướng đi của phế liệu nhựa nhập khẩu”, phản ánh một bức tranh toàn cảnh về việc nhập khẩu phế liệu nhựa tại Việt Nam. Một đường đi vô cùng nhức nhối, từ những chuyến nhập khẩu phế liệu ở các nước “đổ” vào Việt Nam và len lỏi vào các công đoạn sản xuất đồ dùng tái chế cho người dân sử dụng, lại đến với những bãi rác, tiếp tục trở thành rác thải nhựa. “Đường đi” này là một vòng tròn khép kín, gây nên bao hậu quả đối với môi trường, sức khỏe của con người, vô cùng ám ảnh.

Tại đây, các chuyên gia cho rằng, mặc dù nhập khẩu phế liệu nhựa có thể mang lại lợi ích ngắn hạn về nguyên liệu sản xuất và giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng nó cũng tiềm ẩn những vấn đề lớn về môi trường, sức khỏe và an toàn thực phẩm.

Theo bà Quách Thị Xuân - Trưởng Đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tại Việt Nam, việc tái chế giúp nhựa được lưu thông nhiều hơn trong nền kinh tế nhưng mặt khác thì quá trình tái chế cũng tiêu tốn năng lượng và phát thải nhiều loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Việc xử lý phế liệu nhựa nhập khẩu có thể dẫn đến các vấn đề như ô nhiễm môi trường do phế liệu nhựa có chứa các hóa chất độc hại, đồng thời tạo ra áp lực lớn đối với quá trình để có thể đảm bảo tái chế và xử lý chúng một cách an toàn và hiệu quả.

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tài Văn chia sẻ về sự ám ảnh khi thực hiện bộ phim tài liệu “Hướng đi của phế liệu nhựa nhập khẩu”

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tài Văn chia sẻ về sự ám ảnh khi thực hiện bộ phim tài liệu “Hướng đi của phế liệu nhựa nhập khẩu”

“Thông thường chỉ 60% phế liệu nhựa nhập về có thể được tái chế, 40% còn lại bị thải ra ngoài môi trường, tạo nên các núi rác nhựa khổng lồ quanh làng nghề tái chế. Tuy nhiên, không phải tất cả các quan điểm đều phản đối việc nhập khẩu phế liệu nhựa. Một số người nêu lên rằng việc này giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa trên toàn cầu, đồng thời tạo ra nguồn nguyên liệu tái chế quan trọng cho các ngành công nghiệp sản xuất”, bà Quách Thị Xuân chia sẻ.

Trưởng Đại diện tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam cho biết, ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải nhựa đang rất nghiêm trọng và trở thành vấn đề toàn cầu: “Nhựa rất bền và tiện lợi, chính vì thế người dân sử dung rất nhiều, khi thải ra môi trường mất rất nhiều năm để phân hủy, có loại mất 500-1.000 năm mới có thể phân hủy hết, trong khi nhựa rất khó tái chế…”

Bà Quách Thị Xuân lo ngại: “Hiện nay, tại các làng nghề, mặc dù hầu như không được cấp phép nhưng người dân vẫn bất chấp, tái chế phế thải, nhất là phế thải nhựa. Hoạt động này tác động xấu đến môi trường vì công nghệ tái chế còn lạc hậu, nguyên liệu trôi nổi, chủ yếu từ thu gom, nhập lậu,… gây ô nhiễm môi trường rất nặng”.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất sẽ xử lý làng nghề tái chế?

Để phát triển bền vững, các chuyên gia cũng khuyến cáo, cần có giải cách tiếp cận thông minh và bền vững hơn trong việc nhập khẩu và tái chế phế liệu nhựa, đồng thời tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn đối với quá trình nhập khẩu này.

Ông Ngô Xuân Hiếu – đại diện Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hưng Yên

Ông Ngô Xuân Hiếu – đại diện Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hưng Yên

Ông Ngô Xuân Hiếu – đại diện Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện nay, nhu cầu nhập khẩu phế liệu nhựa là nhu cầu tất yếu để phục vụ phát triển. Tuy nhiên, ngoài một số cơ cở được cấp phép nhập khẩu phế liệu nhựa và phải được đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện rất khắt khe, hiện nay vẫn có các làng nghề thực hiện hoạt động thu gom, tái chế trái phép gây ô nhiễm rất cao.

“Vấn đề làng nghề tái chế gây ô nhiễm được chúng tôi đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn để xử lý rác thải sinh hoạt. Cùng với đó, chúng tôi thu gom nguyên liệu thải hồi tại các làng nghề để làm nguyên liệu đốt cho các nhà máy cần dung đến…”, ông Ngô Xuân Hiếu chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Lam – đại diện Cục kiểm soát Ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT)

Ông Nguyễn Thành Lam – đại diện Cục kiểm soát Ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT)

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Thành Lam – đại diện Cục kiểm soát Ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, hiện nay các cơ quan chức năng đã thắt chặt quản lý phế liệu nhựa nhập khẩu so với trước kia rất nhiều.

“Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần sự chung tay của toàn xã hội, không khỉ bàn về việc giải quyết ô nhiễm ở cuối đường ống nước thải, mà phải giải quyết được từ nơi phát sinh nguồn thải, từ quá trình sản xuất, hay chính người sử dụng,…Hiện nay chúng tôi đang rất đau đầu với các làng nghề tái chế, nhiều loại nhựa không phải đưa vào là tái chế được ngay. Vì vậy cần kiểm soát chặt chẽ từ nhập khẩu, tái chế cho đến quá trình thải bỏ. Nước thải, khí thải phải được xử lý trước khi xả thải…”, ông Nguyễn Thành Lam chia sẻ.

Theo vị đại diện Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), trong thời gian tới cần tiếp tục rà soát hoàn thiện chính sách, quản lý chặt chẽ phế liệu nhập khẩu. Nghiên cứu đổi mới chuyển giao công nghệ tái chế, xử lý chất thải, phế liệu nhựa ngay tại nguồn để an toàn nhất.

Tiếp tục thực hiện thanh tra kiểm tra để đảm bảo dòng phế liệu đi đúng đường, đến các nơi được phép tái chế, đủ năng lực tái chế…Thu hút nguồn lực, kinh nghiệm từ nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để quản lý dòng đời, chất thải nhựa tốt hơn…

Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Hiệp hội nhựa Tái sinh Việt Nam

Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Hiệp hội nhựa Tái sinh Việt Nam

Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Hiệp hội nhựa Tái sinh Việt Nam cho biết: “Thời gian gần đây, quá trình kiểm soát chất thải nhựa đã được siết chặt, chỉ loại nhựa đã được băm nghiền làm sạch mới được nhập khẩu, tỉ lệ tạp chất không vượt quá 2%. Quy định hiện nay cũng chỉ cho những doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu nhằm mục đích sử dụng cho doanh nghiệp của mình mới được nhập khẩu. Trước khi lô hàng nhập khẩu vào đều được giám định kĩ càng”.

Theo ông Hoàng Đức Vượng, hiện nay, gần như các công tác thu gom phế liệu đều do những lao động phổ thông, chưa qua đào tạo bài bản tại các làng nghề, dẫn tới hiện trạng ô nhiễm môi trường thứ cấp từ chính quá trình thu gom, xử lý phế liệu từ các làng nghề như nhựa, nilon,...Thực trạng này đang gây nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ môi trường.

“Đây cũng chính là một phần lí do Bộ TN&MT đưa EPR vào Luật Bảo vệ Môi trường 2020, các đơn vị, cơ sở tái chế chỉ được nhận hỗ trợ khi tuân thủ và đáp ứng được những yêu cầu về bảo vệ môi trường. Theo đó, nếu vi phạm, các cơ sở tái chế sẽ không được hưởng mức hỗ trợ này. Như vậy, các làng nghề buộc phải thay đổi công nghệ, cách thức tái chế xưa cũ, gây ô nhiễm môi trường thành quy trình đảm bảo theo quy định hơn. Đây là hình thức sử dụng bàn tay thị trường đối với các làng nghề tái chế, không chuyển đổi sẽ không nhận được hỗ trợ từ Nhà nước, thậm chí còn bị xử phạt nặng hơn. Đồng thời, nếu vẫn còn hoạt động theo kiểu manh mún như vậy cũng sẽ không thể cạnh tranh được với những cơ sở tái chế chuyên nghiệp có công cụ và quy trình tốt”, ông Hoàng Đức Vượng chỉ ra.

Ông Hoàng Đức Vượng kỳ vọng: “EPR là một giải pháp hiệu quả và rõ ràng nhất giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay và đặt nền móng cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đây chính là động lực thúc đẩy làng nghề hình thành các doanh nghiệp tái chế đảm bảo môi trường, tạo ra thị trường thu gom phế liệu triệt để hơn. Tôi kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng, nhằm đảm bảo rằng việc nhập khẩu phế liệu nhựa sẽ được giảm dần và được thay thế bởi phế liệu nhựa trong nước. Đây thực sự là một bước quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và chia sẻ thông tin về vấn đề tái chế phế liệu nhựa, đồng thời khuyến khích hành động bền vững để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng toàn cầu".

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/epr-se-giai-quyet-dut-diem-van-de-lang-nghe-tai-che-nhua-gay-o-nhiem-post1073834.vov