ESG là vũ khí để thu hút đầu tư

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà, doanh nghiệp nào thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) sẽ có lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư và tạo dựng được uy tín bền vững.

Phát biểu tại Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất do báo Dân trí tổ chức chiều 23/4, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà cho rằng, ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đã trở thành một xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, là thước đo quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và quốc gia. Các nhà đầu tư, người tiêu dùng và cộng đồng ngày càng quan tâm đến 3 yếu tố trên trong các quyết định của mình.

"Doanh nghiệp nào thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG sẽ có lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư và tạo dựng được uy tín bền vững", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

 Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện ESG, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao năng lực quản trị.

Vấn đề đầu tiên Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề cập là làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tiếp cận và triển khai ESG một cách hiệu quả? Thực tiễn cho thấy, cần có những giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện và năng lực đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp.

Thứ hai là bài toán về nguồn nhân lực. Làm thế nào để xây dựng một lực lượng lao động bền vững, có đủ kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Vấn đề thứ ba là hướng đến tầm nhìn dài hạn, đặt khoa học công nghệ vào trung tâm của quản trị và phát triển bền vững. Theo Thứ trưởng, khoa học công nghệ với sức mạnh kỳ diệu sẽ là chìa khóa để mở ra một tương lai - nơi mà các vấn đề môi trường được giải quyết hiệu quả, tài nguyên được sử dụng tối ưu, và chất lượng cuộc sống được nâng cao nhờ các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.

 Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Công thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, để cân bằng hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh áp lực ESG và chuyển đổi xanh ngày càng gia tăng, Việt Nam cần ưu tiên một số giải pháp chiến lược mang tính hệ thống.

Theo đó, trước tiên, cần định hình lại mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, sáng tạo và bền vững thay vì chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và xuất khẩu gia công. Trong đó, các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp sạch cần được xác định là động lực trọng tâm

Thứ hai, đầu tư mạnh vào hạ tầng chuyển đổi xanh và số hóa. Điều này bao gồm mở rộng năng lượng tái tạo, nâng cấp hệ thống giao thông thông minh, xử lý chất thải hiện đại và áp dụng công nghệ số để đo lường, quản lý dữ liệu ESG.

Cùng với đó, Việt Nam cần xây dựng khung chính sách ESG quốc gia đồng bộ, tạo nền tảng cho doanh nghiệp thực hiện, báo cáo và được hỗ trợ theo lộ trình cụ thể, tránh tình trạng "tự bơi" hoặc chạy theo tiêu chuẩn quốc tế mà thiếu hướng dẫn nội địa.

Một giải pháp không kém phần quan trọng là phát triển nguồn nhân lực xanh, thông qua đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho lao động hiện có và tích hợp nội dung phát triển bền vững vào giáo dục.

Đồng thời, cần đổi mới hệ thống tài chính theo hướng thúc đẩy tín dụng xanh, trái phiếu bền vững và quỹ đầu tư ESG để tạo nguồn lực cho doanh nghiệp, nhất là khối SME.

Cuối cùng, nâng cao năng lực thể chế và thực thi pháp luật sẽ là đòn bẩy để đảm bảo sự nhất quán, minh bạch và hiệu quả của mọi chính sách.

Với những giải pháp đồng bộ, Việt Nam có thể vừa duy trì đà tăng trưởng kinh tế, vừa chuyển dịch sang một mô hình phát triển thực sự bền vững và có khả năng thích ứng cao trong tương lai.

Dưới góc độ tư vấn, bà Phạm Minh Hương, Giám đốc Dịch vụ Phát triển bền vững, Deloitte Việt Nam nhận diện, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay khi tiếp cận tài chính xanh là có quá nhiều khung tiêu chuẩn, quy định. Do đó, doanh nghiệp phải nhận thức được rõ những tác động trong từng hoạt động kinh doanh của mình để đưa ra được giải pháp.

Theo các chuyên gia, yếu tố then chốt mang tính chất "chìa khóa" để thực sự thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam tthời gian tới chính là nâng cao năng lực thể chế và quản trị nhà nước.

Bởi thể chế là nền tảng chi phối mọi chính sách, định hướng và cơ chế thực thi. Một hệ thống thể chế minh bạch, hiệu quả và nhất quán sẽ tạo điều kiện để các nguồn lực - từ vốn, công nghệ, đến nhân lực - được phân bổ hợp lý và phát huy tối đa trong tiến trình phát triển bền vững.

Đồng thời, thể chế mạnh cũng giúp củng cố niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhất là trong việc thực hiện các cam kết ESG, thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và nâng cao trách nhiệm xã hội.

Thực tế hiện nay cho thấy nhiều chính sách phát triển bền vững tại Việt Nam còn chậm đi vào cuộc sống do thiếu sự đồng bộ giữa các bộ ngành, chưa rõ ràng về cơ chế phối hợp và giám sát. SME, vốn chiếm hơn 97% doanh nghiệp, cũng gặp khó trong tiếp cận hỗ trợ do quy định thiếu linh hoạt và thông tin thiếu minh bạch.

Do đó, nếu cải thiện thể chế một cách thực chất, Việt Nam không chỉ tháo gỡ được "nút thắt" cho khu vực tư nhân, mà còn tạo được môi trường pháp lý thuận lợi để huy động vốn đầu tư xanh, đổi mới sáng tạo, và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ vì mục tiêu phát triển bền vững, một thể chế hiện đại, minh bạch và có năng lực thực thi hiệu quả sẽ là đòn bẩy chiến lược để Việt Nam không chỉ bắt kịp, mà còn có thể dẫn đầu trong một số lĩnh vực chuyển đổi xanh và công nghệ sạch trong thập kỷ tới.

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/esg-la-vu-khi-de-thu-hut-dau-tu-d272717.html