ESG mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đang dần trở thành yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển dài hạn của các doanh nghiệp. Tại hội thảo 'Đẩy mạnh yếu tố Xã hội trong ESG' do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 10/4, tại Khách sạn Melia Hà Nội, các chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh vai trò thiết yếu của ESG trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang tích cực hội nhập với các tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI, các nền kinh tế lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc đều đã triển khai những quy định nghiêm ngặt liên quan đến ESG, đặc biệt là các quy chuẩn báo cáo bắt buộc. Khu vực ASEAN cũng đã ban hành danh mục phân loại xanh nhằm thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực có tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Đây là xu hướng toàn cầu mà doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Dù ESG vẫn là khái niệm còn khá mới mẻ với nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (SMEs), song các lợi ích mà ESG mang lại là không thể phủ nhận. Báo cáo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) phối hợp cùng USAID thực hiện cho thấy, 26-30% doanh nghiệp SMEs đã có những bước đi ban đầu để tích hợp ESG vào hoạt động kinh doanh. Trong đó, trụ cột “Xã hội” đang được thực hiện tốt nhất với tỷ lệ áp dụng 68%, tiếp theo là Quản trị (63%) và Môi trường (52%).

Đáng chú ý, một số ngành như giáo dục, sản xuất, năng lượng đang có mức thực hành ESG cao. Về mặt địa lý, các vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu về yếu tố xã hội, khi nhiều doanh nghiệp tại đây triển khai chính sách phúc lợi vượt mức luật định, chú trọng tới bình đẳng giới, điều kiện làm việc và phát triển cộng đồng.

Thực tiễn cho thấy, ESG không chỉ là “nghĩa vụ” mà còn là “đòn bẩy” tạo giá trị. Theo McKinsey, doanh nghiệp thực hành tốt ESG có thể đạt mức tăng trưởng đầu tư cao hơn 35% và doanh số bán hàng cao hơn gấp 3 lần so với doanh nghiệp không áp dụng. Harvard Business School cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp có uy tín xã hội tốt thường có chi phí vốn chủ sở hữu thấp hơn 2-5%.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện VBCSD-VCCI cho biết tổ chức này đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy ESG trong cộng đồng doanh nghiệp như xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI), tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững hàng năm, đào tạo nâng cao năng lực quản trị, và các chương trình truyền thông xã hội. Các nỗ lực này nhằm lan tỏa thông điệp về vai trò trung tâm của con người và xã hội trong chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Một ví dụ điển hình cho việc áp dụng ESG thành công đến từ ngành bất động sản, nơi ESG từng bị xem là “khó tiếp cận”. Những năm gần đây, các doanh nghiệp như Masterise Group, Nam Long, Sonadezi hay Becamex IDC đã tiên phong thực hiện các chương trình xã hội quy mô lớn, tích cực công bố báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn quốc tế và đón đầu làn sóng đầu tư tài chính xanh. Khảo sát từ Viet Research cho thấy, 75% doanh nghiệp bất động sản đang dành khoảng 10% danh mục đầu tư cho các dự án xanh, trong khi 50% đã sở hữu sản phẩm tài chính xanh.

Tuy nhiên, hành trình ESG không thiếu thách thức, đặc biệt là với các doanh nghiệp còn hạn chế về mặt nguồn lực, công nghệ và nhận thức. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhìn nhận ESG như một chiến lược tạo ra giá trị dài hạn, mà chỉ đơn thuần xem đó là bộ tiêu chí tuân thủ.

Vì vậy, để ESG thực sự trở thành nền tảng phát triển của doanh nghiệp Việt, cần thêm các cơ chế hỗ trợ từ phía Nhà nước như ưu đãi tài chính xanh, đơn giản hóa thủ tục chứng nhận, cũng như đẩy mạnh truyền thông - đào tạo cho doanh nghiệp, đặc biệt là SMEs. Đồng thời, các tổ chức như VBCSD, UNDP, hay WBCSD tiếp tục đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa chính sách và thực tiễn doanh nghiệp.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, ESG không chỉ là yêu cầu từ bên ngoài mà còn là chiến lược nội tại giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nâng cao niềm tin với nhà đầu tư và người tiêu dùng. ESG là một “chìa khóa” để mở cánh cửa đến tương lai bền vững.

Bên cạnh việc tạo dựng lợi thế cạnh tranh và nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, ESG còn giúp các công ty tăng khả năng tiếp cận vốn, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư quốc tế. Các nhà đầu tư ngày càng ưu tiên những doanh nghiệp minh bạch, có chiến lược phát triển bền vững và quản trị rủi ro tốt - những yếu tố cốt lõi của ESG. Việc tích hợp ESG vào vận hành doanh nghiệp còn giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý, cải thiện mối quan hệ với các bên liên quan và xây dựng lòng tin từ người tiêu dùng.

Các sản phẩm vật liệu xây dựng “xanh” của Viglacera trên thị trường

Các sản phẩm vật liệu xây dựng “xanh” của Viglacera trên thị trường

Đối với ngành bất động sản, một lĩnh vực có tác động lớn đến môi trường và xã hội, ESG đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng mô hình kinh doanh có trách nhiệm. Nhìn rộng hơn, ESG chính là công cụ định hình lại cách doanh nghiệp tạo ra giá trị - không chỉ cho cổ đông mà cho toàn xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Bình Minh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/esg-mang-lai-nhieu-loi-ich-cho-doanh-nghiep-162573.html