EU cấm nhập khẩu các sản phẩm có xuất xứ do phá rừng

Trong tuần qua, Liên minh châu Âu (EU) đã tán thành một luật mới, cấm các công ty bán vào thị trường này các sản phẩm nông nghiệp có liên quan đến nạn phá rừng trên toàn cầu. Các tổ chức môi trường đã hoan nghênh dự luật mới này, cho rằng đây là một bước đột phá trong nỗ lực bảo vệ môi trường.

Theo Le Monde, Ủy ban châu Âu cho biết EU đã đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm được coi là "động lực chính của nạn phá rừng", bao gồm cà phê, ca cao và đậu nành. Khi các quy tắc mới có hiệu lực, tất cả các công ty có liên quan sẽ phải tiến hành thẩm định nghiêm ngặt các sản phẩm đưa vào thị trường EU. Danh sách các sản phẩm bị cấm – bao gồm dầu cọ, sản phẩm từ gia súc, đậu nành, cà phê, ca cao, gỗ và cao su – được xác định là "động lực phá rừng" nếu chúng đến từ vùng đất bị phá rừng sau tháng 12 năm 2020. Le Monde dẫn lời ông Pascal Canfin - Chủ tịch ủy ban môi trường của Nghị viện Châu Âu, cho biết đây là những quy định lần đầu tiên được đưa ra trên thế giới.

France 24 cho biết, nhóm vận động hành lang môi trường Greenpeace gọi dự thảo luật, được thống nhất giữa Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên EU, là "một bước đột phá lớn". Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) coi dự thảo là "đột phá" và "lịch sử". WWF cho biết trong một tuyên bố: “Quy định này là quy định đầu tiên trên thế giới giải quyết nạn phá rừng toàn cầu và sẽ làm giảm đáng kể ảnh hưởng của EU đối với thiên nhiên”.

Theo Reuters, Trưởng đoàn đàm phán của Nghị viện Châu Âu, Christophe Hansen cho biết ông hy vọng rằng quy định sáng tạo này sẽ tạo động lực cho việc bảo vệ rừng trên toàn cầu và truyền cảm hứng cho các quốc gia khác tại COP15.

Trong khi đó, các quốc gia sẽ bị ảnh hưởng bởi các quy định mới, bao gồm Brazil, Indonesia và Colombia, cho rằng chúng là gánh nặng và tốn kém. Chứng nhận cũng khó giám sát, đặc biệt là khi một số chuỗi cung ứng có thể trải rộng trên nhiều quốc gia. Các nước EU và Nghị viện châu Âu hiện phải chính thức thông qua luật. Luật có thể có hiệu lực sau 20 ngày, sau đó các công ty lớn có 18 tháng để tuân thủ và các công ty nhỏ hơn là 24 tháng.

Thực hiện : Vân Hương

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/eu-cam-nhap-khau-cac-san-pham-co-xuat-xu-do-pha-rung