EU cân nhắc tiếp tục nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Syria
Trong đề xuất mới, EU sẽ cho phép các quốc gia thành viên cấp kinh phí cho Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ của Syria để hợp tác trong các lĩnh vực như tái thiết, xây dựng năng lực, chống khủng bố và di cư.

Người dân tại một khu chợ ở Damascus, Syria. (Ảnh: THX/TTXVN)
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Kaja Kallas đã đề xuất các biện pháp nhằm nới lỏng hơn nữa lệnh trừng phạt đối với Syria, qua đó cho phép tài trợ cho các bộ của nước này trong các lĩnh vực như tái thiết và di cư.
Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết ông sẽ ra lệnh dỡ bỏ trừng phạt Syria.
Theo các nguồn thạo tin, trong đề xuất mới, EU sẽ cho phép các quốc gia thành viên cấp kinh phí cho Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ của Syria để hợp tác trong các lĩnh vực như tái thiết, xây dựng năng lực, chống khủng bố và di cư.
Đề xuất mới cũng sẽ dỡ bỏ trừng phạt đối với Ngân hàng Thương mại Syria nhưng vẫn duy trì hạn chế đối với những cá nhân có quan hệ với chính quyền dưới thời Tổng thống bị lật đổ Bashar al-Assad.
Nguồn tin từ ba nhà ngoại giao cho biết các quan chức cũng đang thảo luận việc có nên dỡ bỏ trừng phạt đối với Ngân hàng trung ương Syria hay không.
Đức, Italy và Áo đã cùng kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt đối với Ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính của Syria nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế-xã hội cho quốc gia Trung Đông này.
Dự kiến, Ngoại trưởng các nước thành viên EU sẽ thảo luận về mối quan hệ với Syria tại Brussels (Bỉ) vào tuần tới.
EU đã nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Syria trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và tái thiết, cũng như các giao dịch tài chính liên quan, nhưng một số quốc gia thành viên liên minh đã thúc đẩy việc nới lỏng hơn nữa nhằm giúp quá trình chuyển đổi ở quốc gia Trung Đông này diễn ra suôn sẻ.
Trong tháng này, sau khi tiếp đón Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Paris sẽ thúc đẩy EU chấm dứt lệnh trừng phạt đối với Syria khi các biện pháp hạn chế này sắp đến thời điểm được gia hạn. Phần lớn các biện pháp trừng phạt mà EU áp đặt đối với Syria kể từ năm 2013 đều được gia hạn hằng năm vào ngày 1/6.
Với việc Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính chi phí tái thiết của Syria lên tới hơn 250 tỷ USD, chính quyền quốc gia Trung Đông hiện nay đã thuyết phục các quốc gia châu Âu giảm bớt lệnh trừng phạt nghiêm ngặt được áp đặt đối với chính quyền trước đây./.