EU chuẩn bị tung đòn trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với Nga kể từ năm 2022
Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị tung gói trừng phạt cứng rắn nhất đối với Nga kể từ năm 2022.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot cho biết gói trừng phạt này có mức độ tác động mạnh nhất kể từ năm 2022 đến nay và nhắm trực tiếp vào nguồn tài chính, năng lượng của điện Kremlin.
Lệnh trừng phạt còn có thể ảnh hưởng đến nhiều công ty và trung gian nước ngoài hỗ trợ Nga né lệnh trừng phạt trước đây.

Đây là gói trừng phạt mạnh nhất của EU nhắm vào Nga kể từ năm 2022. (Ảnh: Qirim)
Dù thỏa thuận cuối cùng giữa các nước EU vẫn chưa đạt được, nhưng nhà ngoại giao châu Âu tin tưởng gói trừng phạt mới sẽ giáng đòn nghiêm trọng vào dòng tiền của điện Kremlin. Brussels hy vọng điều này sẽ gây áp lực và buộc Tổng thống Vladimir Putin phải đồng ý ngừng bắn, quay trở lại bàn đàm phán.
Đây là gói trừng phạt thứ 18 của EU đối với Nga kể từ khi cuộc xung đột quân sự ở Ukraine bắt đầu vào năm 2022. Mục đích của gói trừng phạt vẫn chủ yếu làm tăng cường áp lực lên nền kinh tế Nga và cắt giảm nguồn lực để tiếp tục cuộc xung đột.
Trước đó, Tổng thống Putin khẳng định lệnh cấm vận của phương Tây, bao gồm lĩnh vực năng lượng, “hầu như không ảnh hưởng đáng kể” và dẫn chứng GDP Nga năm 2023 tăng 4,3% trong khi khu vực đồng euro chỉ đạt mức 0,8 - 0,9%.
Cùng thời điểm, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền ông sẽ tiếp tục gửi thêm vũ khí cho Ukraine, dù trước đó đã ra lệnh tạm dừng một số đợt viện trợ quân sự cho Kiev.
Ông Trump nói với phóng viên trong bữa tối cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu: “Chúng tôi sẽ gửi thêm một số vũ khí. Chúng tôi phải làm vậy. Họ cần có khả năng tự vệ. Họ đang bị tấn công rất dữ dội".
Ông nói thêm: “Chủ yếu là vũ khí phòng thủ, vì họ đang chịu tổn thất rất lớn. Quá nhiều người thiệt mạng trong cuộc chiến đó”.
Tuần trước, Lầu Năm Góc xác nhận tạm dừng việc chuyển giao một số hệ thống phòng không và đạn dược cho Ukraine, với lý do lo ngại kho dự trữ quân sự của Mỹ đang cạn kiệt.