EU cố giảm sử dụng khí đốt để dự trữ cho mùa đông
Tuần qua, Đức gây chú ý khi quyết định tắt đèn lẫn hệ thống sưởi tại các địa điểm công cộng để tiết kiệm năng lượng.
Loạt biện pháp trên phù hợp với kế hoạch giảm dần nhu cầu khí đốt và tránh để xảy ra tình trạng thiếu hụt vào mùa đông của Liên minh châu Âu (EU). Khối đặt mục tiêu giảm 15% lượng khí đốt sử dụng, giúp châu Âu còn năng lượng sử dụng nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung.
Hiện tại mục tiêu cắt giảm vẫn chỉ mang tính tự nguyện, nhưng giá năng lượng tăng cao sẽ thúc đẩy việc tiết kiệm. Kế hoạch có thể trở thành bắt buộc trong trường hợp khẩn cấp nếu EU xác định có nguy cơ thiết hụt năng lượng nghiêm trọng.
Vì sao châu Âu phải chuẩn bị cho mùa đông?
Nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung, ước tính châu Âu thiếu hụt khoảng 45 tỷ mét khối khí đốt khi mùa đông lạnh bất thường – tương đương 15% lượng khí đốt các nước thành viên EU tiêu thụ trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 3 hàng năm.
Khí đốt là nguồn năng lượng dùng cho sưởi ấm hàng đầu của khối, đồng thời cũng được sử dụng để sản xuất điện ở nhiều mức độ khác nhau tùy quốc gia. Vì vậy châu Âu phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất: mất nguồn cung và mùa đông lạnh bất thường. Nếu không có kế hoạch giảm nhu cầu từ bây giờ thì một số nơi có thể bị thiếu hụt vào mùa đông.
Châu Âu bắt đầu hành động
Một số quốc gia đã bắt đầu hành động. Pháp cố gắng giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng trong 2 năm tới, mặc dù nước này chủ yếu sử dụng năng lượng hạt nhân. Nay các cửa hàng có gắn điều hòa phải đóng cửa lại nếu không sẽ bị phạt 750 euro.
Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Pháp Agnès Pannier-Runacher chỉ trích mở cửa khi bật điều hòa là hành động vô lý làm tăng thêm 20% năng lượng tiêu thụ. Ngoài ra sân hiên quán cà phê và quán bar ngoài trời cũng không được sưởi ấm hay làm mát, bảng quảng cáo chiếu sáng tắt từ 1 giờ sáng đến 6 giờ sáng. Trụ sở cơ quan nhà nước chỉ được mở điều hòa khi nhiệt độ bên trong cao hơn 26 độ C.
Đức chủ yếu sử dụng khí đốt để sưởi ấm, chỉ khoảng 15% được dùng để sản xuất điện. Nhưng giới chức nước này tìm cách cắt giảm nhu cầu ở cả hai lĩnh vực.
Ở phía tây bắc nước Đức, Hanover trở thành đô thị lớn đầu tiên áp dụng loạt biện pháp tiết kiệm năng lượng: tắt nước nóng vòi hoa sen và phòng tắm của các tòa nhà và trung tâm giải trí do thành phố điều hành. Các tòa nhà thành phố không được sưởi ấm quá 20 độ C đồng thời cấm sử dụng thiết bị điều hòa không khí di động cùng quạt sưởi.
Một số thành phố khác tắt đèn chiếu sáng lẫn đài phun nước tại nhiều địa điểm công cộng. Tối 27.7 vừa qua, khoảng 200 di tích lịch sử và tòa nhà tại Berlin chìm trong bóng tối.
Hy Lạp vào tháng 6 đã đặt mục tiêu giảm 10% năng lượng tiêu thụ trong năm nay và sau đó là 30% vào năm 2030. Nay điều hòa ở các tòa nhà công cộng không được đặt ở dưới mức 27 độ C, phải lắp màn che cửa sổ, còn nhân viên văn phòng đảm bảo đã tắt máy tính trước khi tan làm.
Dù không phụ thuộc khí đốt Nga, Tây Ban Nha vẫn khuyến khích người dân giảm tiêu thụ năng lượng. Bộ trưởng Môi trường Teresa Ribera đưa ra một vài lời khuyên tiết kiệm như thói quen tắt đèn khi rời khỏi phòng, sử dụng máy điều nhiệt đúng cách. Thủ tướng Pedro Sánchez thậm chí còn kêu gọi bỏ đeo cà vạt để giảm nhu cầu dùng điều hòa. Chính phủ Tây Ban Nha chuẩn bị công bố kế hoạch tiết kiệm năng lượng mới vào tuần tới.
Ý đã lên kế hoạch cắt giảm tiêu thụ năng lượng từ đầu tháng 7, loạt biện pháp khẩn cấp - có cả biện pháp yêu cầu các cửa hàng đóng cửa sớm - được xem xét trước khi Thủ tướng Mario Draghi từ chức vào tuần trước. Từ tháng 5, điều hòa ở các tòa nhà công cộng Ý không được phép đặt thấp hơn 19 độ C vào mùa hè và cao hơn 27 độ C vào mùa đông.
Tại Hà Lan, từ năm 2023 các hộ tiêu thụ nhiều năng lượng (hơn 50.000 kilowatt giờ) phải giảm mức sử dụng. Doanh nghiệp phải đầu tư cho biện pháp tiết kiệm năng lượng nếu họ có thể thu hồi khoản đầu tư này trong vòng 5 năm.