EU 'nóng mặt' trước đòn trả đũa của Trung Quốc

Để trả đũa việc EU bổ sung thuế nhập khẩu cho xe điện Trung Quốc, Bắc Kinh đang mở một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với với thịt lợn và các sản phẩm nông nghiệp của Châu Âu…

 Một gian hàng quảng bá thịt lợn nhập khẩu từ Tây Ban Nha tại Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc ở Thượng Hải

Một gian hàng quảng bá thịt lợn nhập khẩu từ Tây Ban Nha tại Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc ở Thượng Hải

Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây đã công bố mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn và các sản phẩm phụ nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU). Cuộc điều tra sẽ tập trung vào thịt lợn dành cho tiêu dùng, chẳng hạn như thịt nguyên miếng tươi, lạnh và đông lạnh, cũng như ruột, bong bóng và dạ dày lợn.

Có nhiều ý kiến cho rằng, cuộc điều tra cuối cùng có thể dẫn tới việc Trung Quốc tăng thuế đối với các sản phẩm thịt lợn của EU, chủ yếu nhắm vào Tây Ban Nha, Hà Lan, Đan Mạch, Đức và Pháp.

Động thái này được xem là một phản ứng gay gắt của quốc gia tỷ dân đối với các mức thuế mới mà EU áp dụng lên xe điện của Trung Quốc.

CĂNG THẲNG LEO THANG

Vào ngày 4/10/2023, Ủy ban Châu Âu chính thức mở một cuộc điều tra kéo dài 13 tháng về việc liệu trợ cấp của chính phủ Trung Quốc có giúp các nhà sản xuất xe điện địa phương giành được thị phần ở châu Âu trong những năm gần đây hay không.

Động thái này của Châu Âu đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ Mỹ, với Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen trong chuyến thăm tới Đức ngày 21/5 đã kêu gọi EU phải chủ động tự bảo vệ mình trước sự đổ bộ của “làn sóng” xe điện giá rẻ của Trung Quốc. Mỹ sẽ bắt đầu tăng thuế đối với xe Trung Quốc từ 25% lên 100% kể từ 1/8.

Hiện tại, EU áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả ô tô nhập khẩu, bất kể xuất xứ.

Viện Kiel, một tổ chức nghiên cứu kinh tế có trụ sở tại Đức, từng dự báo rằng nếu EU áp thuế 20% đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc, thì lượng xe Trung Quốc vào Châu Âu sẽ giảm khoảng 25%, tương đương 125.000 chiếc có giá trị 3,8 tỷ USD. Nhưng việc nhập khẩu giảm sút cũng sẽ đẩy giá xe ở Châu Âu lên cao do chi phí sản xuất đắt đỏ tại khu vực.

 Các lô xe điện BYD chờ xuất khẩu tại cảng Liên Vân Cảng, Giang Tô, Trung Quốc

Các lô xe điện BYD chờ xuất khẩu tại cảng Liên Vân Cảng, Giang Tô, Trung Quốc

Các giám đốc điều hành hàng đầu của BMW và Volkswagen đều có vẻ không đồng tình trước những biện pháp của Châu Âu, bởi họ tin rằng mức thuế bổ sung sẽ dẫn đến việc trả đũa của Trung Quốc và thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại toàn cầu. Trong khi đó, một số thương hiệu lớn của Trung Quốc, ví dụ như BYD, đang có ý định thúc đẩy mạnh xây dựng nhà máy mới ở Châu Âu để hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn trong khu vực.

Trong chuyến thăm đến Tây Ban Nha vào 1/6 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao đã bức xúc nói rằng các cuộc điều tra của EU đối với xe điện và các sản phẩm khác của Trung Quốc được tiến hành với những lý do không đúng đắn và là một hành động cạnh tranh không lành mạnh.

Bắc Kinh tuyên bố sẽ không nhượng bộ nếu Liên minh châu Âu lờ đi cảnh báo và áp đặt mức thuế mới đối với xe điện của nước này. Trung Quốc sẵn sàng áp đặt thêm mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu có động cơ lớn, điều có thể ảnh hưởng lớn nhất đến ngành công nghiệp ô tô Đức.

Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc thẳng thừng chỉ ra rằng họ sẽ nhắm mục tiêu cả vào lĩnh vực hàng không và nông nghiệp của Châu Âu.

Tuy nhiên, tất cả những cảnh báo của Bắc Kinh đều không ngăn được EU. Liên minh đã công bố áp thuế từ 17,4 - 38,1% đối với xe điện Trung Quốc vào ngày 12/6.

“ĂN MIẾNG TRẢ MIẾNG”

Đúng như tuyên bố trước đó, Trung Quốc đã nhanh chóng có những động thái trả đũa đầu tiên nhằm vào sản phẩm nông nghiệp của Châu Âu.

 Trung Quốc là một trong những quốc gia tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới

Trung Quốc là một trong những quốc gia tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 17/6 cho biết họ sẽ ngay lập tức sẽ mở một cuộc điều tra về thịt lợn nhập khẩu từ EU, dựa trên đơn khiếu nại từ Hiệp hội Chăn nuôi Trung Quốc gửi lên Cục Điều tra và Phòng vệ Thương mại hôm 6/6. Đơn khiếu nại nêu bật việc những doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng bởi hoạt động bán phá giá của nước ngoài.

Hiện tại, Trung Quốc đánh thuế 12% đối với thịt nhập khẩu từ EU. Nếu mức thuế tăng lên 20%, nhiều nhà xuất khẩu trong khối sẽ cảm nhận rõ ràng “sức nóng” của cuộc chiến thương mại. Các nhà phân tích cho rằng, thị trường xuất khẩu thịt ở EU sẽ không thể bù đắp được các tổn thất từ Trung Quốc, ngay cả khi họ tìm kiếm các thị trường mới như Việt Nam và Philippines.

Theo thống kê cho thấy, Trung Quốc tiêu thụ tổng cộng 57,94 triệu tấn thịt lợn và phụ phẩm thịt lợn vào năm 2023 nhưng nước này chỉ nhập khẩu 1,55 triệu tấn. Trong đó, khoảng một nửa lượng thịt lợn nhập khẩu vào Trung Quốc đến từ châu Âu. Từ năm 2014 đến 2020, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh. Sau khi đạt đỉnh 4,39 triệu tấn vào năm 2020, con số này đã giảm dần.

Cailianpress.com, một trang web tin tức tài chính Trung Quốc nhận định, thịt lợn nhập khẩu từ EU chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc, do đó việc nguồn cung từ khu vực này sụt giảm sẽ không ảnh hưởng lớn đến giá thịt lợn tại Trung Quốc. Ngược lại, các trang trại lợn ở EU sẽ gặp khó khăn trong việc tìm người mua thay thế, đặc biệt là đối với nội tạng lợn, chân, đuôi và tai lợn, những nguyên liệu thường không được sử dụng trong các món ăn châu Âu.

 Một gian hàng bán thịt lợn tại Tây Ban Nha

Một gian hàng bán thịt lợn tại Tây Ban Nha

Theo một bài báo được Nhật báo Kinh tế Trung Quốc đăng tải hồi đầu năm nay, giá thịt lợn ở nước này đã giảm mạnh từ tháng 9/2020 do tình trạng dư cung trên thị trường, không tính đến sự phục hồi nhẹ trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 11/ 2022. Giá thịt lợn giảm cũng kìm hãm chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc, vốn chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2023, so với mức tăng trưởng trung bình 2% trong giai đoạn 2016-2019.

Tuy nhiên, kể từ tháng 4 vừa qua, giá thịt lợn Trung Quốc đã lấy lại đà phục hồi. Hôm 17/6, trang thông tin của chính phủ Trung Quốc Sichuan Online đã đưa tin về việc người chăn nuôi lợn ở tỉnh Tứ Xuyên đã lãi trong tháng 6, báo hiệu cho thấy ngành thịt lợn đang bước vào chu kỳ đi lên.

 Các quốc gia xuất khẩu thịt lợn hàng đầu sang Trung Quốc

Các quốc gia xuất khẩu thịt lợn hàng đầu sang Trung Quốc

Một số nhà bình luận lưu ý, nhu cầu thịt lợn phục hồi tốt ở Trung Quốc sẽ mang lại cho Bắc Kinh nhiều lợi thế hơn trong đàm phán thương mại. Ngoài ra, nếu căng thẳng với EU trở nên trầm trọng hơn, Trung Quốc có thể xem xét tới việc nhập khẩu thêm sản phẩm thịt lợn từ Brazil và Nga.

Theo Tổ chức Liên ngành Nông sản Thực phẩm về Lợn trắng Interporc, Tây Ban Nha vào năm ngoái đã xuất khẩu khoảng 560.000 tấn sản phẩm thịt lợn trị giá 1,29 tỷ USD sang Trung Quốc. Ngoài Tây Ban Nha, hai quốc gia khác là Hà Lan và Đan Mạch cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc điều tra mới nhất của Trung Quốc khi lượng xuất khẩu sản phẩm thịt lợn của họ sang Trung Quốc trị giá lần lượt là 620 triệu USD và 550 triệu USD.

Kể từ khi có tin tức về cuộc điều tra, chính phủ Tây Ban Nha đã kêu gọi đàm phán thương mại các bên. Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha Luis Planas hy vọng sẽ có cơ hội thảo luận với nước bạn để tránh việc áp thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Tây Ban Nha.

Trong khi đó, Ủy ban Châu Âu cho biết EU không lo lắng về cuộc điều tra chống bán phá giá của Trung Quốc và sẽ can thiệp để đảm bảo cuộc điều tra tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Mỹ Hân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/eu-nong-mat-truoc-don-tra-dua-cua-trung-quoc-post552813.html