EU sẽ gặp khó nếu từ bỏ nguyên liệu thô từ Trung Quốc
EU đề xuất 'giảm bớt sự phụ thuộc' vào nguồn cung khoáng sản Trung Quốc, nhưng động thái này được cho sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế của khu vực.
Các nước châu Âu phải nhập khẩu từ 75-100% các loại kim loại. Trong số 30 nguyên liệu thô mà EU phân loại là quan trọng, 19 nguyên liệu chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Danh sách này bao gồm magiê, đất hiếm và bitmut mà Trung Quốc có độc quyền trên thực tế, đáp ứng tới 98% nhu cầu của EU.
Điều này có nghĩa là một ngày nào đó, EU có thể sẽ phải “đau đầu”, vì Trung Quốc có kế hoạch giảm xuất khẩu các nguyên liệu quan trọng trong vòng 5 năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường nội địa.
Do đó, các nước châu Âu gần đây đã tăng cường nỗ lực thiết lập chuỗi cung ứng địa phương và đa dạng hóa thị trường nhập khẩu để giảm sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất.
Tránh lặp lại sai lầm
Hôm 14/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề xuất đưa ra một bộ luật mới về khoáng sản quan trọng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung khoáng sản quan trọng, bao gồm đất hiếm và lithium, từ Trung Quốc.
Bà von der Leyen cho biết, châu Âu cần tránh “mắc kẹt trong sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt như chúng ta đang thấy”, khi nhắc đến nỗ lực của khu vực này trong việc tách khỏi xuất khẩu năng lượng của Nga.
“Chúng ta cần học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ”, bà Von der Leyen nói, lưu ý thêm rằng Trung Quốc hiện đang thống trị ngành công nghiệp chế biến toàn cầu, với gần 90% đất hiếm và 60% lithium được chế biến ở quốc gia này.
“Chúng tôi sẽ xác định các dự án chiến lược trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ khai thác đến tinh chế, từ chế biến đến tái chế. Và chúng tôi sẽ xây dựng các kho dự trữ chiến lược ở những nơi có rủi ro về nguồn cung”, bà von der Leyen tuyên bố trong phát biểu hàng năm của Liên minh Châu Âu, trong đó đưa ra các ưu tiên về pháp lý và chính sách của Ủy ban châu Âu trong năm tới.
Động thái này được cho là sẽ mất rất nhiều thời gian và khiến châu Âu phải bỏ ra nhiều chi phí hơn để đạt được các mục tiêu xanh, đồng thời làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát ở châu Âu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng.
“Việc tránh phục thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với người dân và các ngành công nghiệp ở châu Âu. Nếu bây giờ chúng ta thêm nguyên liệu thô có nguồn gốc từ Trung Quốc vào danh sách, hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn”, ông Stephan Ossenkopp, một chuyên gia tại Viện Schiller, một tổ chức tư vấn kinh tế - chính trị có trụ sở tại Đức cho biết.
“EU có nhu cầu cao đối với các sản phẩm đất hiếm đã qua xử lý và các thành phần liên quan, chẳng hạn như nam châm neodymium và các thành phẩm”, ông Yang Giám đốc một công ty đất hiếm nhà nước tại Ganzhou, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, cho biết.
Theo một báo cáo từ Liên minh Nguyên liệu thô Châu Âu, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 16.000 (tương đương 98%) nam châm đất hiếm sang Châu Âu mỗi năm.
Theo ông Cui Hongjian, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, vẫn chưa rõ liệu các nước EU có đồng ý thông qua đề xuất này hay không, và nó sẽ được tuân thủ đến mức độ nào.
Vì sự thịnh vượng chung
Ông Cui lưu ý rằng đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh xung đột toàn cầu ngày càng gia tăng, chính trị và chuỗi cung ứng còn nhiều bất ổn, do đó, việc coi trọng các vấn đề an ninh, an toàn chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi kinh tế và thương mại với Trung Quốc, châu Âu nên tránh chính trị hóa các vấn đề về chuỗi ngành, ông Cui nói. Ông cũng đề xuất châu Âu sử dụng các giải pháp đối thoại, thay vì thúc đẩy các quy định phân biệt đối xử nhắm vào các công ty Trung Quốc.
“Trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp và đầy biến động, thế giới cần những cây cầu và những con đường hơn là những bức tường. Trung Quốc và EU nên chung tay vì sự phát triển và thịnh vượng, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế và sự tiến bộ của con người”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết hôm 14.9.
Theo bà Mao, Trung Quốc và EU là những đối tác kinh tế và thương mại quan trọng, và là lực lượng quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế mở cửa cho thế giới. Bà cũng nhấn mạnh rằng bất chấp tác động của đại dịch, hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-EU đã cho thấy khả năng phục hồi và sức sống mạnh mẽ.
Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và EU tăng lên hơn 820 tỷ USD, một con số cao kỷ lục. Trong nửa đầu năm 2022, kim ngạch thương mại giữa 27 thành viên EU và Trung Quốc là 413,9 tỷ Euro, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyễn Tuyết (Theo Global Times, SCMP, DW)