EU siết quy định đối với nông sản tươi: Lưu ý cho doanh nghiệp Việt
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy điển cho biết, Liên minh Châu Âu (EU) đang áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn đối với nông sản tươi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm tác động môi trường. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến thị trường Bắc Âu, gồm Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy – nơi nổi tiếng với yêu cầu cao về an toàn thực phẩm. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Trong số các quy định mới, EU kiểm soát chặt chẽ dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trên nông sản nhập khẩu, theo Quy định 2023/915, một số hóa chất bị cấm hoàn toàn, mức dư lượng cadmium tối đa cũng giảm đối với nhiều loại trái cây như dâu, cam quýt, xoài, chuối và dứa.
Ngoài ra, các siêu thị Bắc Âu có tiêu chuẩn riêng, thậm chí còn khắt khe hơn quy định chung của EU, buộc doanh nghiệp phải đáp ứng không chỉ yêu cầu tối thiểu mà còn đảm bảo chất lượng vượt trội nếu muốn thâm nhập sâu vào thị trường này.
Bên cạnh đó, chứng nhận kiểm dịch thực vật (phytosanitary certificate) là điều kiện bắt buộc để nông sản tươi nhập khẩu vào EU, đảm bảo sản phẩm không mang sinh vật gây hại. Tuy nhiên, một số mặt hàng như chuối, dừa, chà là, dứa và sầu riêng được miễn yêu cầu này.
Để tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, EU cũng áp dụng tỷ lệ kiểm tra cao hơn với các sản phẩm có nguy cơ dư lượng hóa chất cao, chẳng hạn 50% ớt từ Cộng hòa Dominica, 30% cam và ớt từ Ai Cập, 10% đậu và 20% ớt từ Kenya bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Hiện chưa có quy định cụ thể đối với Việt Nam, nhưng nếu doanh nghiệp không đảm bảo chất lượng, nguy cơ bị đưa vào danh sách kiểm soát gắt gao là rất cao.
Trước tình hình này, Thương vụ Việt Nam tại Thụy điển khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chủ động kiểm soát lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn quy định.
Việc kiểm nghiệm tại các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế trước khi xuất khẩu là cần thiết để tránh rủi ro bị từ chối tại cửa khẩu EU. Đồng thời, doanh nghiệp phải hợp tác chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch trong nước để đảm bảo quy trình kiểm tra và cấp chứng nhận đúng chuẩn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tăng cường kiểm soát chất lượng tại nguồn, đặc biệt với các mặt hàng như ớt, đậu và trái cây nhiệt đới để tránh bị đưa vào danh mục rủi ro cao.
Việc tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe của EU không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản xuất khẩu mà còn là cơ hội để nâng cao uy tín, mở rộng thị phần tại Bắc Âu. Thay vì coi đây là trở ngại, doanh nghiệp có thể tận dụng tiêu chuẩn EU để tạo lợi thế cạnh tranh, quảng bá cam kết chất lượng thông qua các chứng nhận quốc tế như GlobalGAP, tham gia hội chợ thương mại để kết nối với các nhà nhập khẩu lớn.
Ngoài ra, việc đầu tư vào sản xuất bền vững cũng là xu hướng tất yếu khi người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng quan tâm đến sản phẩm thân thiện với môi trường. Chứng nhận như Rainforest Alliance hoặc Fairtrade có thể giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời áp dụng mô hình sản xuất hữu cơ sẽ giúp tối ưu hóa cơ hội xuất khẩu.
“Mặc dù các quy định mới của EU đặt ra không ít thách thức, nhưng nếu doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị kỹ lưỡng, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe và đầu tư vào phát triển bền vững, đây sẽ là cơ hội lớn để nâng cao vị thế trên thị trường Bắc Âu. Việc thích nghi với các quy định này không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì xuất khẩu mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài” - Thương vụ Việt Nam tại Thụy điển nhận định.