EU 'siết' quy định với nông sản, doanh nghiệp cần làm gì?

EU đang áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về an toàn thực phẩm và bền vững nhằm giảm thiểu tác động môi trường và đảm bảo chất lượng nông sản.

EU siết tiêu chuẩn với nông sản nhập khẩu

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy – Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu - thông tin, EU đã và đang áp dụng nhiều quy định nghiêm ngặt với nông sản xuất khẩu.

Đơn cử, EU yêu cầu nông sản nhập khẩu đáp ứng mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (MRL) nghiêm ngặt. Một số hóa chất không được phép sử dụng trong EU sẽ bị cấm hoàn toàn trên sản phẩm nhập khẩu.

EU đang siết chặt các quy định đối với nông sản nhập khẩu (Ảnh: VGP)

EU đang siết chặt các quy định đối với nông sản nhập khẩu (Ảnh: VGP)

Đối với Chứng nhận kiểm dịch thực vật, theo quy định của EU, hầu hết nông sản tươi nhập khẩu vào EU cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật (phytosanitary certificate). Chứng nhận này đảm bảo sản phẩm không mang sinh vật gây hại.

EU cũng áp dụng tỷ lệ kiểm tra cao hơn đối với các sản phẩm có nguy cơ dư lượng hóa chất cao từ một số quốc gia. Ví dụ, 50% với ớt từ Cộng hòa Dominica; 30% cam và ớt từ Ai Cập; 10% đậu và 20% ớt từ Kenya.

Riêng đối với mặt hàng mật ong, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy thông tin, thị trường mật ong Bắc Âu, gồm các quốc gia như Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy, đang áp dụng các quy định truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt theo Chỉ thị Mật ong EU (Directive 2024/1438). Những thay đổi này nhằm nâng cao tính minh bạch, ngăn chặn tình trạng pha trộn mật ong và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận thị trường Bắc Âu.

Theo đó, yêu cầu truy xuất nguồn gốc mới tại Bắc Âu đòi hỏi mật ong phải được ghi nhãn xuất xứ rõ ràng. Tất cả các loại mật ong pha trộn phải ghi rõ từng quốc gia xuất xứ trên nhãn chính. Bên cạnh đó, các mẫu mật ong sẽ được kiểm tra bằng công nghệ tiên tiến để đảm bảo tính xác thực. Toàn bộ chuỗi cung ứng, từ tổ ong đến sản phẩm cuối cùng, phải được ghi chép rõ ràng.

Đặc biệt, đến năm 2028, EU sẽ áp dụng phương pháp phân tích tiêu chuẩn hóa mật ong trên toàn khu vực” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy thông tin.

Trước đó, theo Bộ Công Thương, từ ngày 8/1/2025, Ủy ban châu Âu (EU) đã ban hành Quy định về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các bên ngoài vào EU.

Cụ thể, EU nâng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng từ 10% lên 20%. Lý do được đưa ra là trong thời gian qua, tỷ lệ cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong các lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang EU vẫn còn cao.

EU cũng áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới đối với thanh long từ 30%; đậu bắp và ớt, áp dụng tần suất kiểm tra đều là 50%; đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc BVTV tồn dư trong sản phẩm.

Lý do trong thời gian qua, số các lô hàng thanh long, ớt và đặc biệt là đậu bắp xuất khẩu sang EU vẫn còn bị cảnh báo, vi phạm quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL) không giảm, do đó, EU vẫn duy trì áp dụng biện pháp tăng cường kiểm tra như lần thông báo trước.

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Bắc Âu cần lưu ý gì?

Thị trường EU nói chung và Bắc Âu nói riêng, gồm Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy, nổi tiếng với yêu cầu cao về chất lượng nông sản, đặt ra thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Trong bối cảnh EU nói chung và các nước Bắc Âu nói riêng siết quy định về nhập khẩu nông sản, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy khuyến cáo, nhà xuất khẩu cần đảm bảo sản phẩm không vượt mức dư lượng hóa chất cho phép và đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt từ các nhà nhập khẩu Bắc Âu. Trong đó, cần sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật được EU chấp thuận. Đồng thời, kiểm tra dư lượng hóa chất tại các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế trước khi xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cũng nhấn mạnh, chứng nhận kiểm dịch thực vật là yêu cầu bắt buộc để sản phẩm vào thị trường EU. Vì vậy, doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch tại Việt Nam để đảm bảo quy trình kiểm tra và cấp chứng nhận đúng chuẩn. Áp dụng các biện pháp xử lý để loại bỏ nguy cơ sinh vật gây hại.

Sản phẩm từ Việt Nam có thể nằm trong danh mục rủi ro cao, dẫn đến tỷ lệ kiểm tra cao hơn. Để tránh rủi ro, doanh nghiệp cần nâng cao kiểm soát chất lượng tại nguồn, đặc biệt với các loại nông sản như ớt, đậu và trái cây nhiệt đới. Thêm nữa, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ về quy trình sản xuất và kiểm tra để giải quyết kịp thời khi có vấn đề phát sinh” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy khuyến cáo.

Việc tuân thủ tốt các quy định EU không chỉ giúp sản phẩm đáp ứng yêu cầu mà còn tạo dựng uy tín với khách hàng Bắc Âu. Doanh nghiệp cần quảng bá các cam kết về chất lượng và minh bạch trong chuỗi cung ứng. Kết nối với các đối tác nhập khẩu lớn tại Bắc Âu và tham gia các hội chợ thương mại để mở rộng mạng lưới khách hàng.

Một điểm đặc biệt của thị trường Bắc Âu là người tiêu dùng Bắc Âu đặc biệt quan tâm đến sản phẩm bền vững, không gây hại cho môi trường. Đây là lý do doanh nghiệp xuất khẩu cần chứng minh nỗ lực bảo vệ môi trường thông qua các chứng nhận như GlobalGAP, Rainforest Alliance hoặc Fairtrade. Song song đó, áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Đồng ý kiến, tại buổi trao đổi với báo chí về tình hình phát triển của ngành nông nghiệp cũng như giải đáp một số vấn đề liên quan diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, một trong những giải pháp quan trọng nhất hiện nay để xuất khẩu nông sản bền vững là tổ chức sản xuất bài bản theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số; chặt chẽ từ khâu nguyên liệu đến khâu chế biến và thúc đẩy thương mại.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đang nỗ lực xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi với sự chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm theo chuỗi. Đây chính là điều kiện để Việt Nam có vùng nguyên liệu đạt chuẩn, minh bạch. Cùng với đó, khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến được nâng cao để đảm bảo chất lượng, củng cố chuỗi sản xuất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường.

Năm 2024 ghi dấu ấn đặc biệt đối với xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, với kim ngạch kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023. Trong đó thị trường EU chiếm 11,3%.

Lan Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/eu-siet-quy-dinh-voi-nong-san-doanh-nghiep-can-lam-gi-372917.html